Vì sao một chuyên gia xây đập qua đời mà cả Ethiopia hỗn loạn?

Cảnh sát hôm 29-7 bắn hơi cay vào những người tụ tập tại thủ đô Addis Ababa – Ethiopia để tiếc thương một chuyên gia xây đập mà họ gọi là anh hùng dân tộc.

Bất ổn xảy ra tại đám tang của ông Simegnew Bekele - kỹ sư trưởng của dự án thủy điện Đại Phục hưng (Grand Renaissance) trị giá 5 tỉ USD.

Ông Bekele chết gục trên vô lăng với vết đạn bắn ở đầu hôm 26-7.

Vì sao một chuyên gia xây đập qua đời mà cả Ethiopia hỗn loạn? - 1

Một số người bị thương trong tang lễ ông Bekele. Ảnh: Reuters

Thi thể của ông Bekele được đưa đến Quảng trường Meskel khoảng 11 giờ (giờ địa phương) trong một chiếc xe được trang trí bằng vòng hoa và theo sau là 50 chiếc xe màu trắng.

Một số người chứng kiến nói với đài CNN một số thành viên đưa tang tỏ ra tức giận sau khi bị ngăn đi theo quan tài ông Bekele đến nhà thờ.

Ông Bisrat Teshome, 35 tuổi, một nhà kinh tế học có mặt ở quảng trường cho biết: "Trong khoảng 20 phút, họ hô vang chính phủ chưa có dân chủ".

Vì sao một chuyên gia xây đập qua đời mà cả Ethiopia hỗn loạn? - 2

Hàng chục ngàn người tập trung tại thủ đô Addis Ababa. Ảnh: Reuters

Vì sao một chuyên gia xây đập qua đời mà cả Ethiopia hỗn loạn? - 3

Hàng chục ngàn người tụ tập tại thủ đô Addis Ababa Ảnh: Bisrat Teshome

Một số người biểu tình sau đó cố leo lên một cây cột và thay quốc kỳ Ethiopia có một ngôi sao bằng lá cờ cũ không có biểu tượng với hành động thách thức chính trị.

Theo ông Teshome, cảnh sát bắt đầu xịt hơi cay về phía những người này, sau đó mọi người bỏ chạy. Một số người được đưa đến bệnh viện vì bị trúng hơi cay.

Vì sao một chuyên gia xây đập qua đời mà cả Ethiopia hỗn loạn? - 4

Xe chở quan tài kỹ sư Bekele di chuyển trên đường phố. Ảnh: CNN

Những người tụ tập tại quốc tang ở Quảng trường Meskel – nơi thi thể kỹ sư Bekele được phát hiện 3 ngày trước đó trong một vụ nghi là ám sát.

Nhiều tiếng hô vang khắp thủ đô kêu gọi mở cuộc điều tra làm rõ nguyên nhân cái chết của ông Bekele.

An ninh tại đám tang vô cùng nghiêm ngặt khi lực lượng binh sĩ vũ trang hiện diện trên các con đường và một số con đường quanh quảng trường bị đóng.

Vì sao một chuyên gia xây đập qua đời mà cả Ethiopia hỗn loạn? - 5

Ông Simegnew Bekele. Ảnh: Hiiraan

Kỹ sư 53 tuổi thu hút sự chú ý của công chúng vào năm 2011 khi ông phụ trách dự án Đại Phục hưng (Grand Renaissance).

Bà Matina Stevis-Gridneff, phóng viên của tờ Wall Street Journal tại châu Phi, cho biết ông Bekele đại diện cho những khát vọng yêu nước. Theo nữ phóng viên, ông Bekele cống hiến cuộc đời mình cho dự án này và dành phần lớn thời gian ở quanh con đập tại khu vực Benishangul-Gumuz gần Sudan, cách nhà ông ở Addis Ababa khoảng 1.000 km về phía Tây Bắc.

Bà Stevis-Gridneff nói thêm: "Đó là một nơi có điều kiện khó khăn nhưng ông ấy đã sống ở đó hơn 6 năm".

Vì sao một chuyên gia xây đập qua đời mà cả Ethiopia hỗn loạn? - 6

Lực lượng an ninh ngăn người đưa tang ông Simegnew Bekele. Ảnh: Reuters

Đại Phục hưng (Grand Renaissance) là một trong những dự án cơ sở hạ tầng tham vọng nhất của châu Phi và tái khẳng định mục tiêu của Ethiopia trở thành một quốc gia có có ảnh hưởng trong khu vực và xuất khẩu điện chính. Ngoài ra, dự án này được kỳ vọng đưa Ethiopia thành quốc gia thu nhập trung bình vào năm 2025.

Khi hoàn thành, con đập trên dòng sông Nile Xanh này dự kiến tạo ra khoảng 6.000 MW điện để sử dụng trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

Điểm nổi bật nhất của dự án gần 5 tỉ USD là Ethiopia lo hoàn toàn kinh phí, không có bất kỳ khoản đầu tư nước ngoài nào. Theo các nhà chức trách, 20% kinh phí lấy từ trái phiếu bán cho người dân, 80% còn lại lấy từ tiền thuế.

Ông Belakhew Mekuria, người đứng đầu Ủy ban Đầu tư Ethiopia,cho biết người dân trong nước cảm thấy họ đã góp phần xây dựng con đập - một trong những nguyên nhân khiến cái chết của ông Bekele gây chấn động mạnh mẽ ở nước này.

Vì sao một chuyên gia xây đập qua đời mà cả Ethiopia hỗn loạn? - 7

Dự án Đập Phục hưng Grand Ethiopian trị giá 5 tỉ USD. Ảnh: BBC

Quy mô và tiềm năng của dự án mang lại sự đoàn kết hiếm hoi trong đất nước vốn đang đối mặt với xung đột chính trị và chủng tộc trong những năm qua, theo đài BBC.

Ước tính con đập đã được hoàn thành 60% nhưng tiến độ chậm trễ dẫn dến sự tức giận trong lòng công chúng.

Hồi tuần rồi, Thủ tướng Abiy Ahmed cho biết con đập không thể hoàn thành trong 10 năm tới với tốc độ xây dựng hiện tại. Người dân Ethiopia tự hào về việc con đập được thi công từ chính nguồn tiền trong nước. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế khiến quá trình xây dựng bị chậm lại.

Chưa kể, căng thẳng địa chính trị về con đập phát sinh khi Ai Cập lo ngại dự án sẽ gây áp lực lên nguồn cung cấp nước của mình.

Vỡ đập khủng khiếp ở Lào: Số người chết thực sự là bao nhiêu?

Số người chết do vụ vỡ đập ở Lào có thể cao hơn nhiều so với con số chính thức 27 người, dân địa phương và các...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Mai - CNN, BBC ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN