Vì sao kẻ thù xua đội quân mèo đến xâm lược, quân Ai Cập cổ chịu thua mất nước chứ không dám đánh?

Ít người biết rằng, vì yêu mèo, người Ai Cập từng chấp nhận thua một trận đánh lớn để rồi chịu mất nước vào tay đế chế Ba Tư.

Mèo là một trong những loài vật linh thiêng nhất đối với người Ai Cập (ảnh: Shutter)

Mèo là một trong những loài vật linh thiêng nhất đối với người Ai Cập (ảnh: Shutter)

Người Ai Cập cổ đại yêu quý và tôn trọng nhiều loài động vật gần gũi với cuộc sống của họ, đặc biệt là mèo. Khi một ngôi nhà bốc cháy, người Ai Cập cổ sẽ giải cứu những con mèo trước, sau đó mới quay lại thu gom tài sản. Khi mèo trong nhà chết, cả gia đình sẽ cạo lông mày và để tang cho đến khi lông mày mọc trở lại, theo History.

Mèo được tôn thờ và yêu quý ở Ai Cập vì 2 lý do chính. Đầu tiên, mèo giúp người Ai Cập bảo vệ nông sản khỏi các loài gặm nhấm phá hoại mùa màng. Thứ hai, Bastet – một trong những vị thần người Ai Cập cổ tôn sùng nhất – mang hình dáng của một con mèo nhà.

Loài mèo được người Ai Cập cổ đại thuần hóa vào khoảng 10.000 năm trước. Người Ai Cập cổ đại duy trì đời sống bằng sản xuất nông nghiệp. Họ phải đương đầu với thiên tai và dịch hại, đặc biệt là chuột, để bảo vệ những kho thóc quý giá của mình.

Khi thấy mèo rừng bắt chuột cống, chuột nhắt, thậm chí cả rắn để ăn, người Ai Cập tỏ ra rất thích thú. Họ cho mèo ăn mỗi khi chúng tới gần các cánh đồng và cuối cùng bắt mèo về nuôi trong nhà. Vào những năm trước công nguyên, hầu hết các gia đình ở Ai Cập đều nuôi mèo.

Nữ thần Bastet trong văn hóa Ai Cập cổ (ảnh: Freefik)

Nữ thần Bastet trong văn hóa Ai Cập cổ (ảnh: Freefik)

Mèo và người Ai Cập có mối quan hệ cộng sinh. Mèo thích sống gần người vì chúng có thể được chia thức ăn thừa và tránh bị săn đuổi bởi các loài thú ăn thịt lớn. Về phần người Ai Cập, họ được nhận “dịch vụ” kiểm soát dịch hại miễn phí.

Ngoài khả năng bắt chuột, mèo còn được người Ai Cập cổ đánh giá cao từ góc độ tâm linh. Nếu người Ai Cập mơ thấy mèo trong giấc ngủ, họ cho rằng đó là điềm báo của sự may mắn.

Mèo được cho là loài động vật sở hữu 2 đặc tính đáng quý đối với người Ai Cập. Chúng trung thành, tận tụy bảo vệ chủ nhân. Mặt khác, mèo cũng rất ngoan cường và quyết liệt trong một cuộc chiến.

Nhiều bức tượng mô tả hình dáng các loài thuộc họ mèo được đúc và xây dựng ở Ai Cập thời cổ đại. Tượng nhân sư ở khu kim tự tháp Giza dài 73 mét có khuôn mặt người và cơ thể sư tử có lẽ là ví dụ nổi tiếng nhất.

Họ nhà mèo có nhiều liên hệ với thần giáo thời Ai Cập cổ đại. Mafdet – nữ thần mặt báo – là một trong những vị thần xuất hiện sớm nhất ở Ai Cập. Người Ai Cập có niềm tin rằng bà sẽ bảo vệ họ khỏi loài rắn độc, bọ cạp. Mafdet cũng là nữ thần đại diện cho công lý.

Sekhmet, nữ thần mặt sư tử, cũng là một trong vị thần nổi tiếng ở Ai Cập. Bà đại diện cho sức mạnh đen tối của Mặt trời, chiến tranh và sự báo thù.

Nhưng trong số tất cả các vị thần có hình dáng thuộc họ nhà mèo, Bastet là nhân vật nổi tiếng nhất. Nữ thần Bastet, với khuôn mặt là một con mèo nhà, được biết đến là vị thần bảo hộ linh thiêng của người Ai Cập cổ. Bà được cho là có thể chống lại mọi cái ác, bảo vệ con người khỏi bệnh tật.

Bastet cũng là vị thần bảo vệ các ngôi nhà, che chở cho các sản phụ và ban tặng khả năng sinh sản trong văn hóa Ai Cập cổ, theo Science.

Sự tôn sùng thần Bastet và tình yêu dành cho loài mèo của người Ai Cập cổ thể hiện bằng việc họ ướp xác loài vật bé nhỏ này. Các nhà khảo cổ cũng phát hiện những ngôi mộ mèo có niên đại khoảng 3.800 năm TCN.

Xác ướp mèo ở Ai Cập (ảnh: CNN)

Xác ướp mèo ở Ai Cập (ảnh: CNN)

Nhiều quy định được ban hành ở Ai Cập để bảo vệ loài mèo trong thời cổ đại. Nếu người nào đó giết mèo, họ sẽ bị phạt nặng. Việc buôn bán và đưa mèo Ai Cập sang nước khác cũng bị coi là bất hợp pháp. Khi mèo chết, chúng có thể được ướp xác và cúng tế đồ ăn. Một số người Ai Cập cổ muốn “bầu bạn” với mèo ngay cả khi đã sang thế giới bên kia. Khi đó, mèo sẽ được chôn cùng chủ nhân.

Vào giữa thế kỷ thứ 6 TCN, vẻ huy hoàng của Ai Cập còn lại rất ít. Phần lớn Ai Cập lúc này đã bị đế chế Ba Tư thôn tính. Thần Bastet dường như không thể giúp người Ai Cập bảo vệ biên giới, nhưng tình yêu của họ dành cho loài mèo vẫn nguyên vẹn.

Năm 525 TCN, vua của đế chế Ba Tư Cambyses II dẫn quân tấn công thành phố Pelusium của Ai Cập. Lợi dụng tình yêu của người Ai Cập dành cho mèo, Cambyses II đã yêu cầu binh sĩ dưới quyền bắt thật nhiều mèo và vẽ hình mèo lên các tấm khiên, theo World History.

Trận đánh Pelusium, khi những con mèo bị bắt làm “con tin” (ảnh: War History)

Trận đánh Pelusium, khi những con mèo bị bắt làm “con tin” (ảnh: War History)

Khi ra trận, lính Ba Tư buộc mèo lên người và xua những con mèo về phía trước đội hình địch. Đối mặt với chiến thuật này, người Ai Cập tỏ ra ngần ngại chiến đấu vì sợ những con mèo có thể bị thương. Thành Pelusium nhanh chóng thất thủ. Kinh đô Memphis sau đó cũng nhanh chóng sụp đổ. Cambyses II chinh phục được toàn bộ các vùng đất của Ai Cập.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, bất kể người Ba Tư dùng chiến thuật nào, họ cũng có thể chiến thắng người Ai Cập. Cambyses II được cho là nhà lãnh đạo quân sự tài ba hơn hẳn vị pharaon trẻ tuổi Psametik III. Chiến thắng Pelusium được ca ngợi nhờ sự thông minh và chiến thuật “khác người” của vua Cambyses II: Bắt mèo làm “con tin”.

Nguồn: [Link nguồn]

Tính cách và vận mạng của người sinh năm Quý Mão

Trong 12 con giáp, Mão (ở Trung Quốc quan niệm là con thỏ, ở Việt Nam coi là con mèo), là loài vật thông minh, dễ thương, gần gũi với con người. Những người sinh năm mão đa số có...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo QUỐC NAM – tổng hợp ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN