Vì sao kế hoạch "đối phó ông Trump" là ưu tiên hàng đầu của NATO?
"Ông Trump sẽ được nhắc đến rất nhiều dù thực thế ông ấy không có mặt tại hội nghị thượng đỉnh NATO. Điều đó chứng tỏ tầm ảnh hưởng cực lớn của ông ấy với liên minh ngay cả khi ông ấy không còn là tổng thống Mỹ", một nhà nghiên cứu bình luận.
Ông Trump có thể đóng băng viện trợ của Mỹ cho Ukraine nếu tái đắc cử năm nay. Ảnh: The Times
Theo lời của Tổng thư ký NATO đầu tiên Hastings Ismay, mục đích khi thành lập khối quân sự này là "giữ Nga ở ngoài, giữ Mỹ ở trong và giữ Đức ở dưới". Có nghĩa là, NATO muốn ngăn chặn ảnh hưởng của Nga ở châu Âu, duy trì sự hiện diện và cam kết của Mỹ ở châu lục này cũng như ngăn Đức trở nên quá mạnh sau Thế chiến II.
Câu nói của ông Ismay luôn là cách cô đọng nhất để mô tả khối quân sự do Mỹ đứng đầu. Trong bối cảnh giới lãnh đạo NATO tập trung tại Washington trong hội nghị thượng đỉnh NATO tuần này, câu nói trên có vẻ phù hợp nhất.
Theo Telegraph, Nga đang "gây áp lực lớn" lên châu Âu theo cách mà nước này chưa từng làm trong nhiều năm. Đức hiện không cần phải kiềm chế mà thay vào đó cần phải nâng cao vị thế để đối phó với các thách thức mới.
Tuy nhiên, ưu tiên bất thành văn là giữ sự cam kết của Mỹ với NATO, nhất là khi Washington đang có biến động chính trị.
"Ông Trump sẽ được nhắc đến rất nhiều dù thực thế ông ấy không có mặt tại hội nghị thượng đỉnh NATO. Điều đó chứng tỏ tầm ảnh hưởng cực lớn của ông ấy với liên minh ngay cả khi ông ấy không còn là tổng thống Mỹ", Ed Senior - nhà nghiên cứu về an ninh châu Âu tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh - nói với Telegraph trước khi lên đường dự hội nghị ở Mỹ.
"Chúng ta gọi NATO là liên minh quân sự mạnh nhất trong lịch sử, nhưng nếu chỉ một người cũng có thể phá hủy thì liên minh đó có những lỗ hổng nghiêm trọng", ông Senior nói, ám chỉ khả năng ông Trump gây hại cho liên minh.
Việc chuẩn bị cho khả năng ông Trump tái đắc cử đã được các chính phủ và tổ chức tư vấn ở châu Âu, Ukraine và các nơi khác thảo luận trong hơn một năm.
Năm 2023, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã đưa ra kế hoạch đối phó để giảm thiểu ảnh hưởng của ông Trump tới việc viện trợ cho Ukraine. Ảnh: Reuters
Sau màn thể hiện "bị chê" của ông Biden trong cuộc tranh luận lần 1, Telegraph nhận định viễn cảnh ông Trump tái đắc cử đang sáng sủa hơn rất nhiều.
Tờ báo Anh cho rằng, tới tháng 1 năm sau, hoàn toàn có khả năng ông Trump - một người được cho là có thiện cảm với Nga, có quan điểm mâu thuẫn về Ukraine và không ưa NATO - sẽ lãnh đạo nước Mỹ.
Trong kịch bản đó, dựa trên các bình luận của cựu Tổng thống Mỹ và các cố vấn thân cận nhất, ông Trump có thể đóng băng viện trợ của Mỹ cho Ukraine, dẫn đến kết quả có lợi cho Nga trên chiến trường.
Ông cũng có thể chuyển binh lính và trang thiết bị của Mỹ sang khu vực Thái Bình Dương, khiến các thành viên châu Âu của NATO rơi vào tình trạng dễ bị tấn công hơn. Đồng thời, ông Trump cũng làm suy yếu niềm tin vào điều khoản phòng thủ chung (Điều 5 NATO) bằng cách công khai yêu cầu các quốc gia ở sườn đông của khối phải tự bảo vệ họ.
Năm ngoái, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã đưa ra kế hoạch "đối phó ông Trump" - để giảm thiểu ảnh hưởng của Trump đối với việc viện trợ cho Ukraine.
Vào tháng 6, các bộ trưởng quốc phòng NATO đã đồng ý kế hoạch thành lập một bộ chỉ huy mới để điều phối việc cung cấp vũ khí, đạn dược và huấn luyện cho Kiev.
Kế hoạch đó, sẽ được Washington "bật đèn xanh" trong tuần này, đã được thực hiện sau 6 tháng viện trợ của Mỹ cho Ukraine bị trì hoãn. Thực chất, kế hoạch này nhằm mục đích giảm sự phụ thuộc vào nhóm Liên lạc Quốc phòng về tình hình Ukraine (do Mỹ đứng đầu). Nhóm đã cung cấp hầu hết viện trợ của phương Tây cho Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra.
Nhưng kế hoạch trên cũng có hạn chế vì nó phụ thuộc vào cơ sở quân sự của Mỹ ở Wiesbaden (Đức), và không rõ liệu các đồng minh khác có thể thay thế nguồn tài trợ lớn từ Mỹ hay không. Ngoài ra, có những công nghệ mà chỉ có Mỹ mới có thể cung cấp như tên lửa phòng không Patriot.
Theo Telegraph, việc lấp đầy khoảng trống tài chính và quân sự mà Mỹ để lại là chuyện có thể làm được, nhưng việc thay thế vai trò lãnh đạo quan trọng của Mỹ trong khối lại là vấn đề hoàn toàn khác.
"Vấn đề không nằm ở việc thay thế năng lực hay chi tiêu của Mỹ, mà nằm ở chính NATO", một chuyên gia bình luận. "Hiện tại, liên minh quân sự này đang vận hành theo cách tiếp cận an ninh 360 độ - bảo vệ an ninh toàn diện của các thành viên, từ mọi hướng và trên mọi mặt trận - và điều đó chỉ có thể thực hiện được với sự lãnh đạo của Mỹ".
"Nếu muốn tồn tại mà không có sự lãnh đạo của Mỹ, NATO sẽ phải áp dụng cấu trúc khu vực hóa: các nhóm quốc gia sẽ đảm nhận vai trò lớn hơn ở sườn bắc, sườn nam, và sườn phía đông. Cấu trúc này mang tính khu vực thay vì toàn liên minh", vị chuyên gia lập luận thêm.
Về năng lực kinh tế, quân sự, hậu cần, sức mạnh chính trị và ngoại giao, không nước thành viên NATO nào có thể so sánh với Mỹ. Theo Telegraph, các tổng thống Mỹ có thể định hướng, thuyết phục, dụ dỗ hoặc ép buộc các đồng minh hành động. Mỹ cũng đóng vai trò như một chất keo, giúp gắn kết và cho phép các phần khác nhau của NATO hoạt động.
Các quốc gia thành viên NATO phối hợp với nhau không thể thực sự thay thế được những thế mạnh kể trên của Mỹ ngay cả khi họ có thể chi tiêu ngang ngửa với Washington. Nếu loại bỏ vai trò then chốt của Mỹ ở NATO, khối quân sự này sẽ phải tìm cách thích nghi. Điều đó sẽ không dễ dàng.
Ba ông lớn khác của NATO như Anh, Pháp hay Đức có vai trò ngang hàng nên không nước nào trong số này đủ uy tín và tiềm lực khiến hai nước còn lại nghe theo.
Quân đội của nhiều nước thành viên NATO đang gặp phải một vấn đề vô cùng nghiêm trọng và những nước này đang nỗ lực tìm cách để giải quyết nó.
Nguồn: [Link nguồn]