Vì sao ít có triều đại phong kiến Trung Quốc tồn tại được quá 300 năm?
Trong lịch sử phong kiến Trung Quốc, ngoại trừ vài triều đại xa xưa như nhà Hạ, nhà Chu và nhà Hán (kết thúc năm 220), các vương triều từ thời Tần Thủy Hoàng cho đến hết thời nhà Thanh đều không thể tồn tại quá 300 năm.
Hình ảnh một hoàng đế trên phim truyền hình Trung Quốc.
Nếu đem so sánh với các quốc gia lân cận sẽ thấy: Triều Tiên có vương triều họ Lý kéo dài hơn 400 năm, Hoàng thất Nhật Bản vẫn còn được tiếp nối đến tận ngày nay.
Câu hỏi đặt ra là: Vậy thì vì lý do gì mà các triều đại phong kiến của Trung Quốc không thể kéo dài được đến cột mốc 300 năm? Phải chăng các triều đại ấy chưa đủ mạnh?
Xét về tiềm lực đương thời, ngoại trừ thời kỳ Vãn Thanh - giai đoạn cuối của Thanh triều - các vương triều cổ đại khác của Trung Quốc phần lớn đều được đánh giá là mạnh. Vậy lý do khiến các vương triều phong kiến Trung Quốc “đoản mệnh” là gì?
Theo QQ, “hiện tượng” này có một số nguyên nhân nổi bật sau đây:
Đặc trưng của các vương triều phong kiến Trung Quốc
Sự khác biệt lớn nhất giữa các vương triều cổ đại ở phương Tây và ở Trung Quốc nằm ở yếu tố quyền lực.
Các vương triều cổ đại Trung Quốc duy trì chế độ trung ương tập quyền, quyền lực đều tập trung trong tay của hoàng đế và hoàng đế cũng là người trực tiếp quyết định hướng đi của cả đất nước.
Với cách phân bố quyền lực như vậy, nếu vương triều nào có hoàng đế tài giỏi, triều đại đó chắc chắn sẽ phát triển thịnh vượng, ví dụ như thời Hán Vũ Đế, Đường Thái Tông, Minh Thành Tổ…
Ngược lại nếu như một vương triều rơi vào tay một hoàng đế dốt nát, kém cỏi thì kết cục của triều đại đó ra sao cũng không phải là điều khó đoán.
Không chỉ vậy, nếu như quyền lực quá tập trung sẽ dẫn đến các vấn đề nội bộ tranh chấp nghiêm trọng, ví dụ như việc các hoàng tử, hoàng tôn chi thứ, ngoại thất, cường hào địa phương… chăm chăm nhòm ngó hoàng vị.
Nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ ở mỗi triều đại phong kiến Trung Quốc dù không hoàn toàn giống nhau nhưng tựu trung lại, bản chất sâu xa vẫn là do chế độ trung ương tập quyền gây ra.
Nếu lấy tuổi thọ trung bình của một hoàng đế Trung Quốc là khoảng 40 tuổi thì trong 300 năm có khoảng 8 vị hoàng đế, một số ít các triều đại có đến hơn 10 hoàng đế.
Trong thời gian các hoàng đế trị vì, họ phải chú ý đến rất nhiều mối quan hệ cũng như các vấn đề kéo theo, có thể đe dọa đến nguy cơ mất ngai vàng như vấn đề ngoại thích (quan hệ với họ đằng ngoại), các hoàng tử, đại thần, các thần tử của vương triều trước chống đối hoặc làm phản…
Nếu hoàng đế bỏ qua một mắt xích trong số đó, vương triều rất có thể phải đối mặt với nguy cơ suy vong.
Các thế lực ngoại bang
Trong lịch sử phong kiến Trung Quốc, có rất nhiều vương triều bị giặc ngoại xâm tấn công, tiêu biểu nhất trong số đó là thời nhà Tống và nhà Minh. Nói một cách thẳng thắn, hai vương triều này cũng rất hùng mạnh, song trong quá trình chuyển giao quyền lực đã dần xuất hiện các lỗ hổng, khiến quốc gia ngày một suy yếu, hủ bại.
Trong khi đó, các thế lực ngoại bang lại không ngừng lớn mạnh, đặc biệt là vào thời nhà Tống. Vương triều này đã phải đối mặt với thế lực Mông Cổ hùng mạnh, được coi là dân tộc mạnh nhất trên thế giới thời bấy giờ.
Khi đó, không chỉ riêng nhà Tống mà cả châu Âu cũng đều phải cúi mình trước vó ngựa của quân Mông Cổ. Nếu như thủ lĩnh quân Mông Cổ - Thành Cát Tư Hãn - không đột ngột qua đời, lịch sử thế giới có thể đã có một ngã rẽ khác.
Còn dưới thời Minh, triều đại này phải đối mặt với sự xâm lược của nhà Hậu Kim. Hậu Kim khi đó không chỉ thu phục được dân tộc Mông Cổ hung hãn mà còn thống lĩnh nhiều bộ tộc khác.
Song nhà Minh sụp đổ không chỉ bởi sự tấn công từ bên ngoài. Trong nội bộ đất nước, Minh triều phải chống đỡ cuộc khởi nghĩa của Lý Tự Thành. Việc tướng quân Ngô Tam Quế tạo phản chính là một đòn chí mạng khiến nhà Minh rơi vào đường cùng.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Các thế lực bên ngoài tấn công đã thử thách tiềm lực một quốc gia và năng lực của hoàng đế đương thời. Không phải vị hoàng đế nào cũng có khả năng đương đầu với các thế lực ngoại bang hùng mạnh. Ví dụ như dưới thời nhà Hán, sau Lưu Bang, cả Hán Văn Đế và Hán Cảnh Đế đều không có khả năng chống lại các thế lực ngoại bang.
Nếu khi ấy, người Hung Nô chọn cách tấn công thì rất có khả năng nhà Hán sẽ bị lật đổ. Song Hung Nô khi ấy lại chọn cách từ bỏ, chỉ đến khi Hán Vũ Đế lên điều hành triều chính, Hung Nô mới hiểu là cần phải tấn công.
Nhưng Hán Vũ Đế là một hoàng đế tài năng nên người Hung Nô cuối cùng đã không thu được bất cứ lợi ích gì.
Nguyên nhân nội tại
Trong quan hệ đối nội, một hoàng đế cũng luôn phải cảnh giác với các thế lực thù địch đến từ khắp nơi, trong đó cần cẩn thận nhất đó chính là ngoại thích.
Trong lịch sử phong kiến Trung Quốc, nhà Tây Hán sụp đổ vì ngoại thích soán ngôi.
Trên thực tế, xét từ góc độ lịch sử, việc thay đổi triều đại là xu hướng tất yếu, chẳng có ai sẵn sàng chấp nhận cho người khác mãi độc chiếm quyền lực.
Nơi nào có quyền lực nơi ấy chắc chắn sẽ có tranh chấp, bởi không phải ai cũng sẵn sàng chấp nhận việc phải sống cúi đầu trước người khác.
Vậy cần phải làm gì để đề ngăn chặn không cho tranh chấp xảy ra?
Theo QQ, có hai cách để làm được việc này.
Cách thứ nhất là từ bỏ hoàng quyền. Về cách làm này, tiêu biểu nhất trên thế giới phải kể đến trường hợp của hoàng gia Anh và hoàng gia Nhật Bản.
Hoàng gia ở hai quốc gia này đều có chung một điểm đó là không có thực quyền mà chỉ mang ý nghĩa biểu trưng.
Tại Nhật Bản, hoàng gia Nhật có quyền lực mang tính hình thức và ý nghĩa đại diện. Hoàng thất có thể kêu gọi, hiệu triệu nhưng không thể đưa ra chính sách, cho nên họ sẽ không phải nhận về sự thù địch.
Vì người nắm quyền thực chất không phải họ nên các dòng họ khác trong nước không cảm thấy bị khống chế hay áp đặt, lẽ tự nhiên sẽ không gặp vướng mắc với hoàng gia.
Gia đình hoàng gia Nhật Bản. Nguồn internet.
Cách thứ hai là cách mà các quốc gia hiện tại đang thực hiện, đó là xây dựng xã hội do chính phủ nắm quyền chứ không phải do một người hay một dòng họ đứng đầu.
Sự có mặt của chính phủ sẽ giúp mở rộng, lan tỏa sự bình đẳng giữa mọi người, người nắm quyền điều hành sẽ được quyết định trên phương thức bầu cử. Có như vậy, quốc gia mới có thể phát triển ổn định, vững chắc, có đủ khả năng để chống lại các thế lực thù địch đến từ cả trong và ngoài nước.
Các vương triều phong kiến Trung Quốc hầu hết đều không thể kéo dài đến 300 năm, việc này hoàn toàn phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử, chuyện trong thiên hạ có hợp rồi sẽ có tan.
Một quốc gia có thể tồn tại bao lâu có quan hệ mật thiết với người cầm quyền đương thời khi ấy. Thực tế, bất kỳ vị hoàng đế nào cũng sẽ gặp phải những vấn đề như thế, nhưng quan trọng là họ có khả năng để giải quyết những vấn đề đó hay không.
Dưới thời nhà Thanh khi Khang Hi trị vì, bên ngoài có Cát Nhĩ Đan lăm le, bên trong có thế lực của Ngô Tam Quế, trong dân chúng có thế lực của Chu Tam thái tử. Nếu vào một giai đoạn khác, tình thế đất nước như vậy đã đủ để khiến vương triều ấy sụp đổ song Khang Hi lại có thể xoay chuyển tình thế, đánh cho các thế lực đó hoàn toàn tan rã.
Nhưng đến cuối thời nhà Thanh, tình hình đã xoay chuyển hoàn toàn. Các thế lực ngoại bang ngày càng trở nên lớn mạnh, luôn rình rập lăm le vương triều nhà Thanh. Trong khi đó, họa trong nước cũng ngày một trở nên nghiêm trọng hơn, sự phản kháng của dân chúng ngày một mãnh liệt và cương quyết hơn. Thêm vào đó, năng lực của người cầm quyền không đủ mạnh, tất yếu dẫn đến kết cục sụp đổ của Thanh triều.
Trong dòng chảy của lịch sử, đã từng xuất hiện rất nhiều cá nhân hay các gia tộc nắm quyền lực tối cao. Họ được đánh giá là những cá nhân, những thế lực hùng mạnh, ưu tú. Song sinh mệnh mỗi người đều chỉ hữu hạn, họ có thể xưng vương tranh bá một thời nhưng lại chẳng thể nào đảm bảo được cơ ngơi mình lập nên sẽ mãi mãi trường tồn.
Tần Thủy Hoàng cũng đã từng ấp ủ giấc mộng trường tồn như vậy, ông muốn xây dựng nên một vương triều kéo dài mãi đến mai sau. Song thực tế đã cho thấy suy nghĩ của ông hoàn toàn vô căn cứ. Nhà Tần mà ông xây dựng nên chỉ kéo dài đến đời thứ hai thì sụp đổ.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong danh sách các hoàng đế yếu kém, tai tiếng nhất lịch sử Trung Hoa, Tùy dạng Đế Dương Quảng luôn chiếm vị trí đặc...