Các lãnh đạo Hamas đi đâu cũng bị Israel săn lùng, vì sao sang Qatar lại an toàn?

Mặc dù Israel đã cam kết truy lùng các lãnh đạo Hamas trên khắp thế giới, Tel Aviv này lại tránh việc ám sát những nhân vật cấp cao Hamas trú ngụ tại Qatar. Nguyên nhân của sự dè dặt này nằm ở đâu?

Quốc vương Qatar Tamim Bin Hamad al-Thani (giữa) tiếp xúc với quan chức cấp cao Hamas Khaled Mashaal (phải) và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas (trái) ở Doha vào ngày 21/8/2014. Ảnh: AFP.

Quốc vương Qatar Tamim Bin Hamad al-Thani (giữa) tiếp xúc với quan chức cấp cao Hamas Khaled Mashaal (phải) và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas (trái) ở Doha vào ngày 21/8/2014. Ảnh: AFP.

Hôm 21/10, một nguồn tin am hiểu vấn đề trong nội bộ Hamas nói tổ chức nhiều khả năng chưa bầu thủ lĩnh mới. Thay vào đó, một ủy ban gồm 5 thành viên cấp cao được thành lập vào tháng 8 sau cái chết của thủ lĩnh Ismail Haniyeh sẽ tiếp quản vai trò lãnh đạo tổ chức.

Đáng chú ý, cả 5 thành viên cấp cao này, bao gồm đại diện ngoại giao Hamas ở nước ngoài, ông Khaled Meshaal, đều trú ngụ ở Doha, Qatar.

Sau vụ sát hại thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar, chính phủ Israel đang cân nhắc thúc đẩy thỏa thuận với Hamas để trao đổi con tin. Israel không hề đề cập khả năng săn lùng các thành viên cấp cao Hamas trong ủy ban.

Israel ngầm tránh ám sát lãnh đạo Hamas ở Qatar

Sau khi Hamas tiến hành cuộc tấn công quy mô lớn vào Israel vào hôm 7/10/2023, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã công khai tuyên bố Cơ quan tình báo Mossad sẽ săn lùng các lãnh đạo Hamas ở bất kỳ đâu trên thế giới. 

Trong cuộc họp báo sau đó, ông Netanyahu khẳng định Israel không "cam kết ngừng hành động chống lại các lãnh đạo Hamas" trong bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào. Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant cũng tuyên bố: “Các lãnh đạo Hamas đang sống những ngày cuối cùng dù họ ở đâu".

Tuy nhiên, một thông tin rò rỉ từ tờ Le Figaro của Pháp cho thấy Israel đã cam kết với Qatar về việc không tiến hành các cuộc ám sát lãnh đạo Hamas tại nước này. 

Cụ thể, theo nhà báo Georges Malbrunot, Qatar đã đặt ra điều kiện rằng không có vụ ám sát nào được phép diễn ra trong lãnh thổ quốc gia khi nước này đóng vai trò trung gian đàm phán thả các con tin Israel bị Hamas bắt giữ. Tính đến ngày 21/10/2024, vẫn còn 97 con tin còn sống trong số 251 người bị Hamas bắt giữ.

Tờ Jerusalem Post ám chỉ chính quyền của Thủ tướng Israel Benjamin Nentayahu đã ngầm đạt thỏa thuận với Qatar. Điều này đã gây ra nhiều tranh cãi trong nội bộ Israel, đặc biệt khi những lãnh đạo Hamas quan trọng như Khaled Mashal đang trú ngụ tại Qatar.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từng khẳng định sẽ săn lùng các lãnh đạo Hamas, bất kể họ ở đâu. Ảnh: Jerusalem Post.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từng khẳng định sẽ săn lùng các lãnh đạo Hamas, bất kể họ ở đâu. Ảnh: Jerusalem Post.

Theo Jerusalem Post, Israel hiểu các lãnh đạo Hamas có thể an toàn ở Qatar nhưng họ không thể ở lại quốc gia này mãi. Các lãnh đạo Hamas vẫn sẽ phải ra nước ngoài để gây quỹ, lôi kéo sự ủng hộ từ Iran hay duy trì sự kiểm soát các chi nhánh của tổ chức ở Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ hay Syria.

Đó là thời cơ để Israel thực hiện các vụ ám sát, giống như vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh ở Tehran, Iran vào ngày 31/7/2024.

Chiến lược “vượt trên tầm vóc" của Qatar

Một lý do khiến Israel dè dặt trong việc ám sát các lãnh đạo Hamas tại Qatar xuất phát từ vị thế của quốc gia dầu mỏ Trung Đông.

Trong những năm qua, Qatar đã trở thành một quốc gia có tầm ảnh hưởng quan trọng ở Trung Đông nhờ vào chiến lược ngoại giao đa chiều. 

Theo báo Mỹ Politico, Qatar một mặt muốn làm bạn với tất cả các quốc gia, mặc khác muốn duy trì những mâu thuẫn và nghịch lý trong khu vực. Chỉ khi các quốc gia trong khu vực phải bận tâm giải quyết các mâu thuẫn và nghịch lý thì Qatar mới có thể được an toàn.

Một ví dụ là việc Qatar âm thầm cản trở tiến trình bình thường hóa giữa Israel và Ả Rập Saudi. "Việc tạo ra những trở ngại trong quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel là vì lợi ích của Qatar", quan chức Mỹ am hiểu vấn đề cho biết. "Bất kỳ sự thay đổi cán cân quyền lực nào ở Trung Đông cũng sẽ làm suy yếu vị thế của Qatar".

Nhà nghiên cứu Lori Plotkin Boghardt từ Viện Washington về Chính sách Cận Đông, chuyên gia về các quốc gia vùng Vịnh, cho rằng chiến lược của Qatar trong việc tài trợ Hamas có những điểm tương đồng với việc thiết lập quan hệ với Israel vào thập niên 1990. 

“Cách tiếp cận cơ bản của Qatar đối với an ninh của chính mình là duy trì quan hệ với nhiều tổ chức chính trị và quốc gia khác nhau, cũng như duy trì các mâu thuẫn giữa các tổ chức và quốc gia đó”, Boghardt nhận định. “Điều này lý giải cho mối quan hệ giữa Qatar với Israel và mặt khác là với Hamas - kẻ thù của Israel".

Chiến lược “vượt trên tầm vóc” đã giúp Qatar trở thành một trong những quốc gia vùng Vịnh đầu tiên, cùng với Oman, thiết lập quan hệ thương mại với Israel vào năm 1996. Các doanh nhân Israel thường xuyên đến Qatar, và sinh viên Israel cũng được chào đón tại các cơ sở giáo dục như Đại học Georgetown chi nhánh Qatar. Năm 2008, vận động viên quần vợt người Israel, Shahar Peer, đã gây ấn tượng tại giải Qatar Open​.

Mối quan hệ giữa Israel và Qatar bắt đầu rạn nứt vào năm 2007, khi Qatar là một trong những số ít quốc gia ủng hộ Hamas sau khi tổ chức này lật đổ chính quyền Palestine ôn hòa tại Dải Gaza. Năm 2012, tiểu vương Qatar khi đó là Sheikh Hamad bin Khalifa al-Thani trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên đến thăm Gaza dưới quyền quản lý của Hamas và cam kết tài trợ 400 triệu USD cho công tác tái thiết​.

Máy bay vận tải hạng nặng C-17 của Mỹ tại căn cứ al-Udeid ở Doha, Qatar. Ảnh; Reuters.

Máy bay vận tải hạng nặng C-17 của Mỹ tại căn cứ al-Udeid ở Doha, Qatar. Ảnh; Reuters.

Theo nhận định của một nhà phân tích chính trị tại Doha: "Qatar đã thành công trong việc khiến các cường quốc phương Tây và các nước trong khu vực phụ thuộc vào họ, không chỉ như một đối tác năng lượng mà còn là một bên trung gian hòa giải hiệu quả".

Qatar được Mỹ "chống lưng"

Trên thế giới, chỉ có một quốc gia có thể buộc Israel phải điều chỉnh chiến lược và đó là Mỹ. Qatar lại là nước đồng minh Ả Rập quan trọng bậc nhất của Mỹ ở Trung Đông.

Tháng 1/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chính thức trao cho Qatar quy chế "đồng minh chủ chốt không thuộc NATO" – một quy chế đặc biệt mà ngay cả quốc gia có ảnh hưởng khác trong khu vực là Ả Rập Saudi cũng chưa đạt được. 

Việc Qatar đạt được quy chế này là một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm củng cố ảnh hưởng tại Trung Đông và duy trì căn cứ quân sự quan trọng Al Udeid tại Qatar, nơi đóng quân của hơn 10.000 lính Mỹ. Đến nay, Qatar vẫn là quốc gia có căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông.

Trong bối cảnh Mỹ giảm sự hiện diện quân sự tại khu vực, đặc biệt là sau khi rút quân khỏi Afghanistan, Qatar đã trở thành một đối tác quan trọng của Washington. Căn cứ Al Udeid không chỉ là một trung tâm quân sự mà còn đóng vai trò quan trọng trong các chiến dịch tình báo và giám sát của Mỹ tại Trung Đông. 

Mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ giữa hai nước đã khiến Mỹ phụ thuộc nhiều hơn vào Qatar. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin từng nói: "Căn cứ Al Udeid sẽ tiếp tục là thành phần quan trọng trong chiến lược quân sự của Mỹ tại Trung Đông và hơn thế nữa".

Với vai trò quan trọng này, bất kỳ hành động quân sự hay ám sát nào của Israel trên lãnh thổ Qatar cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ chiến lược giữa Qatar - Mỹ.

Nguồn: [Link nguồn]

Thủ lĩnh phong trào Hồi giáo Hamas, Yahya Sinwar được cho là đã từ chối một thỏa thuận cho phép rời khỏi Gaza. Ông Sinwar có thể đã có chủ ý chiến đấu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Xung đột Israel - Hamas Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN