Vì sao Indonesia bất ngờ gửi công hàm phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông?
Sau một thời gian dài im lặng, tuần trước Indonesia đã bất ngờ gửi tới Liên Hợp Quốc công hàm ngoại giao phản đối những yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông, theo tờ Sputnik của Nga.
Tàu hải cảnh Trung Quốc (ảnh: Sputnik)
Trong công hàm, Indonesia cho cho rằng, yêu sách đường lưỡi bò 9 đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông “rõ ràng không dựa có cơ sở luật pháp quốc tế và vi phạm trắng trợn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982”.
Indonesia cũng đề cập tới phán quyết của Toà án Trọng tài Quốc tế năm 2016, khẳng định “yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý. Việc Trung Quốc tự ý xây dựng công trình trên nhiều đảo ở Biển Đông là bất hợp pháp”.
Indonesia tuyên bố, nước này sẽ “không bị ràng buộc bởi bất cứ tuyên bố chủ quyền trái với pháp luật quốc tế nào từ Bắc Kinh”.
Động thái mới nhất của Indonesia về vấn đề Biển Đông sau một thời gian dài im lặng đã thu hút nhiều chú ý của giới phân tích. Các chuyên gia cho rằng, hành động nói trên của Indonesia “mang tính đột phá”.
Jakarta có lẽ đã không thể im lặng lâu hơn trước những hành động chèn ép ngày càng gia tăng từ phía Bắc Kinh, theo Sputnik.
Gregory Poling – chuyên gia Mỹ về luật biển quốc tế – đã gọi công hàm của Indonesia gửi tới Liên Hợp Quốc là “một quả bom ngoại giao”.
Piotr Tsvetov – chuyên gia phân tích người Nga – nêu ý kiến: “Với công hàm ngoại giao vừa rồi, Jakarta đã ném đá vào chính sách đối ngoại của Trung Quốc”.
Theo các chuyên gia, điều đáng chú ý ở đây không phải là sức nặng của một bản công hàm ngoại giao mà bằng hành động nói trên, Indonesia đã chính thức gia nhập hàng ngũ các quốc gia ASEAN không e ngại trước hành vi “bắt nạt” của Trung Quốc tại Biển Đông.
Thời gian gần đây, các nhà ngoại giao của Việt Nam, Malaysia, Philippines đã nhiều lần gửi công hàm tới Liên Hợp Quốc nhằm phản đối những yêu sách và hành vi phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tàu chiến Mỹ đang trên đường về căn cứ quân sự Guam (ảnh: SCMP)
Đầu tháng 1 năm nay, nhiều tàu hải cảnh và tàu cá Trung Quốc đã xâm nhập bất hợp pháp vào lãnh hải của Indonesia. Điều này có thể đã khiến Jakarta không thể ngồi yên thêm được nữa.
Theo SCMP, Indonesia đang theo đuổi chính sách “phản đối dai dẳng”. Indonesia sẽ tiếp tục phản đối các yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Hôm 2.6, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin thông báo, nước này đã đình chỉ việc hủy Hiệp ước các lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ. Thỏa thuận nói trên cho phép hàng nghìn binh sĩ Mỹ hiện diện tại Philippines.
“Vì vấn đề an ninh Biển Đông, chúng tôi cho rằng, nên thận trọng khi chấm dứt bất kỳ hiệp ước quân sự nào”, Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez cho biết.
Richard Heydarian – chuyên gia phân tích chính trị nổi tiếng Philippines – cho rằng, Manila đã đưa ra quyết định khi lựa chọn giữa một Trung Quốc hung hăng ở Biển Đông và một đồng minh truyền thống (Mỹ).
“Đây không phải là thời điểm để chấm dứt hiệp ước với Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng của họ ra khắp thế giới”, ông Richard Heydarian nhận xét.
Hôm 2.6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đăng trên Twitter rằng, Mỹ vừa có công hàm gửi tới Liên Hợp Quốc nhằm phản đối và bác bỏ các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
“Mỹ phản đối yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Chúng tôi bác bỏ những yêu sách chủ quyền nguy hiểm này. Các nước thành viên Liên Hợp Quốc phải đoàn kết và tuân thủ luật pháp quốc tế, tự do hàng hải”, ông Mike Pompeo tuyên bố.
Nguồn: [Link nguồn]
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 2-6 thông báo trên mạng Twitter rằng Mỹ đã gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc (LHQ) phản đối...