Nguồn gốc cuộc xung đột dài nhất lịch sử hiện đại Israel - Palestine
Xung đột Israel – Palestine là cuộc xung đột kéo dài nhất lịch sử hiện đại và cũng gây tranh cãi nhất. Giao tranh ngày càng diễn ra căng thẳng sau khi quân đội Israel nã pháo nhằm vào các mục tiêu của Hamas ở Gaza vào sáng ngày 14.5.
Israel không kích sập tòa tháp Al-Shorouk cao 14 tầng ở Gaza.
Giao tranh Israel - Palestine nổ ra kể từ đầu tuần này, sau khi Israel trục xuất 7 gia đình Palestine khỏi khu đất ở Đông Jerusalem. Các gia đình người Palestine đã sống ở khu đất này từ năm 1956 nhưng ngày càng bị cộng đồng người Israel gây sức ép.
Mâu thuẫn từ chuyện giành đất đã thổi bùng đụng độ nghiêm trọng xảy ra tại nhà thờ Hồi giáo Al Aqsa, một trong những địa điểm linh thiêng nhất ở Jerusalem. Hôm 10.5, cảnh sát Israel bắn hơi cay và lựu đạn choáng nhằm giải tán đám đông biểu tình người Palestine.
Phong trào Hồi giáo Hamas (đang nắm quyền ở Palestine) can thiệp bằng cách phóng loạt rocket nhằm vào phía lãnh thổ Israel. Không quân Israel đáp trả bằng cách giáng đòn không kích vào các mục tiêu của Hamas ở Gaza, đánh sập ít nhất 3 tòa nhà cao tầng, tiêu diệt 14 nhân vật cấp cao của Hamas.
Người Palestine đụng độ cảnh sát Israel ở nhà thờ Al-Aqsa.
Sau khi Hamas bắn khoảng 1.500 quả rocket trong 3 ngày, Israel đã huy động pháo binh, bắn phá dữ dội các mục tiêu ở Gaza vào sáng sớm ngày 14.5. Đây là cuộc giao tranh nghiêm trọng nhất giữa Hamas và Israel kể từ khi Israel đưa quân vào Dải Gaza năm 2014.
Theo Bộ Y tế Palestine, ít nhất 103 người dân nước này đã thiệt mạng và hơn 580 người bị thương vì những cuộc tấn công của Israel tại Gaza. Phía Israel xác nhận 7 công dân nước này thiệt mạng.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ tiếp tục mở rộng chiến dịch quân sự, buộc Hamas “phải trả giá”. Ngược lại, Hamas tuyên bố sẵn sàng phát động cuộc phản kháng toàn diện.
Vùng màu xanh lá cây do Israel kiểm soát, phần còn lại do các phe phái Palestine kiểm soát.
Vấn đề 100 năm
Xung đột Israel – Palestine là cuộc xung đột kéo dài nhất lịch sử hiện đại và cũng gây tranh cãi nhất, theo Business Standard.
Xung đột từ tuyên bố chủ quyền của người Do Thái và người Ả Rập ở Jerusalem từ hàng ngàn năm trước. Ngày nay, cuộc xung đột bắt đầu cách đây 100 năm, từ đầu thế kỷ 20.
Sau khi đế chế Ottoman thất bại trong Thế chiến 1, người Anh nắm quyền kiểm soát vùng đất gọi là Palestine, với thủ phủ là Jerusalem. Khu vực này chiếm số đông người Ả Rập sinh sống và người Do Thái chiếm số ít.
Căng thẳng leo thang khi cộng đồng quốc tế trao cho Anh quyền lựa chọn nơi định cư cho người Do Thái ở Palestine.
Đối với người Do Thái, đây là vùng đất của tổ tiên từ ngàn năm trước. Ngược lại, người Ả Rập phản đối chuyện chia đất.
Người Do Thái ở châu Âu đổ dồn về vùng đất này để tránh nạn thảm sát trong Thế chiến 2, càng khiến cho cộng đồng người Do Thái và người Ả Rập mâu thuẫn sâu sắc.
Năm 1947, Liên Hợp quốc bỏ phiếu tách Palestine thành vùng đất của người Do Thái và người Ả Rập, với Jerusalem là thành phố thuộc quyền kiểm soát của quốc tế.
Người Do Thái ủng hộ phương án này nhưng người Ả Rập từ chối.
Sự hình thành nhà nước Israel
Tên lửa phòng không Vòm Sắt của Israel đánh chặn rocket phóng từ Gaza.
Do không thể tìm kiếm giải pháp hòa bình cho người Ả Rập theo đạo Hồi và người Do Thái, Anh đơn phương quyết định thành lập nhà nước Israel của người Do Thái vào năm 1948.
Người Palestine phản đối và chiến tranh bùng nổ. Hàng trăm ngàn người Palestine buộc phải rời bỏ nhà cửa sơ tán. Sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực năm 1949, Israel đã kiểm soát phần lớn lãnh thổ Palestine. Hơn 700.000 người Palestine trở thành người tị nạn.
Jordan giành quyền kiểm soát khu Bờ Tây còn Ai Cập chiếm Dải Gaza. Jerusalem bị chia cắt làm đôi, với Israel kiểm soát phía tây còn Jordan kiểm soát phía đông.
Trong cuộc chiến tranh năm 1967, Israel đánh bật Jordan khỏi đông Jerusalem và khu Bờ Tây, chiếm bán đảo Sinai của Ai Cập.
Lãnh thổ được phân định ngày nay chủ yếu dựa vào hai cuộc chiến năm 1948 và 1967.
Mâu thuẫn không có hồi kết
Các chiến binh trung thành với Hamas.
Ngày nay, Israel trở thành một trong những thế lực mạnh nhất ở Trung Đông, đẩy người Palestine vào thế yếu. Năm 2007, Phong trào Hồi giáo Hamas nắm quyền kiểm soát Dải Gaza, tuyên bố sẽ làm mọi cách để hủy diệt Israel, đòi lại quyền lợi cho người Palestine.
Ngược lại, Israel tuyên bố nước này chỉ tự vệ trước những hành động bạo lực của Palestine.
Trong hàng chục năm, người Palestine muốn đòi lại vùng đất quê hương trước khi bị Israel kiểm soát năm 1948, đặt đông Jerusalem làm thủ đô. Trong khi đó, Israel không chấp nhận cho người Palestine quay trở lại quê hương vì cho rằng điều này đe dọa sự tồn vong của nhà nước Do Thái. Israel cũng thổi bùng căng thẳng khi coi toàn bộ Jerusalem là thủ đô.
Cộng đồng quốc tế đã nhiều lần tìm cách tháo gỡ bất đồng, khôi phục hòa bình giữa Israel và Palestine nhưng đến nay chưa đạt được bước tiến cụ thể.
Đó là một lực lượng Hồi giáo có quân số khoảng 3 vạn người, sở hữu hàng ngàn tên lửa và đạn rocket, từng tuyên...
Nguồn: [Link nguồn]