Vì sao giới trẻ Trung Quốc ngại kết hôn?

Sự kiện: Tin tức Trung Quốc

Thanh niên Trung Quốc ngày càng ít người kết hôn, đây là xu hướng chung chứ không phải là hiện tượng đột phá trong thời gian ngắn. Các nhà xã hội học cho rằng, không có gì phải ầm ĩ, mà sẽ từ từ thích ứng.

Theo số liệu do Bộ Dân chính Trung Quốc công bố năm 2018, Trung Quốc có hơn 240 triệu người độ tuổi trưởng thành đang độc thân. Những người độc thân này bao gồm cả người già cô quả và thanh niên độc thân. Ngoại trừ những người già cô quả, riêng số thanh niên độc thân đã vượt quá 100 triệu. Nói cách khác, giới trẻ ngày nay không chỉ khó kết hôn mà còn khó yêu đương.

Có nhiều nguyên nhân, nhưng những điểm chính là: Thứ nhất, quan điểm về hôn nhân và tình yêu của giới trẻ hiện nay đã thay đổi. Từ xa xưa ở Trung Quốc đã có một quan niệm truyền thống về hôn nhân và tình yêu: “Nam lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng”. Nhưng bước vào thế kỷ 21, quan niệm này đã bị đả phá, đặc biệt là những người sinh sau 1990 và sau 1995, tuyệt đại đa số không quan tâm đến điều này.

Số người kết hôn lần đầu ở Trung Quốc đang giảm liên tục

Số người kết hôn lần đầu ở Trung Quốc đang giảm liên tục

Bất kể là nam hay nữ, hôn nhân và yêu đương đã không còn được họ coi là điều tất yếu trong cuộc sống, chứ đừng nói đến việc thỏa hiệp nhượng bộ khi đến tuổi trưởng thành. Ở thế hệ cha mẹ, nhiều người chỉ yêu một lần rồi cưới, sống cả đời với nhau, sớm kết hôn rồi sinh con đẻ cái. Nhưng dưới các yếu tố xã hội khác nhau, một cuộc hôn nhân như vậy chưa chắc đã hạnh phúc. Thế hệ thanh niên mới sinh những năm 1990, 1995 có chính kiến riêng, thà yêu nhiều lần chứ không dễ dàng kết hôn.

So với kết hôn thì yêu đương của những người trẻ đơn giản hơn rất nhiều, nhưng sau khi bước ra xã hội, họ không còn hồn nhiên như lúc còn đi học nữa, các cô gái thà làm người tình của đại gia chứ không muốn kết hôn sinh con. Nếu thấy tâm đầu ý hợp, họ có thể hẹn hò yêu đương vài tháng, nếu nói chuyện không hợp, có thể chia tay chỉ sau hai, ba ngày.

Thứ hai, chi phí kết hôn quá cao. Khi yêu nhau, nói chuyện không hợp có thể chia tay. Nhưng kết hôn thì phải đi với nhau cả đời. Đó không phải là chuyện của hai người, mà là về hai gia đình. Bố mẹ hai bên có hài lòng không? Sinh một con hay hai con? Ăn Tết ở nhà trai hay nhà gái… Đây không chỉ là vấn đề chi phí kinh tế, mà còn liên quan đến chi phí sinh hoạt và chi phí liên lạc. Khi đang yêu nhau, đây không là chuyện quan trọng. Nhưng khi đã kết hôn, mọi chuyện vặt vãnh đều trở nên trọng đại cần phải cân nhắc. Dưới sự tấn công dồn dập của quảng cáo thương mại, nhiều sản phụ không thích chăm sóc sau sinh tại nhà mà thích đến các trung tâm. Giá rẻ thì mất từ 30.000 đến 50.000 NDT/tháng, đắt thì tới hơn 100.000 tệ (350 triệu VND).

Phụ nữ hiện đại khác phụ nữ ngày xưa, họ không chấp nhận cách chăm sóc sau sinh truyền thống của thế hệ cha mẹ mình. Họ cũng rất quan tâm đến việc giữ gìn vóc dáng sau sinh. Nhưng các bậc cha mẹ cảm thấy rằng việc đến trung tâm chăm sóc sau sinh một sự lãng phí tiền bạc và không cần thiết. Mua nhà, mua xe, tiền sính lễ, tiệc cưới đều là những khoản chi lớn. Ở một số vùng, do vấn đề thách cưới cao, để con cưới vợ cần phải gom góp tiền tiết kiệm của cả gia đình nhà trai. Mặc dù nhà gái sẽ trả lại phần nào, nhưng điều này làm cao thêm ngưỡng cửa cho hôn nhân. Nếu không có nhiều tiền, việc kết hôn sẽ không thể thành.

Thứ ba, ba năm dịch COVID-19 vừa qua, đã khiến rất nhiều đám cưới bị trì hoãn. Các tiệc cưới linh đình buộc phải hủy bỏ và hoãn lại do không được tập trung đông người. Nhiều cặp tình nhân ngọt ngào vốn dính với nhau như sam cũng buộc phải sống xa nhau. Cơ hội gặp gỡ ít hơn, tình cảm dễ phai nhạt; đám cưới liên tục bị hoãn, cũng dễ tan vỡ. Huống hồ, trong ba năm qua, tình hình việc làm rất gay go, số người “làm việc linh hoạt” (một cách nói của mất việc) đã vượt quá 100 triệu người. Cuộc sống eo hẹp khiến thu nhập của nhiều người trẻ chỉ đủ lo cho bản thân, làm sao có tiền mua nhà, nộp sính lễ, cưới vợ.

Kết hôn đòi hỏi cả nam và nữ phải có những kỳ vọng tốt đẹp cho tương lai. Ít nhất, sau khi hai người nhận được hôn thú, họ sẽ tràn đầy tự tin vào cuộc sống. Khi niềm tin và kỳ vọng về tương lai không đủ, đừng nói đến chuyện kết hôn, mối quan hệ có bền vững hay không cũng thật khó nói. Người nữ đặc biệt cần cảm giác an toàn, khi cảm giác an toàn không đủ, họ không dám dễ dàng giao phó cuộc đời mình.

Thứ tư, tỷ lệ trẻ mới sinh ở Trung Quốc tiếp tục giảm và người trẻ ngày càng ít. Cộng thêm hiện tượng “trọng nam khinh nữ” ở nhiều nơi, dẫn đến cơ cấu nam nữ mất cân bằng khiến đàn ông Trung Quốc phải đối mặt với áp lực cạnh tranh rất lớn trong hôn nhân. Trong số đó, kiểu tình yêu “chị em” ngày càng phổ biến, tiền sính lễ ngày càng cao đủ để chứng minh: “Hiện là thời phụ nữ chiếm ưu thế”. Ngay cả trong yêu đương thông thường, người nữ cũng có nhiều sự lựa chọn hơn và vô thức nâng cao tiêu chuẩn chọn bạn đời. Người nữ không muốn gả dễ dàng, người nam muốn lấy lại không có khả năng, cưới không được.

Dưới hai yếu tố là tỷ lệ trẻ mới sinh giảm và tỷ lệ nam nữ không cân bằng, số lượng người kết hôn lần đầu ở Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm trong tương lai, điều này là xu thế rất khó đảo ngược.

Theo dữ liệu công khai của Cục Thống kê quốc gia, năm 2021, số người kết hôn lần đầu ở Trung Quốc là 11.578.000, giảm 708.000 người so với năm trước, lần đầu tiên giảm xuống dưới 12 triệu, mức thấp nhất kể từ 1985. Dự đoán khi năm 2022 kết thúc, số lượng người kết hôn lần đầu ở Trung Quốc lại giảm hơn nữa, tiếp tục lập kỉ lục thấp nhất trong 38 năm.

Nguồn: [Link nguồn]

TQ: Giới trẻ đua nhau ”nằm ườn”, ông Tập Cận Bình lên tiếng

Việc trào lưu “ping tang” (nằm ườn) lan rộng khắp các trang mạng xã hội Trung Quốc và được giới trẻ hưởng ứng buộc Chủ tịch Tập Cận Bình phải lên án công khai.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Thủy - Creaders ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN