Vì sao giới trẻ phương Tây "lũ lượt" đầu quân cho IS?
Một cậu bé 15 tuổi ở Australia mới bị cảnh sát bắn chết do âm mưu khủng bố. Có rất nhiều thanh thiếu niên như vậy bị các nhóm Hồi giáo cực đoan lôi kéo, "tẩy não" lúc nào không hay.
Farhad Jabar, một thiếu niên 15 tuổi ở Australia gần đây bị buộc tội âm mưu khủng bố. Cậu bé là một trong những thiếu niên mới nhất bị kết án dính líu tới hoạt động của các nhóm Hồi giáo cực đoan trên toàn thế giới. “Đây là điều đáng báo động với bất kì ai”, Catherine Burn, phó cảnh sát bang New South Wales (Australia) cảnh báo.
Tháng trước, Daily Mail cho hay một trong hai cô gái trẻ trốn nhà ở Áo để tìm đường gia nhập IS tại Syria đã bị chúng đánh đập đến chết. Cô bé lúc ấy mới 17 tuổi và bị IS xử tử vì dám cả gan bỏ trốn khỏi lãnh thổ mà chúng đang kiểm soát.
Người bạn còn lại 15 tuổi được cho là chết khi tham chiến năm 2014.
Mặc dù phần lớn những kẻ thánh chiến toàn cầu không ở độ tuổi thiếu niên, con số chính thức cho thấy sự liên quan của thanh thiếu niên vào mạng lưới Hồi giáo cực đoan ngày càng gia tăng.
Số lượng những cá nhân dưới 18 tuổi dính líu khủng bố ở Anh đã tăng gấp đôi từ 8 vụ lên 15 vụ trong giai đoạn 2014-15. Tổng số trường hợp bắt giữ ở mọi lứa tuổi liên quan tới âm mưu tấn công hàng loạt là 315 – tăng 30% so với năm trước.
Shamima Begum, 15 tuổi, rời bỏ London để tới Syria, được cho là một nạn nhân bị dụ dỗ qua mạng internet.
Các chuyên gia cho biết điều này minh chứng rằng ngày càng nhiều người trẻ tuổi bị chủ nghĩa khủng bố cực đoan thu hút, đặc biệt là những em ở độ tuổi thanh thiếu niên.
“Chúng ta đang chứng kiến tình trạng này xảy ra ngày càng nhiều khi IS trỗi dậy mạnh mẽ”, Charlie Winter, chuyên gia về khủng bố thánh chiến cho hay. “Và đây không phải là thứ diễn ra ngẫu nhiên”.
Mục tiêu chính của nhóm khủng bố IS là những người trẻ từ 16 đến 24 tuổi. Quá trình tẩy não và dụ dỗ có thể kéo dài từ khi các em 11,12 tuổi, theo lời Daniel Koehler, giám đốc Trung tâm nghiên cứu dụ dỗ và chống dụ dỗ Đức (GIRDS).
Farhad Jabar, 15 tuổi, bị giết trong cuộc đấu súng với cảnh sát Australia mới đây, khi cậu bé bắn hạ sĩ quan Curtis Cheng ở Sydney.
Những người trẻ được cho là ít giá trị khi thực hiện các nhiệm vụ khủng bố, ông Daniel cho biết, nhưng chúng bị lợi dụng để phát tán các tư tưởng cực đoan cho bạn bè đồng trang lứa.
Và chúng cũng rất dễ tiếp cận. “Các em ở độ tuổi thanh thiếu niên rất dễ để tác động và lôi kéo vào các đường dây khủng bố”.
Hầu hết việc tuyển mộ diễn ra qua internet. “Internet thực sự rất quan trọng… IS có thể sản xuất mỗi ngày từ 30 đến 40 video tuyên truyền thể hiện dưới mọi ngôn ngữ để đăng tải lên mạng xã hội”, ông Daniel khẳng định.
“Chúng có mạng lưới Twitter từ 30.000 đến 40.000 tài khoản và tài liệu hướng dẫn thánh chiến đầy rẫy trên mạng”.
Chúng cũng sử dụng những nền tảng mạng xã hội khác như trang hỏi đáp Ask.FM, nơi quy tụ rất nhiều giới trẻ.
IS dùng chính hình ảnh game “Call of Duty” để kêu gọi người trẻ tham gia khủng bố.
Tuy nhiên, không chỉ nội dung tuyên truyền mới dụ dỗ được các thành viên trẻ tuổi. “Trong khi internet đóng một vai trò rất quan trọng thì sự khác biệt lớn nhất của IS chính là chúng tấn công trực diện vào giới trẻ”, ông Winter, một chuyên gia nghiên cứu cao cấp ở Đại học Georgia State cho hay.
“Chúng tiếp cận liên tục và tương tác mọi nơi”. Ông cho biết sức hấp dẫn nhất dành cho một người trẻ tuổi là lời hứa được đứng trong hàng ngũ một nhóm hùng mạnh. “IS muốn đẩy mạnh ý niệm về một trào lưu chống văn hóa hiện có. Chúng muốn xây dựng ý tưởng về hình thành nhà nước của riêng mình, dành riêng cho những kẻ thánh chiến”.
Phiến quân IS được khuyến khích chia sẻ câu chuyện của chính mình để thúc đẩy quá trình tuyển mộ binh lính ngoại quốc.
Chính điều này giúp những thanh thiếu niên trẻ tuổi với nhiều hoài bão nhưng bị gia đình, cộng đồng trù dập thêm quyết tâm gia nhập IS.
Cảm giác bị cách ly khỏi cộng đồng cũng là nguyên nhân khiến những người trẻ quyết gia nhập mạng lưới khủng bố toàn cầu, ông Winter cho biết.
“Hệ tư tưởng là rất quan trọng, nhưng thứ thiết yếu không kém là con người trong mỗi xã hội cảm thấy như thế nào về thế giới họ đang sống. Một vài lời phàn nàn của người trẻ trong tay những kẻ tuyển quân khủng bố có thể biến thành sự giận dữ đỉnh điểm”.
Trong khi internet là một công cụ quan trọng cho những kẻ chiêu binh thì việc liên hệ trực tiếp, ngoài đời thực với những nhóm cực đoan ở các quốc gia đó cũng quan trọng không kém.
“Chúng ta thấy rất nhiều trường hợp bị lôi kéo vì những nhóm bạn thân”, ông Winter cảnh báo.
Những kẻ từng tham chiến ở Syria được khuyến khích chia sẻ thông tin để lôi kéo thêm người người. Người trẻ cảm thấy hào hứng khi được nghe kể về những chuyện như vậy. Dạng nội dung như vậy có thể tìm thấy ở các trường học, nhóm bạn bè, cộng đồng trên trường, lớp. Ông Koehler cho biết người trẻ thích thú với bạo lực trên phương tiện truyền thông hơn là người trưởng thành. Điều này khuyến khích sự đồng tình của họ dành cho những hành vi bạo lực của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
“Tuy nhiên, chốt lại thì đó là sự kết hợp của môi trường phát triển riêng của mỗi cá nhân và hoàn cảnh, tình huống mà họ tiếp xúc”.
“Đó là khi mà bạn gặp phải một hệ tư tưởng mới mẻ và thời điểm ấy bạn đang tìm kiếm thứ gì trong cuộc sống”.