Vì sao gần 3.000 máy nhắn tin của lực lượng Hezbollah đồng loạt phát nổ, gây thương vong lớn?
Hàng loạt máy nhắn tin của các thành viên Hezbollah ở Lebanon phát nổ đang làm gia tăng căng thẳng giữa lực lượng này và Israel. Điều gì đã thực sự diễn ra và tại sao Hezbollah vẫn sử dụng máy nhắn tin trong thời đại công nghệ hiện nay?
Ước tính gần 3.000 người bị thương trong loạt vụ nổ liên quan tới máy nhắn tin ở Lebanon và Syria.
Máy nhắn tin là gì và tại sao Hezbollah vẫn sử dụng chúng?
Máy nhắn tin (pager) là thiết bị liên lạc nhỏ gọn, phổ biến trước khi điện thoại di động trở nên thịnh hành. Máy nhắn tin cho phép người dùng nhận được các tin nhắn ngắn được truyền tải qua sóng radio. Khác với điện thoại di động, máy nhắn tin không sử dụng mạng internet mà hoạt động dựa trên tần số radio, điều này giúp tăng cường tính bảo mật và khó bị theo dõi.
Chính vì lý do này mà Hezbollah vẫn ưa chuộng sử dụng máy nhắn tin. Trong khi điện thoại di động dễ bị hack hoặc theo dõi, máy nhắn tin với công nghệ đơn giản ít bị can thiệp hơn.
Điều gì đã xảy ra trong vụ nổ hàng loạt máy nhắn tin?
Vụ nổ hàng loạt máy nhắn tin bắt đầu vào khoảng 4 giờ 45 phút chiều ngày 17/9 ở Lebanon và Syria. Loạt vụ nổ kéo dài trong khoảng một giờ.
Theo các báo cáo ban đầu, ít nhất 9 người đã thiệt mạng và hơn 2.750 người bị thương, trong đó có hơn 200 người bị thương nặng ở vùng mặt, tay và bụng. Một trong số các nạn nhân là một bé gái. Ngoài ra, Mohammad Mahdi Ammar, con trai của nghị sĩ Hezbollah Ali Ammar, cũng đã được xác nhận là đã tử vong.
Hezbollah xác nhận hai thành viên của họ nằm trong số những thiệt mạng. Đại sứ Iran tại Lebanon, ông Mojtaba Amani, cũng bị thương trong sự cố này.
Ai đứng sau vụ tấn công?
Hezbollah đã nhanh chóng cáo buộc Israel đứng sau vụ tấn công quy mô lớn. Israel và Hezbollah đã liên tục xảy ra các cuộc đụng độ quy mô nhỏ dọc biên giới giữa kể từ ngày 8/10/2023.
Gần đây, các chính trị gia và truyền thông Israel đã đề cập nhiều đến khả năng quân đội Israel sẽ tiến hành một cuộc tấn công quân sự nhằm đẩy lùi Hezbollah khỏi khu vực giáp biên giới . Điều này sẽ cho phép khoảng 60.000 người Israel - những người đã phải sơ tán, có thể quay về nhà.
Hezbollah đã nhanh chóng lên án Israel và cho rằng họ hoàn toàn chịu trách nhiệm về "hành động gây hấn" này, đồng thời cảnh báo rằng Israel "chắc chắn sẽ nhận được sự trừng phạt thích đáng". Tuy nhiên, phía Israel vẫn giữ im lặng và không đưa ra bất kỳ tuyên bố chính thức nào, giống như những chiến dịch trước đây.
Máy nhắn tin bị gài thuốc nổ hàng loạt?
Một mẫu máy nhắn tin giống với loại mà các thành viên Hezbollah sử dụng.
New York Times ngày 17/9 dẫn lời một số quan chức Mỹ giấu tên cho rằng, Israel đã âm thầm thực hiện "chiến dịch" nhằm vào Hezbollah bằng cách bí mật gài chất nổ vào các máy nhắn tin (sản xuất ở đảo Đài Loan) được nhập khẩu vào Lebanon.
Theo các quan chức này, các máy nhắn tin đã bị "can thiệp" trước khi chúng được đưa vào Lebanon. Hầu hết các máy nhắn tin phát nổ là mẫu AP924, dù trong lô hàng có thêm 3 mẫu máy nhắn tin khác.
Hai quan chức Mỹ cho biết, chất nổ, nặng từ 28g đến 56g, được gài vào bên cạnh pin của mỗi máy nhắn tin. Một công tắc cũng được cấy vào đó để có thể kích nổ từ xa. Theo một số quan chức Mỹ, vào chiều 17/9, máy nhắn tin của gần 3.000 tay súng Hezbollah nhận được một tin nhắn dạng như một thông báo của giới lãnh đạo Hezbollah, nhưng thực tế đó là tin nhắn kích nổ khi được mở ra.
Các thiết bị cấy vào máy nhắn tin được lập trình để phát ra tiếng bíp trong vài giây trước khi phát nổ. Một số chuyên gia an ninh mạng đã nghiên cứu video và hình ảnh liên quan đến vụ việc. Họ nhận định quy mô và tốc độ của các vụ nổ là do một loại chất nổ gây ra.
"Các máy nhắn tin này có thể đã bị sửa đổi, thay thế theo cách nào đó để gây ra các vụ nổ kiểu này. Quy mô và mức độ của vụ nổ cho thấy không phải chỉ do pin phát nổ", Mikko Hypponen, nhà nghiên cứu tại công ty phần mềm WithSecure (có trụ sở ở Phần Lan), nói. Keren Elazari, nhà phân tích và nghiên cứu an ninh mạng người Israel, cho biết, các vụ nổ đã nhằm vào điểm mà Hezbollah "dễ bị tổn thương nhất".
Đầu năm 2024, thủ lĩnh Hassan Nasrallah của Hezbollah đã hạn chế nghiêm việc sử dụng điện thoại di động vì cho rằng thiết bị này có thể dễ bị Israel theo dõi. "Loạt vụ nổ lần này đã đánh trúng điểm yếu nhất của Hezbollah khi nhằm vào phương tiện chủ yếu được lực lượng này sử dụng để liên lạc", bà Elazari lập luận. Một nguồn tin an ninh khác nói với Reuters rằng thuốc nổ được giấu trong mỗi máy nhắn tin mới và đã "không bị Hezbollah phát hiện" trong nhiều tháng.
Một số phỏng đoán khác về nguyên nhân nổ
Mặc dù hiện tại vẫn chưa có câu trả lời chính xác, nhưng một số người suy đoán rằng hệ thống sóng radio mà các máy nhắn tin dựa vào có thể đã bị tấn công. Một số nhà phân tích cho rằng hệ thống đã phát tín hiệu, gây ra phản ứng bên trong.
Một giả thuyết khác cho rằng các máy nhắn tin đã bị tác động trong quá trình sản xuất hoặc vận chuyển cho Hezbollah. Cựu sĩ quan quân đội Anh và chuyên gia về vũ khí hóa học Hamish de Bretton-Gordon nói các thiết bị có thể đã bị chính sửa ngay từ đầu.
Loạt vụ nổ đã gây ra hỗn loạn ở Lebanon và làm quá tải các bệnh viện.
Pin lithium trong máy nhắn tin có thể bị kích hoạt tạo ra phản ứng quá nhiệt. Đây là một chuỗi phản ứng hóa học dẫn đến sự gia tăng nhiệt độ đột ngột và cuối cùng là phát nổ. Tuy nhiên, việc kích hoạt chuỗi phản ứng này đối với hàng ngàn thiết bị ở một khu vực rộng lớn là điều không hề đơn giản.
Ralph Baydoun, một nhà phân tích dữ liệu, cho rằng để làm được điều này, cần phải có một lỗ hổng trong mã của máy nhắn tin, khiến chúng bị quá nhiệt dưới những điều kiện cụ thể. Ông suy đoán rằng điều kiện đó có thể là một tín hiệu đã được cài đặt trong máy nhắn tin từ trước, thông qua một đoạn mã độc.
Giả thuyết về việc Israel kích hoạt gây nổ pin cũng vấp phải những ý kiến cho rằng, pin của máy nhắn tin khá nhỏ, khó gây thương vong lớn. Hơn nữa, khó có thể kích hoạt cho nổ đồng loạt hàng nghìn quả pin giống cơ chế hẹn giờ như vậy.
Tại sao các vụ nổ tương tự không xảy ra ở Gaza?
Theo Hamza Attar, một chuyên gia quốc phòng tại Đại học King's College ở London, các vụ nổ tương tự không xảy ra ở Gaza là do Hamas – nhóm vũ trang ở Dải Gaza – rất am hiểu về công nghệ và bảo mật. Hamas được biết đến bởi khả năng trong việc mã hóa liên lạc. Khác với Hezbollah, Hamas có mạng lưới và hệ thống liên lạc riêng, không cần sử dụng các thiết bị như điện thoại hay máy nhắn tin.
Hamas cũng xây dựng một hệ thống liên lạc khép kín, không cần kết nối với mạng bên ngoài, điều này giúp họ tránh được các cuộc tấn công công nghệ tương tự như những gì xảy ra với Hezbollah.
Nguồn: [Link nguồn]
Ít nhất 9 người thiệt mạng và hơn 2.750 người khác bị thương trong một loạt các vụ nổ liên quan đến máy nhắn tin cá nhân ở Lebanon và Syria. Hezbollah cáo buộc Israel đứng sau cuộc tấn công quy mô lớn và tuyên bố sẽ "trừng phạt thích đáng".