Vì sao dưới trướng Càn Long vô số nhân tài, Hòa Thân vẫn một mình độc bá triều đình?

Người xưa có câu “gần vua như gần hổ”, tuy nhiên, điều khó đối phó nhất với Hòa Thân khi làm quan không phải hoàng đế Càn Long mà là các đồng liêu trong triều.

Đại thần A Quý là một trong những đối thủ chính trị mà Hòa Thân e sợ nhất (ảnh minh họa)

Đại thần A Quý là một trong những đối thủ chính trị mà Hòa Thân e sợ nhất (ảnh minh họa)

Thời trị vì của Càn Long còn được lịch sử gọi là “Khang Càn thịnh thế”, trong triều đình lúc này, nhân tài như mây. Có thể kể đến những văn thần tài hoa như Lưu Dung, Kỷ Hiểu Lam, Vương Kiệt, Vĩnh Quý và những tướng tài như Phúc Khang An, A Quý (A Quế). Những người này là trụ cột của triều đình. Nếu không có họ mà để cho Hòa Thân mặc sức lũng loạn, nhà Thanh chắc chắn nghiêng đổ.

Hòa Thân và những đại thần này luôn có mâu thuẫn gay gắt. Tuy nhiên, Hòa Thân lại có thể một mình đối phó với những người này, thậm chí, còn ở thế thượng phong. Để một mình độc bá triều đình, Hòa Thân đã có những bước đi âm hiểm.

Thứ nhất, đẩy những đối thủ chính trị ra xa khỏi hoàng đế

Trong các đại thần ngang hàng, một trong những người Hòa Thân e sợ nhất là A Quý. Càn Long thường nói mình có “nhị quý” tức là A Quý – Vĩnh Quý, “nhị phúc” tức là Phúc Khang An và Phúc Trường An.

A Quý sinh vào năm Khang Hy thứ 56 (năm 1717). Dưới thời Càn Long, ông đã lập nhiều chiến công lẫy lừng, làm đến chức thống lĩnh quân cơ đại thần. Không thể chiến đấu ngang sức với A Quý, Hòa Thân tìm đủ cách tống khứ ông ra khỏi triều đình, phải bôn ba khắp nơi.

Năm Càn Long thứ 46 (năm 1782), cuộc khởi nghĩa ở Cam Túc nổ ra. Lợi dụng điều này, Hòa Thân viện cớ trong triều không có người tài năng, tâu với Càn Long cho A Quý mang quân đi dẹp loạn. Sau đó, lại bắt ông ở lại Cam Túc điều tra án tham ô của Vương Đan Vọng – tri phủ Cam Túc.

Liền sau đó, Hòa Thân lại tâu với Càn Long điều A Quý đi trị thủy ở Hoàng Hà, vá đê vỡ ở Hà Nam. Không lâu sau lại điều ông đến điều tra vụ tham ô của tuần phủ Trần Huy Tổ tại Chiết Giang. A Quý phải bôn ba khắp nơi, đến khi được quay lại thì Hòa Thân đã có đủ thời gian xây dựng vây cánh cho mình. Thanh sử chép:

Năm đầu Gia Khánh (năm 1796), A Quý tuổi ngoài bát tuần (80 tuổi), mắc bệnh nặng, năm thứ hai Gia Khánh thì mất. Trước khi mất, ông nói với người nhà rằng:

- Ta tuổi ngoài tám mươi, cả đời làm đại tướng quân, nhận nhiều ân huệ, chết được rồi. Con cháu ta đều phò tá nội vụ, không thiếu thứ gì, chết cũng được rồi. Ta dù chết cũng chỉ mong một điều là hoàng thượng (Gia Khánh) được chấp chính thì ý khuyển mã cũng thấy mãn nguyện.

Có thể thấy, cho dù đến lúc sắp chết, A Quý vẫn chỉ một lòng mong hoàng đế Gia Khánh được nắm quyền thực sự để diệt trừ Hòa Thân.

Phúc Khang An cũng chịu chung số phận bị Hòa Thân đẩy khỏi triều đình (ảnh từng phim truyền hình Trung Quốc)

Phúc Khang An cũng chịu chung số phận bị Hòa Thân đẩy khỏi triều đình (ảnh từng phim truyền hình Trung Quốc)

Một trường hợp khác cũng bị Hòa Thân đẩy khỏi triều đình là Phúc Khang An. Phúc Khang An là người xuất thân vô cùng quyền quý. Dưới thời Càn Long, ông từng lập được nhiều chiến công, nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng, còn được phong làm Bối tử (tước vị chỉ dành cho người hoàng tộc).

Số phận Phúc Khang An cũng tương tự như A Quý. Ông bị Hòa Thân đẩy đi dẹp loạn các khắp các nơi như: Tây Tạng, Cam Túc… Đặc biệt việc đánh dẹp cuộc khởi nghĩa của Lâm Sảng Văn – Thiên Địa hội tại Đài Loan và Bạch Liên giáo tại Sơn Đông đã khiến cho Phúc Khang An tốn không ít sức lực và thời gian. Những năm tháng chinh chiến vất vả đã khiến ông suy kiệt, mắc bệnh và mất sớm khi mới 43 tuổi.

Tài hoa như Kỷ Hiểu Lam và Vương Kiệt cũng không tránh khỏi bị Hòa Thân chèn ép (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Tài hoa như Kỷ Hiểu Lam và Vương Kiệt cũng không tránh khỏi bị Hòa Thân chèn ép (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Vương Kiệt cũng là một nạn nhân của Hòa Thân. Ông là một người tài năng, được Càn Long rất coi trọng. Năm 26 Càn Long (năm 1761), ông đỗ tiến sĩ, từng làm đến thượng thư bộ Binh, đại thần quân cơ.

Thanh sử cảo chép: Vương Kiệt ở quân cơ xứ hơn 10 năm, làm việc có được mất, nhưng chưa từng nói trái lòng mình. Bấy giờ thế lực của Hòa Thân đang thịnh. Công việc phần nhiều do ông ta quyết định, đồng liêu nín nhịn không nói, nhưng Kiệt cho rằng không thể như vậy, ra sức tranh cãi.

Mỗi khi bàn bạc công việc xong, Vương Kiệt ngồi im lặng một mình. Một lần, Hòa Thân cầm tay ông mà đùa rằng: “Sao mà mềm mại vậy?” Vương Kiệt nghiêm sắc mặt, đáp rằng: “Tay Vương Kiệt tuy đẹp, nhưng không cần tiền đâu.” 

Tuy vậy, Vương Kiệt vẫn chẳng thể nào chịu nổi sức ép từ Hòa Thân. Năm đầu Gia Khánh (năm 1796), Vương Kiệt từ chức quân cơ đại thần, về quê. Mãi đến năm 1799, sau khi Hòa Thân bị trừng trị, ông mới tiếp tục ra làm quan, nhậm chức thống lĩnh ban quân cơ.

Một người tài hoa khác như Kỷ Hiểu Lam, cũng bị Hòa Thân điều đến biên soạn cuốn “Tứ khố toàn thư”. Làm cấp phó cho Hòa Thân. Trong triều, chỉ còn có Lưu Dung là xứng đáng làm địch thủ của Hòa Thân mà thôi.

Thứ hai, mua chuộc con em của những đại thần, biến họ thành tay sai cho mình

Nếu cứ đẩy những đại thần trung thành với hoàng đế ra xa, về lâu dài Hòa Thân sẽ không tránh khỏi nghi kỵ. Hòa Thân là người hiểu rõ đạo lý “thanh quan khó xử việc nhà”. Một nước cờ khôn ngoan khác được đưa ra. Một mặt đẩy những trung thần đi, mặt khác, ông ta  ra sức lôi kéo người thân của những đại thần đó làm vây cánh cho mình.

Hòa Thân ra sức mua chuộc những người thân cận của các trung thần, biến họ thành tay sai đắc lực (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Hòa Thân ra sức mua chuộc những người thân cận của các trung thần, biến họ thành tay sai đắc lực (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Điển hình trong những người này là Y Giang A – con trai của đại thần Vĩnh Quý. Trong vụ án Vĩnh Quý tố cáo Hòa Thân ăn hối lộ, bao che cho kẻ khác, nếu không có Y Giang A nghe được việc Vĩnh Quý muốn tố cáo, đến báo tin trước, thì Hòa Thân đã không thể thoát nạn.

Phúc Trường An là em trai của Phúc Khang An. Ban đầu, giống như anh trai, Phúc Trường An cũng nuôi chí hướng đối chọi với Hòa Thân. Nhưng Hòa Thân đã khôn khéo từng bước làm lung lạc ý chí chiến đấu, biến Phúc Trường An trở thày tay sai trung thành của mình.

Hòa Thân đã tặng cho Phúc Trường An một lễ vật không ngờ. Đó chính là chức quan béo bở thượng thư bộ Hộ, mà chính Hòa Thân đang nắm giữ. Phúc Trường An vô cùng bất ngờ, vội đến tạ ơn Hòa Thân tiến cử mình. Hòa Thân chỉ đáp ngắn gọn:

- Tôi và ngài tuy khác nhau về xuất thân nhưng đều là người cùng chí hướng.

Phúc Trường An tỏ ra hết sức trung thành với Hòa Thân. Thanh sử chép, khi Hòa Thân bị giam vào ngục, Gia Khánh đế yêu cầu Phúc Trường An làm bản tấu tố cáo ông ta. Phúc Trường An nhất quyết từ chối, Gia Khánh cũng phải bất lực.

Thứ ba, bới lông tìm vết, vu cáo hãm hại, làm giảm uy tín của những trung thần

Đối với những đại thần quyền cao chức trọng như A Quý, Phúc Khang An…Hòa Thân bề ngoài thì tỏ ra khiêm nhường, nhưng bên trong luôn tìm đủ mọi cách hãm hại, đặc biệt là khi họ đã ở xa triều đình.

Phúc Khang An là một trong những nạn nhân của Hòa Thân (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Phúc Khang An là một trong những nạn nhân của Hòa Thân (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Mặc dù nhiều lần gièm pha, tố cáo A Quý bất thành, Hòa Thân vẫn không từ bỏ ý định. Ông chuyển mục tiêu sang Phúc Khang An. Năm thứ 54 Càn Long (1789) Phúc Khang An vì bận bịu với chiến sự, viết thư nhờ tri phủ tỉnh Hồ Bắc là Lý Thiên Bồi đặt mua gỗ, vật liệu, vận chuyển đến Bắc Kinh xây phủ đệ.

Hòa Thân qua Phúc Trường An nắm bắt được Lý Thiên Bồi tự ý dùng thuyền quan chở gỗ, khiến cho đường sông tắc nghẽn. Ông ta lập tức tố cáo với Càn Long. Khôn ngoan ở chỗ, lần này Hòa Thân lại xin để cho A Quý điều tra và xét xử vụ án.

A Quý biết âm mưu của Hòa Thân, cố tình bỏ qua vụ việc này. Hòa Thân vì thế liên tục công kích A Quý bao che cho Phúc Khang An. Càn Long nghe lời Hòa Thân, trách phạt A Quý nặng nề, cách chức Lý Thiên Bồi sung làm lao dịch, cắt 10 năm bổng lộc của Phúc Khang An. Sau sự việc này, uy tín của A Quý và Phúc Khang An giảm mạnh.

Ba bước chiến lược thành công giúp Hòa Thân một mình trụ vững giữa triều đình hơn 20 năm (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Ba bước chiến lược thành công giúp Hòa Thân một mình trụ vững giữa triều đình hơn 20 năm (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Thanh sử cảo miêu tả về Hòa Thân như sau: “Kẻ không theo mình thì thừa lúc hoàng đế giận dữ mà ám hại họ. Kẻ hối lộ thì tiếp đãi, tìm cách cứu vớt hoặc kéo dài sự vụ, đợi khi hoàng đế bớt giận mới vô tình nhắc đến, xin được bỏ qua”.

Suốt hơn 20 làm quan, Hòa Thân đã phải đối chọi với biết bao địch thủ, đều là những đại thần có gia thế, tài trí hơn người. Nhưng, ông ta vẫn đứng vững và còn vượt qua tất cả, trở thành thế lực lớn nhất trong triều đình. Tất cả đều dựa vào những mưu kế trên.

______________

Loại bỏ được hết các đối thủ chính trị, quyền lực của Hòa Thân trong triều chỉ đứng sau hoàng đế. Ông ta ngày càng ngạo mạn, thậm chí, còn nhiều lần coi thường cả Càn Long, làm ra những chuyện không ai dám ngờ. Mời bạn đón đọc chi tiết trong kỳ tiếp theo, đăng sáng ngày 28/09/2019.

Những ”bí kíp” kiếm tiền có một không hai giúp Hòa Thân thành người giàu bậc nhất thế giới

Không chỉ tham ô, Hòa Thân còn có vô vàn cách thức kiếm tiền khiến cho hậu thế phải “lác mắt“.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam ([Tên nguồn])
Đại gian thần Hòa Thân Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN