Vì sao đang là thế lực hùng cứ đại dương, Nga bán hết tàu sân bay cho Trung Quốc làm "mô hình giải trí"?
Thời kỳ hùng mạnh, năm tàu sân bay của Liên Xô đã khuynh đảo khắp các đại dương, làm cho lực lượng hải quân NATO khiếp sợ. Về sau này, Nga chỉ giữ lại tàu Đô đốc Gorshkov, trong khi các tàu khác được bán lại cho Trung Quốc làm tụ điểm du lịch.
Đô đốc Kuznetsov là tàu sân bay cuối cùng Nga còn giữ lại.
Cùng với Pháp và Anh, Nga là một trong những quốc gia đầu tiên chế tạo tàu sân bay trong lịch sử quân sự. Trên thực tế, tàu sân bay chỉ mới xuất hiện không lâu trước Thế chiến I và được triển khai bởi tất cả các bên tham chiến trong cuộc xung đột.
Ban đầu, không có tàu sân bay nào được sản xuất đúng nghĩa. Chúng thường được cải biến lại từ tàu chiến, tàu chở khách hoặc tàu chở hàng dân dụng, theo RBTH.
Tàu sân bay thời Thế chiến I có rất ít điểm chung so với tàu sân bay ngày nay. Chúng không có sàn bay mà chỉ có các nhà chứa để cất giữ máy bay. Ở giai đoạn này, máy bay sẽ chỉ hạ cánh xuống mặt nước và sau đó mới đưa trở lại tàu.
Hạm đội tàu sân bay Liên Xô từng được coi là một trong những thế lực quân sự mạnh nhất thế giới. Nhưng ngày nay, danh tiếng đã đi vào dĩ vãng.
Một số tàu sân bay Liên Xô được bán lại cho nước ngoài, một số tàu khác giờ đây phục vụ cho nhu cầu tham quan của khách du lịch.
Ngày nay, Nga chỉ có một tàu sân bay (được phân loại ở Nga là tàu tuần dương máy bay hạng nặng) - Đô đốc Kuznetsov. Thời Liên Xô hùng mạnh, năm tàu tuần dương máy bay hạng nặng của nước này đã khuynh đảo khắp các đại dương, làm cho lực lượng hải quân NATO khiếp sợ.
Tàu tuần dương máy bay hạng nặng của Liên Xô khác rất nhiều so với các tàu tương tự của Mỹ. Tàu Mỹ giống như một căn cứ nổi, được bảo vệ bởi một nhóm tàu chiến hộ tống hùng mạnh.
Trong khi tàu tuần dương hạng nặng của Liên Xô được trang bị nhiều vũ khí và có thể tự bảo vệ mình. Tuy nhiên, việc mang theo nhiều vũ khí đã hạn chế đáng kể số lượng nhân viên quân sự mang lên tàu.
Tàu tuần dương máy bay hạng nặng đầu tiên của Liên Xô là Kiev, gia nhập Hải quân Liên Xô năm 1975.
Con tàu có khả năng tự bảo vệ trước máy bay, tàu và tàu ngầm của đối phương, trong khi lực lượng tấn công chính của nó gồm 12 chiếc Yak-38 (VTOL - máy bay chiến đấu cất cánh và hạ cánh thẳng đứng) và trực thăng tác chiến chống ngầm Ka-27.
Kiev gặt hái được thành công ở biển Địa Trung Hải, Đại Tây Dương và thậm chí còn được trao tặng Huân chương Cờ đỏ.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, việc duy trì một con “quái vật biển” như vậy là quá đắt đỏ. Năm 1993, Kiev được bán cho Trung Quốc, nơi nó được cải tạo để đưa vào Công viên giải trí tàu sân bay Binhai, hiện nay là tổ hợp giải trí và khách sạn.
Một số tàu sân bay của Liên Xô giờ đây trở thành tụ điểm tham quan giải trí ở Trung Quốc
Tàu tuần dương máy bay hạng nặng tiếp theo của Liên Xô là Minsk, được đưa vào sử dụng năm 1978 và là con tàu kế nhiệm của Kiev. Con tàu này có thể chứa 16 máy bay chiến đấu trên boong và 18 máy bay trực thăng.
Sau khi phục vụ ở Thái Bình Dương, Minsk lặp lại số phận buồn của con tàu tiền nhiệm. Năm 1995, nó được bán cho Trung Quốc và trong một thời gian dài là điểm thu hút chính tại một công viên giải trí quân sự ở Thâm Quyến. Ngày nay, Minsk chuẩn bị được chuyển sang một công viên tương tự ở Nam Thông.
Novorossiysk có lẽ là tàu tuần dương máy bay hạng nặng của Liên Xô không may mắn nhất. Sau khi phục vụ suốt một thập kỷ ở Thái Bình Dương, nó được bán cho Hàn Quốc vào năm 1994, nơi con tàu đã bị hủy chỉ ba năm sau đó.
Ít nhất có một tàu tuần dương máy bay hạng nặng của Liên Xô là không bị biến thành công viên, khách sạn hay nhà hàng. Tàu Baku (sau năm 1990 có tên là Đô đốc Gorshkov) đi vào hoạt động từ năm 1987.
Ban đầu, con tàu dự định biên chế cho Hạm đội phương Bắc của Nga, cuối cùng nó được gửi đến Địa Trung Hải, nơi Baku từng chơi trò “mèo vờn chuột” với tàu USS Dwight D. Eisenhower của Mỹ.
Mặc dù là một tàu sân bay uy lực, được trang bị các thiết bị tiên tiến nhất phục vụ tác chiến điện tử, Đô đốc Gorshkov cuối cùng trở thành gánh nặng không thể chịu đựng đối với nước Nga thời hậu Xô Viết. Nó đã được bán cho Ấn Độ và hiện đang phục vụ trong Hải quân Ấn Độ với tên INS Vikramaditya.
Sau khi sử dụng Yak-38 trên các tàu tuần dương máy bay hạng nặng trong quá khứ, Liên Xô hiểu rằng các máy bay chiến đấu hạ cánh và cất cánh thẳng đứng không phù hợp với kiểu tàu sân bay cổ điển.
Do đó, Liên Xô quyết định hiện đại hóa dự án và vào năm 1991, tàu Đô đốc Kuznetsov chính thức gia nhập Hải quân Liên Xô. Sau khi cắt giảm vũ khí, tàu sân bay mới của Nga đã có một sàn bay lớn hơn, có thể dễ dàng cho các máy bay chiến đấu Su-33 và MiG-29K sử dụng.
Đô đốc Kuznetsov đã trải qua những năm tháng khó khăn nhất sau sự sụp đổ của Liên Xô và là tàu tuần dương máy bay hạng nặng duy nhất mà Nga giữ lại cho đến bây giờ. Gần đây, chiến hạm Đô đốc Kuznetsov đã tham gia vào chiến dịch của quân đội Syria năm 2017.
Trong khi đó, tàu tuần dương máy bay hạng nặng cuối cùng của Liên Xô - Varyag chưa bao giờ có cơ hội phục vụ trong quân đội. Sau khi Liên Xô sụp đổ, con tàu đã hoàn thành một nửa và trao cho Ukraine, sau đó nước này bán cho Trung Quốc.
Hiện tại, Varyag được đổi tên thành Liêu Ninh và là một trong hai hàng không mẫu hạm do quân đội Trung Quốc vận hành.
Ít người biết rằng tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov duy nhất của Nga được trang bị hỏa lực cực mạnh, đủ sức hủy diệt...