Vì sao dân TQ "nghiện" ăn vây cá mập?
Vụ bắt giữ lô hàng vây cá mập nhập lậu lớn nhất lịch sử ở Hong Kong mới đây đã cho thấy dân Trung Quốc “nghiện” món ăn này như thế nào, theo The Guardian.
Vây cá mập được bày bán ở Trung Quốc (ảnh: The Guardian)
Trên những con đường nhỏ hẹp của khu Sai Ying Pun – trung tâm buôn bán hải sản khô ở Hong Kong – hầu hết các cửa hàng đều bày bán công khai vây cá mập.
Vây cá mập ở Hong Kong bán rất có lãi, khoảng 900 USD mới chỉ mua được 600g. Hong Kong cũng là nhà nhập khẩu vây cá mập lớn nhất thế giới, tương đương 1/2 nhu cầu toàn thế giới. Một số lượng lớn vây cá mập cũng được Hong Kong buôn vào đại lục.
Tháng 5 vừa rồi, hải quan Hong Kong đã bắt giữ lô hàng nhập lậu 26 tấn vây cá mập, chứa trong 2 container vận chuyển từ Ecuador. Đây là vụ bắt giữ vây cá mập lậu lớn nhất lịch sử Hong Kong. Số vây này được cho là cắt từ 38.500 con cá mập các loại.
Những con cá mập bị cắt vây rồi ném trở lại biển. Không còn khả năng bơi, chúng chìm dần và chết vì mất máu.
Người Trung Quốc rất thích ăn vây cá mập. Việc ăn vây cá mập ở Trung Quốc được xem như cách thể hiện sự tinh tế và khả năng tài chính. Vây cá mập thường được cắt vụn và làm thành món xúp trong các bữa tiệc.
Người Trung Quốc sẽ thể hiện sự giàu có, địa vị bằng cách ăn những chiếc vây cá mập có chất lượng tốt nhất và đắt tiền nhất. Việc ăn vây cá mập của người Trung Quốc đã có từ rất lâu. Đây là món ăn đặc biệt dành cho người giàu.
Thời phong kiến Trung Quốc, chỉ có tầng lớp vua chúa, quý tộc mới được ăn vây cá mập. Ngày nay, khi kinh tế phát triển, nhiều người cũng muốn trải nghiệm ẩm thực của vua chúa.
Món xúp vây cá mập của người Trung Quốc (ảnh: The Guardian)
Một cuộc khảo sát thị trường năm 2018 cho thấy, 85% các nhà hàng ở Trung Quốc bán các món ăn từ cá mập.
“Có khoảng hơn 100 triệu con cá mập bị giết mỗi năm. Vây của chúng phần lớn được tiêu thụ ở Trung Quốc, Hong Kong. Đây là một vấn đề toàn cầu. Trong khoảng 50 năm trở lại đây, 90% số lượng cá mập đã biến mất”, Andrea Richey – giám đốc điều hành của Quỹ Hong Kong Shark Foundation – cho biết.
“Nếu bạn hỏi các chủ cửa hàng bán vây cá mập ở Trung Quốc, rất nhiều người sẽ không biết họ đang bán vây của loại cá mập nào và liệu sản phẩm đó có phải là loài nguy cơ tuyệt chủng hay không”, bà Andrea Richey nhận xét.
Alex Hofford – chuyên gia tư vấn ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã ở Hong Kong – cho rằng, trong bối cảnh nhiều người đang tập trung vào dịch Covid-19 và luật an ninh mới, việc buôn lậu vây cá mập có nguy cơ gia tăng.
“Các chiến dịch nâng cao nhận thức để giảm nhu cầu ăn vây cá mập không nhận được sự chú ý ở Trung Quốc”, ông Alex Hofford nói.
Tháng 1 vừa qua, Maxim's – một trong những chuỗi nhà hàng lớn nhất Hong Kong – đã đồng ý loại vây cá mập khỏi thực đơn. Tuy nhiên, nhiều nhà hàng, quán ăn khác ở đặc khu này vẫn bày bán các món ăn chế biến từ vây cá mập.
“Việc tiêu thụ vây cá mập nên được xem là một vấn đề toàn cầu. Mọi người nên nhận ra rằng, không có cầu ắt sẽ không có cung”, bà Richey nói.
Nhiều người lo ngại cá mập là loài săn mồi nguy hiểm và gây hại cho con người. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số người chết vì bị cá mập tấn công mỗi năm còn thấp hơn số người chết vì bị dừa rơi trúng đầu, theo The Guardian. Đa số người bị cá mập tấn công là do phớt lờ các biển cảnh báo.
Lô cá mập nhập lậu vào Hong Kong bị bắt giữ (ảnh: The Guardian)
Cá mập có đóng góp trong việc nghiên cứu khoa học và y tế. Chúng cũng giúp duy trì cân bằng hệ sinh thái môi trường biển.
Cá mập loại bỏ những con mồi ốm yếu và đặc biệt ngăn chặn sự bùng phát về số lượng của các loài cá khác một cách tự nhiên. Nghiên cứu cho thấy khi cá mập bị đánh bắt quá mức, các rạn san hô sẽ bị xâm chiếm bơi những con cá nhỏ và tảo.
Nhiều người cho rằng, ăn vây cá mập sẽ tốt cho sụn và xương khớp. Tuy nhiên, đây vẫn là vấn đề gây tranh cãi trong y học.
Theo nghiên cứu khoa học, vây cá mập có thể làm tăng nguy cơ mất trí nhớ vì có hàm lượng độc tố thần kinh cao.
Theo nhiều nghiên cứu khác, vây cá mập cũng chứa nhiều Magie và chì. Nếu ăn quá nhiều vây cá mập, người dùng dễ bị ngộ độc chì và kim loại nặng. Chì và kim loại nặng có thể ảnh hưởng tới não, gan thận, da, niêm mạc và đặc biệt là xương khớp. Cụ thể là móng tay, da lưỡi sẽ bị đen khi ngộ độc chì.
Nguồn: [Link nguồn]
Là con đập lớn nhất hành tinh, không chỉ có vẻ đồ sộ bên ngoài, cấu trúc bên trong của đập Tam Hiệp – công trình được...