Vì sao cứu hộ nhiều nước phải tạm dừng hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ?

Lực lượng cứu hộ nước ngoài ở Thổ Nhĩ Kỳ cho biết có yếu tố khiến họ bất an và gặp khó khăn trong việc giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa động đất.

Lực lượng cứu hộ làm nhiệm vụ tại tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 12/2. Ảnh: Reuters

Lực lượng cứu hộ làm nhiệm vụ tại tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 12/2. Ảnh: Reuters

Tính đến sáng 14/2 (giờ Việt Nam), số người thiệt mạng do thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria là hơn 37.000 người. Con số này dự kiến vẫn chưa dừng lại.

Lực lượng cứu hộ từ hàng chục quốc gia tiếp tục làm việc ngày đêm trong các đống đổ nát và giải cứu thêm những trường hợp sống sót. Tuy nhiên, vấn đề an ninh khiến đội cứu hộ nhiều nước phải tạm dừng hoạt động.

Ngày 11/2, hai tổ chức cứu trợ của Đức và lực lượng cứu hộ thuộc quân đội Áo đã tạm dừng công việc vì lo ngại an ninh. 

Đại diện Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn Quốc tế Đức (ISAR) nói với hãng Reuters rằng: "Có nhiều thông tin về các cuộc đụng độ của nhiều nhóm khác nhau ở khu vực thảm họa động đất. Thậm chí, có cả nổ súng". 

Steven Bayer, giám đốc điều hành ISAR, cho biết khu vực thảm họa ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng không an toàn. 

"Điều đó một phần do tình trạng cạn kiệt của lương thực thực phẩm, nguồn cung cấp nước. Mọi người phải ra ngoài kiếm đồ ăn, thức uống nên dễ dẫn đến mất an ninh", ông Bayer phát biểu tại một trại dành cho nhân viên cứu hộ ở thị trấn Kirikhan, Thổ Nhĩ Kỳ.

"Ngoài ra, hy vọng tìm kiếm người thân mất tích hoặc bị mắc kẹt dưới đống đổ nát ngày càng cạn dần. Khi hy vọng dần biến mất, sự tức giận sẽ thế chỗ", ông Bayer nói thêm. 

Một phụ nữ thất thần ngồi trên đống đổ nát ở Antakya, thủ phủ tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Sky News

Một phụ nữ thất thần ngồi trên đống đổ nát ở Antakya, thủ phủ tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Sky News

ISAR cùng với Cơ quan Cứu trợ Kỹ thuật Liên bang Đức cho biết họ sẽ chỉ hoạt động trở lại ngay sau khi cơ quan bảo vệ dân sự Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố khu vực họ đang hoạt động đã an toàn. 

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Áo Michael Bauer cho biết, Đơn vị cứu trợ thiên tai Áo (AFDRU) đã khôi phục công việc sau khi nhận được lời hứa bảo vệ từ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. 

Trung tá Pierre Kugelweis, thuộc Không quân Áo, ngày 11/2 tuyên bố "tình trạng gây hấn ngày càng tăng trong các nhóm ở Thổ Nhĩ Kỳ". Tuy nhiên, không có cuộc tấn công nào nhằm vào lực lượng cứu hộ của Áo ở đây. 

Thụy Sĩ cho biết nước này đang theo dõi chặt chẽ tình hình an ninh, đồng thời cho biết thêm rằng đã chuẩn bị sẵn các biện pháp để bảo vệ 87 nhân viên cứu hộ và 8 chú chó nghiệp vụ của nước này đang cứu hộ ở tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ. 

Ngày 12/2, đội cứu hộ United Hatzalah của Israel cho biết, họ đang trở về nước sau 6 ngày hỗ trợ ở Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi nhận được tin tình báo từ “mối đe dọa an ninh đáng kể” nhằm vào họ.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cuối tuần qua cho biết đã xảy ra một số vụ cướp bóc ở khu vực bị ảnh hưởng bởi thảm họa động đất nhưng ông không bình luận về các thông tin về một số vụ đụng độ. 

Nguồn: [Link nguồn]

LHQ ước tính tổng số người thiệt mạng do động đất, thừa nhận thất bại ở Syria

Số người tử vong sau trận động đất kinh hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria đã vượt 36.000 người và được dự báo sẽ còn tăng cao hơn nhiều. Liên hợp quốc cho hay, nỗ lực giải...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo BẰNG LÂU - Sky News ([Tên nguồn])
Động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN