Vì sao cuộc xung đột Israel - Hezbollah nguy hiểm hơn nhiều so với trước kia?

Những lời đe dọa cùng các diễn biến leo thang căng thẳng gần đây khiến dư luận lo ngại về nguy cơ bùng nổ một cuộc xung đột nguy hiểm hơn bao giờ hết giữa Israel và nhóm Hezbollah ở Lebanon.

Benny Gantz, cựu thành viên nội các chiến tranh của Israel hôm 25/6 tuyên bố: “Chúng ta có thể đẩy Lebanon vào bóng tối hoàn toàn và tước đoạt quyền lực của Hezbollah trong vài ngày”. Theo CNN, đó là lời đe dọa mới nhất từ ​​một chính trị gia có ảnh hưởng ở Israel chống Lebanon và Hezbollah, trong bối cảnh căng thẳng leo thang.

Giới quan sát nhận định, sẽ không khó để Israel nhấn chìm Lebanon vào bóng tối. Mạng lưới điện của Lebanon, vốn đã bị tê liệt do sự quản lý yếu kém suốt nhiều thập kỷ và sự sụp đổ của nền kinh tế đất nước, hầu như không thể hoạt động hiệu quả. Một vài cuộc không kích có chủ đích sẽ dễ dàng đặt dấu chấm hết cho toàn bộ lưới điện quốc gia của nước này.

Các thành viên Hezbollah đem theo tên lửa tham gia một cuộc diễu binh ở Lebanon. Ảnh: Forbes

Các thành viên Hezbollah đem theo tên lửa tham gia một cuộc diễu binh ở Lebanon. Ảnh: Forbes

Sức mạnh quân sự của Hezbollah

Tuy nhiên, việc loại bỏ sức mạnh quân sự của Hezbollah trong vài ngày là điều khó khăn hơn nhiều. Kể từ cuộc đụng độ bất phân thắng bại trước lực lượng vũ trang Hồi giáo được Iran hậu thuẫn ở Lebanon năm 2006, Israel đã lên kế hoạch cho màn “tái đấu”.

Hezbollah cũng đã chuẩn bị cho xung đột từ lâu. Theo ước tính của Israel, kho vũ khí của nhóm vũ trang này bao gồm ít nhất 150.000 tên lửa và rocket. Hezbollah được cho là đã bắn 5.000 quả tên lửa và rocket kể từ tháng 10 năm ngoái, đồng nghĩa phần lớn kho vũ khí của họ vẫn còn nguyên vẹn như tuyên bố của thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah tuần trước.

Các quan chức ở Tel Aviv cũng rất ngạc nhiên trước mức độ tinh vi trong những vụ tập kích xuyên biên giới của Hezbollah, bao gồm cả những vụ tấn công chính xác, có hệ thống vào các tiền đồn giám sát dọc biên giới với Lebanon, các vụ bắn hạ máy bay không người lái (UAV) tân tiến, bay cao của Israel cũng như xuyên thủng các khẩu đội tên lửa phòng không Vòm sắt và các hệ thống chống UAV của Israel. Tuy nhiên, điều ngạc nhiên lớn nhất đối với Tel Aviv có lẽ là đoạn video dài 9 phút do ống kính máy quay gắn trên UAV ghi lại về cơ sở hạ tầng dân sự và quân sự rất nhạy cảm trong và xung quanh thành phố Haifa phía bắc Israel, được Hezbollah công bố trực tuyến.

Ngoài vũ khí, Hezbollah có thể đang nắm trong tay từ 40.000 - 50.000 tay súng. Thủ lĩnh Nasrallah gần đây tiết lộ, nhóm có hơn 100.000 chiến binh. Nhiều người trong số này đã có kinh nghiệm chiến đấu khi tham gia cuộc nội chiến ở Syria.

Các chuyên gia đánh giá, các thành viên Hezbollah được huấn luyện và có tính kỷ luật cao, không giống như nhiều nhóm vũ trang nổi dậy khác. Một phóng viên kể, tại cuộc chạm trán hiếm hoi với vài chiến binh Hezbollah ở một ngôi làng đổ nát phía nam Lebanon trong cuộc xung đột năm 2006, những tay súng Hồi giáo này tỏ ra lịch sự, không khoa trương hay vênh váo, nhưng cứng rắn và nhất quyết yêu cầu các nhà báo rời đi ngay lập tức vì sự an toàn của chính mình. 

Một báo cáo hồi đầu năm nay, nhan đề “Lửa và máu: Thực tế ớn lạnh Israel phải đối mặt trong cuộc xung đột với Hezbollah” của Đại học Reichman (Israel) đã đề cập đến một kịch bản nghiệt ngã, trong đó Hezbollah sẽ bắn 2.500 - 3.000 tên lửa và rocket mỗi ngày, trong nhiều tuần nhằm vào các địa điểm quân sự của Israel cũng như các thành phố đông dân ở trung tâm đất nước. 

Trong toàn bộ cuộc xung đột kéo dài 34 ngày năm 2006, Hezbollah ước tính đã bắn khoảng 4.000 quả rocket, tương đương trung bình 117 quả/ngày. Chưa đầy 24 giờ sau khi cuộc xung đột này bùng phát, máy bay chiến đấu của Israel đã ném bom và đánh sập sân bay quốc tế Rafic Hariri ở thủ đô Beirut, Lebanon. Nhiều người dự đoán, nếu xung đột tái bùng phát lúc này, sân bay Rafic Hariri sẽ vẫn là một trong những mục tiêu nhắm bắn then chốt của Israel. Song, không giống như cách đây 18 năm, vào năm 2024, Hezbollah có thể tấn công sân bay quốc tế Ben Gurion ở Tel Aviv, Israel để đáp trả.

Năm 2006, Haifa, thành phố lớn thứ 3 của Israel nằm trong tầm bắn của tên lửa Hezbollah. Lần này, các tên lửa của nhóm dự kiến ​​sẽ vươn sâu hơn vào lãnh thổ Israel.

Sự thay đổi cân bằng chiến lược

Trên khắp Trung Đông, thế cân bằng chiến lược mà Israel lâu nay ưa chuộng đang thay đổi. Kẻ thù của nước này không còn là các nước Ảrập, mà là một loạt các thực thể phi nhà nước, từ nhóm Hezbollah ở Lebanon, Phong trào Hồi giáo Hamas và tổ chức tự xưng Thánh chiến Hồi giáo Jihad ở Dải Gaza đến lực lượng nổi dậy Houthi ở Yemen cũng như các nhóm dân quân tại Iraq và Syria.

Vì sự ủng hộ của Washington dành cho Tel Aviv, tất cả các thực thể phi nhà nước nói trên đã đặt các lợi ích của Mỹ và phương Tây tại Trung Đông vào tầm ngắm cùng với Israel, kể từ khi xung đột Israel - Hamas bùng phát ở Dải Gaza tháng 10 năm ngoái.

Ngoài ra, không giống như ở Dải Gaza, Lebanon, nơi cắm chốt của Hezbollah không bị các nước láng giềng thù địch bao vây. Beirut đã thiết lập các quan hệ hữu nghị, thân thiện với các chế độ cầm quyền ở Syria và Iraq, cho phép họ tiếp cận trực tiếp với Iran.

Trong những năm qua, Israel thường xuyên tấn công các mục tiêu ở Syria vì nghi ngờ chúng liên quan đến việc vận chuyển vũ khí cho Hezbollah. Song, các dấu hiệu cho thấy những cuộc tấn công đó chỉ thành công một phần.

Qais Al-Khazali, thủ lĩnh nhóm dân quân Asa'ib Ahl Al-Haq thân Iran ở Iraq cảnh báo, nếu Mỹ ủng hộ chiến dịch tấn công của Israel vào Lebanon, “nước này sẽ đặt tất cả lợi ích của mình trong khu vực, đặc biệt ở Iraq, vào thế nguy hiểm”.

Ảnh hưởng của Iran

Một nhân tố quan trọng khác là Iran. Theo truyền thống, Tehran thường sử dụng các nhóm ủy nhiệm chiến đấu và đứng ở phía sau hậu thuẫn. Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi hồi tháng 4, khi Tehran cho phóng hàng trăm tên lửa và UAV về phía Israel nhằm trả đũa vụ không kích trước đó của quân Tel Aviv vào đại sứ quán Iran ở Damascus, Syria, khiến một số chỉ huy và cố vấn cấp cao của Iran thiệt mạng.

Theo nhiều nhà phân tích, trong trường hợp Hezbollah, đồng minh hàng đầu của Tehran trong khu vực, bị Israel tấn công nhằm “xóa sổ” như lời đe dọa của ông Gantz, Iran có thể ra tay đáp trả. Quốc gia Hồi giáo có thể khuyến khích các nhóm vũ trang được họ hậu thuẫn hướng mục tiêu tập kích vào các lợi ích của Mỹ và Israel.

Vấn đề ở chỗ, Iran nằm trên eo biển Hormuz, điểm vào Vịnh Ba Tư. Trong trường hợp xảy ra xung đột lớn, dư luận lo ngại Iran sẽ phong tỏa eo biển này, một động thái có thể khiến giá dầu thế giới tăng vọt.

Kể từ tháng 10/2023, căng thẳng ở biên giới Israel - Lebanon đã có nhiều biến động. Tuy nhiên, trong vài tuần qua, những căng thẳng đó đã leo thang và xung đột dường như ngày càng dễ xảy ra hơn, với vô số đe dọa về hậu quả thảm khốc. 

Đức, Thụy Điển, Kuwait, Hà Lan và một số nước khác đang kêu gọi công dân của họ rời khỏi Lebanon ngay lập tức. Nhiều nhà phân tích thống nhất rằng, nếu có nguy cơ xảy ra xung đột quy mô khu vực ở Trung Đông, đây chính là thời điểm nguy hiểm đó.

Nguồn: [Link nguồn]

Lãnh đạo quân đội Israel tuyên bố nước này có thể đưa Lebanon “trở về thời đồ đá”, bất chấp cảnh báo từ Liên hợp quốc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuấn Anh ([Tên nguồn])
Xung đột Israel - Hamas Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN