Vì sao Cuba mất điện toàn quốc nhiều ngày?
Tình trạng mất điện ngoài tầm kiểm soát ở Cuba bắt đầu từ tối ngày 17/10, khi một trong các nhà máy nhiệt điện lớn nhất ở nước này ngừng hoạt động.
Thủ đô Havana (Cuba) chìm trong bóng tối do mất điện (ảnh: Reuters)
Mất điện toàn quốc
Tối ngày 17/10, Thủ tướng Cuba – ông Manuel Marrero – có bài phát biểu trên truyền hình khi nhiều khu vực ở Cuba xảy ra tình trạng mất điện diện rộng. Chương trình phát sóng của ông Marrero cũng gặp “sự cố kỹ thuật” và lên hình muộn hơn dự kiến.
“Tình hình đã trở nên tồi tệ trong những ngày gần đây. Chúng tôi đã cho dừng các hoạt động kinh tế để bảo đảm năng lượng cho người dân”, ông Marrero nói.
Thời điểm ông Marrero phát biểu, 1/2 đất nước Cuba đã chìm vào bóng tối do sự cố mất điện, theo Reuters.
Giữa trưa ngày 18/10 (giờ địa phương), Cuba xảy ra tình trạng mất điện trên phạm vi cả nước. Nguyên nhân là nhà máy nhiệt điện Antonio Guiteras ở tỉnh Matanzas (phía đông thủ đô Havana) ngừng hoạt động do sự cố.
“Sự cố ở nhà máy Antonio Guiteras khiến mạng lưới quốc gia bị ngắt kết nối hoàn toàn”, Bộ Năng lượng Cuba thông báo trên mạng xã hội X.
Hơn 10 triệu dân Cuba phải chịu cảnh không có điện sau sự cố nêu trên. Ngành công nghiệp Cuba gần như không hoạt động do mất điện.
Sự cố ở nhà máy nhiệt điện Antonio Guiteras gây mất điện diện rộng (ảnh: Oncubanews)
Đến tối ngày 18/10, khoảng 20.000 trong số hơn 2 triệu cư dân ở thủ đô Havana được cấp điện trở lại. Tuy nhiên, mạng lưới điện tiếp tục bị sập.
Hôm 20/10, khoảng 160.000 cư dân ở Havana được cấp điện. Nhưng mạng lưới điện bị sập sau đó.
Theo Reuters, đến ngày 21/10, tình trạng mất điện vẫn diễn ra ở hầu hết Cuba, làm dấy lên lo ngại về khả năng cắt điện kéo dài.
Phát biểu trên truyền hình vào tối ngày 20/10 (giờ địa phương), Chủ tịch Cuba Miguel Diaz Canel cho biết, ông hiểu được những điều người dân đang phải trải qua trong tình cảnh mất điện.
Theo ông Diaz Canel, giới chức Cuba đang dành “ưu tiên tuyệt đối” và nỗ lực không nghỉ ngơi để khôi phục nguồn điện.
Cuba đã cho trẻ em nghỉ học và công nhân (trừ một số lĩnh vực thiết yếu) nghỉ làm cho đến khi mạng lưới điện được khôi phục trở lại.
Tình trạng mất điện kéo dài hiện tại được cho là tồi tệ nhất ở Cuba trong nhiều năm qua, theo ABC News.
Nền kinh tế Cuba gần như tê liệt do mất điện (ảnh: Reuters)
Vấn đề lớn nhất: Nhiên liệu
Khoảng 40,6% sản lượng điện của Cuba được sản xuất từ các nhà máy nhiệt điện, theo CNN.
Antonio Guiteras – nhà máy nhiệt điện lớn bậc nhất Cuba, với công suất khoảng 317 MW – và nhiều nhà máy nhiệt điện nhỏ hơn cần dầu thô để vận hành. Cuba có thể tự sản xuất 1/2 lượng dầu thô cần thiết. Phần còn lại phụ thuộc vào nhập khẩu từ các nước đối tác như Venezuela, Mexico và Nga.
Theo CNN, vấn đề lớn nhất đối với các nhà máy nhiệt điện ở Cuba hiện nay là thiếu nhiên liệu, cụ thể là dầu.
Venezuela, nhà cung cấp dầu lớn nhất cho Cuba, đã cắt giảm các chuyến tàu chở dầu kể từ đầu năm để bảo đảm nguồn cung nội địa.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, Venezuela chỉ xuất khẩu khoảng 32.600 thùng dầu/ngày, giảm 1/2 sản lượng xuất khẩu so với cùng kỳ năm ngoài.
Hai nguồn cung lớn khác là Mexico và Nga cũng cắt giảm xuất khẩu dầu cho mục đích kinh tế. Điều này khiến Cuba phải vật lộn để tìm kiếm nhiên liệu đốt cho các nhà máy nhiệt điện.
Ngoài ra, giới chức Cuba cho biết, siêu bão Milton trên Đại Tây Dương (đổ bộ Mỹ 2 tuần trước) đã làm gián đoạn đáng kể việc vận chuyển nhiên liệu từ tàu thuyền ngoài khơi đến các nhà máy nhiệt điện.
Vụ cháy kho dầu năm 2022 khiến Cuba thiệt hại lớn (ảnh: CNN)
Cơ sở hạ tầng điện
Phát biểu hôm 17/10, Thủ tướng Cuba Manuel Marrero cho rằng, tình trạng mất điện diện rộng là do cơ sở hạ tầng xuống cấp, thiếu nhiên liệu và nhu cầu ngày càng tăng của người dân, của các công ty vừa và nhỏ, cũng như số lượng máy điều hòa tăng mạnh (lên tới 100.000 chiếc chỉ tính riêng trong năm nay).
Theo Reuters, các sự cố về điện ở Cuba không phải là vấn đề mới. Hạ tầng năng lượng của nước này đã không được bảo trì cần thiết trong nhiều năm. Tình trạng mất điện diện rộng xảy ra khá thường xuyên kể từ những năm 1990.
Jorge Pinon – chuyên gia về năng lượng Cuba tại Đại học Texas (Mỹ) – cho biết, 5 nhà máy nhiệt điện lớn nhất Cuba đã hoạt động gần 50 năm, vượt xa tuổi thọ dự kiến.
Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn vào năm 2022, khi hỏa hoạn xảy ra ở một kho dầu lớn, với 8 bồn chứa dầu, tại thành phố Matanzas. Vụ cháy đã phá hủy 40% cơ sở dự trữ nhiên liệu chính của Cuba.
Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Cuba – ông Vicente de la O Levy – hồi tháng 3 đã cảnh báo về tình trạng xuống cấp của một số nhà máy nhiệt điện, gây thêm thách thức cho cuộc khủng hoảng năng lượng ở Cuba.
Trên thực tế, 7 trong số 8 nhà máy nhiệt điện lớn nhất Cuba đã bị hỏng hoặc cần được bảo trì, Liên đoàn Điện lực Cuba thông báo hôm 16/10.
Liên đoàn Điện lực Cuba cũng cho biết thêm rằng 37 cở sở phát điện đã ngừng hoạt động do thiếu nhiên liệu, chủ yếu ở các thành phố Mariel và Santiago de Cuba.
Người đàn ông ở Cuba bọc và khóa chiếc xe máy điện, do không có điện sử dụng (ảnh: AFP)
Lệnh cấm vận của Mỹ
Lệnh cấm vận kéo dài 6 thập kỷ của Mỹ đang thực sự gây ra tình trạng khó khăn về nhiên liệu đối với Cuba, điều mà ông Diaz Canel – Chủ tịch Cuba – gọi là “cuộc phong tỏa tàn khốc nhất”.
“Chúng tôi không có nguồn cung cấp nhiên liệu ổn định để các nhà máy có thể hoạt động hết công suất”, ông Diaz Canel nói hôm 20/10.
Trước đó, trong bài phát biểu hôm 17/10, Thủ tướng Cuba – ông Marrero – cũng nói Mỹ là nguyên nhân khiến Cuba rơi vào khủng hoảng năng lượng. Ông Marrero cáo buộc hành động “chèn ép về tài chính và năng lượng” của Mỹ đã cản trở Cuba nhập khẩu thêm nhiên liệu và làm gián đoạn các nỗ lực khác nhằm duy trì sự ổn định của mạng lưới điện.
Nhà Trắng không thừa nhận các cáo buộc trên.
Giới chức Cuba đang nỗ lực khôi phục nguồn điện (ảnh: Reuters)
“Mỹ không chịu trách nhiệm về tình trạng mất điện kéo dài và những khó khăn về năng lượng ở Cuba”, Sky News hôm 20/10 dẫn lời một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Mỹ.
“Cuba chưa yêu cầu chúng tôi hỗ trợ”, NBC News hôm 21/10 dẫn email trả lời của một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ.
Tuy nhiên, theo RT, các lệnh cấm vận kéo dài của Mỹ có tác động đáng kể đến Cuba. Khó khăn về kinh tế và tài chính khiến đảo quốc này không thể nhập khẩu đủ nhiên liệu và máy móc để vận hành, bảo trì các nhà máy điện.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ cũng khiến nhiều công ty chở dầu lo ngại, né tránh làm ăn với Cuba. Điều này buộc Cuba và Venezuela phải phụ thuộc vào các đội tàu cũ kỹ cho vận chuyển dầu.
Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Cuba, ông Vicente de la O Levy, hôm 21/10 cho biết, dự kiến, mạng lưới điện trên toàn quốc sẽ được khôi phục vào ngày 22/10.
Tuy nhiên, ông O Levy cảnh báo rằng, ngay cả khi lưới điện được khôi phục đúng lộ trình, người dân Cuba “sẽ tiếp tục bị cắt điện” vì tình trạng thiếu nhiên liệu.
Chính phủ đang thảo luận để tìm cách mua thêm nhiên liệu, Bộ trưởng O Levy cho biết.
Theo ông O Levy, Colombia, Mexico, Venezuela và Nga đã đề nghị giúp đỡ Cuba.
Một bà nội trợ ở Cuba lo lắng về số thực phẩm trong tủ lạnh (ảnh: Swissinfo)
Mất điện gây ảnh hưởng thế nào?
Cuộc sống ở Cuba trở nên khó khăn trong những ngày mất điện, đặc biệt là giữa thời tiết nóng nực của vùng Caribe, theo CBS News.
Hàng trăm nghìn người ở Cuba thiếu nước sinh hoạt. Các vụ cúp điện đã làm tê liệt hệ thống cấp nước và trạm bơm.
Ở thủ đô Havana, tối ngày 20/10, chỉ một số công ty, quán bar và nhà dân có ánh đèn điện. Họ sử dụng máy phát điện cỡ nhỏ. Thành phố với 2 triệu dân trở nên yên tĩnh. Người dân vui chơi trên vỉa hè, nghe nhạc bằng radio chạy pin hoặc tán gẫu với nhau bên bậc cửa. Nến được sử dụng nhiều để thắp sáng và tiếng máy móc chạy trở nên hiếm hoi.
Nhiều người Cuba tiết kiệm nhiên liệu bằng cách nấu ăn bằng bếp củi, trước khi thực phẩm trong tủ lạnh bị hỏng.
Anabel Gonzalez, bà nội trợ ở phố cổ Havana (khu phố được nhiều khách du lịch ghé thăm), cho biết, điện thoại của bà đã hết pin và thức ăn trong tủ lạnh bị hỏng.
Ở khu phố Vedado (Havana), Isabel, 51 tuổi, cho biết chồng bà vừa phải xách 20 xô nước lên căn hộ ở tầng 2.
Bộ trưởng Y tế Cuba – ông Jose Angel Portal Miranda – hôm 18/10 cho biết, các bệnh viện vẫn hoạt động nhờ máy phát điện và nhân viên y tế vẫn làm việc.
Bão Oscar đã đổ bộ vào tỉnh Guantanamo của Cuba vào sáng 21-10 theo giờ Việt Nam, đe dọa lũ quét trong các ngày tới.
Nguồn: [Link nguồn]