Vì sao con vật độc và nguy hiểm như rắn lại trở thành biểu tượng của ngành y chuyên cứu người?
Nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm Việt Nam, sử dụng biểu tượng con rắn quấn quanh cây gậy làm biểu tượng ngành y. Nhiều người có thể cảm thấy khó hiểu vì rắn phần nhiều là có độc và rất nguy hiểm với con người, trong khi ngành y lại chuyên cứu người.
Phác họa hình tượng thần trong thần thoại Hy Lạp.
Tại Đại hội Y tế Thế giới lần thứ nhất vào năm 1948, logo Liên Hợp Quốc được đặt trên một cây gậy có tạc một con rắn quấn quanh được chọn làm biểu tượng chính thức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Trang web chính thức của WHO mô tả cây gậy có con rắn quấn quanh từ lâu đã là biểu tượng của y học và ngành y. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng chọn biểu tượng này làm biểu tượng ngành y, bao gồm Việt Nam.
Biểu tượng bắt nguồn từ câu chuyện về Asclepius – người được người Hy Lạp cổ đại tôn kính như một vị thần chữa bệnh và đặc biệt chuyên về sử dụng rắn. Asclepius thành công trong việc cứu người đến nỗi, theo truyền thuyết, Hades - vị thần địa ngục - đã phải phàn nàn với thần tối cao Zeus, rằng việc chữa bệnh có thể làm thay đổi cán cân sinh tử. Zeus sau đó quyết định sát hại Asclepius bằng một tia sét.
Để tưởng nhớ Asclepius, người dân ở các quốc gia Địa Trung Hải thời xa xưa xây dựng đền thờ ở khắp nơi. Tàn tích của những ngôi đền này vẫn còn cho đến ngày nay.
Nguồn gốc của Asclepius
Tượng thần Asclepius cầm cây gậy có con rắn quấn quanh.
Theo thần thaọi Hy lạp, Asclepius là con trai của thần Apollo và Coronis – một phụ nữ phàm trần sống tại Thessaly (Hy Lạp cổ đại). Asclepius được xem là Á thần (nửa người, nửa thần). Tuy nhiên, cuộc đời của Asclepius bắt đầu với bi kịch.
Trong lúc Coronis mang thai Asclepius, bà đã phản bội Apollo để yêu một người phàm khác tên là Ischys. Khi phát hiện ra sự việc, Apollo tức giận và nhờ chị gái mình, nữ thần Artemis, giải quyết. Artemis đã thiêu sống Coronis.
Tuy nhiên, trong lúc nhìn Coronis bị thiêu, Apollo cảm thấy hối hận vì khiến đứa con của mình cũng mất mạng. Ông liền dùng sức mạnh của mình để mổ bụng người mẹ và cứu lấy đứa trẻ. Đây được coi là trường hợp "mổ lấy con" đầu tiên trong thần thoại, một tiền đề gợi liên tưởng đến y học hiện đại. Apollo sau đó giao Asclepius cho nhân mã Chiron – sinh vật nửa người nửa ngựa nổi tiếng với trí tuệ và kỹ năng chữa bệnh – nuôi dưỡng và dạy dỗ.
Tài năng chữa bệnh
Việc Asclepius cứu chữa người bệnh đã khiến thần cai quản địa ngục Hades tức giận.
Dưới sự hướng dẫn của Chiron, Asclepius nhanh chóng trở thành “thần y” xuất chúng. Ông không chỉ học cách thực hiện phẫu thuật mà còn thông thạo việc sử dụng các loại thảo dược, thần chú và các phương pháp điều trị khác.
Một trong những truyền thuyết Hy Lạp chép rằng nữ thần Athena đã tặng Asclepius một lọ máu của Gorgon, quái vật nửa người nửa rắn. Lọ máu của Gorgon vừa có khả năng giết người, nhưng lại có thể hồi sinh người vừa mới qua đời hoặc cứu người bệnh nặng.
Nhờ lọ máu đặc biệt này, Asclepius đã thực hiện được nhiều ca chữa bệnh kỳ diệu, kể cả việc “hồi sinh người chết”.
Asclepius đi khắp nơi, dùng tài năng của mình để chữa lành bệnh tật và đau đớn cho con người. Tên tuổi của ông trở thành biểu tượng của sự hi vọng và sự cứu rỗi, được ngưỡng mộ khắp vùng Địa Trung Hải.
Cây gậy nổi tiếng
Trong các bức vẽ và tượng điêu khắc cổ, Asclepius thường được miêu tả là một người đàn ông trung niên, cầm cây gậy với một con rắn quấn quanh. Cây gậy này, được gọi là "Rod of Asclepius", trở thành biểu tượng của y học từ thời cổ đại.
Con rắn trong biểu tượng mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Thời xưa, vết rắn cắn là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe con người. Tuy nhiên, rắn cũng gắn liền với sự tái sinh và chữa lành, vì nó có khả năng lột da để tái sinh một lớp da mới. Điều này tượng trưng cho sự phục hồi và đổi mới trong y học.
Trong các đền thờ Asclepius, người xưa còn sử dụng những con rắn không độc trong các nghi lễ chữa bệnh, thả tự do gần khu vực bệnh nhân để mang lại sự may mắn và chữa lành.
Theo truyền thuyết Hy Lạp, Asclepius cưới một người vợ tên Epione và có 9 người con, gồm 3 con trai và 6 con gái. Một số học cách chữa bệnh của cha. Cũng theo truyền thuyết, Asclepius từng đứng về phía Hy Lạp trong cuộc chiến thành Troy, giúp cứu chữa Phyloctetes - một anh hùng Hy Lạp nổi tiếng.
Bi kịch cuộc đời
Di tích đền thờ thần Asclepius ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Dù mang lại nhiều điều tốt đẹp, khả năng cứu người của Asclepius đã khiến các vị thần khác tức giận. Hades – vị thần cai quản địa ngục, không hài lòng khi những linh hồn vốn thuộc về ông lại được Asclepius cứu rỗi. Thần Zeus cũng lo ngại rằng việc Asclepius phá vỡ quy luật sinh tử có thể làm mất cân bằng tự nhiên.
Để ngăn chặn, Zeus đã dùng tia sét giết chết Asclepius. Tuy nhiên, Zeusd vẫn công nhận những đóng góp lớn lao của Asclepius cho con người và quyết định biến Asclepius thành một chòm sao trên bầu trời để vinh danh mãi mãi.
Sau cái chết của Asclepius, người Hy Lạp tiếp tục thờ phụng ông như một vị thần chữa bệnh. Nhiều đền thờ, được gọi là Asclepieion, được xây dựng trên khắp Hy Lạp và các vùng lân cận ở Địa Trung Hải.
Asclepieion không chỉ là nơi thờ cúng mà còn là trung tâm chữa bệnh. Người dân đến đây để tìm kiếm cách điều trị, tập thể dục, tắm nước nóng chữa bệnh. Trong những đêm nghỉ tại đền, người xưa tin rằng Asclepius sẽ xuất hiện trong giấc mơ và chỉ dẫn cách chữa bệnh.
Những đền thờ nổi tiếng nhất của Asclepius nằm ở Epidaurus, Trikala (Hy Lạp) – quê hương ông và đảo Kos, nơi cha đẻ ngành y học Hippocrates từng học tập.
Dù sự thờ phụng Asclepius giảm dần khi Kitô giáo lan rộng, những di tích đền thờ vẫn tồn tại, nhắc nhở về thời kỳ mà y học và tín ngưỡng hòa quyện trong lịch sử.
Đoạn clip ghi lại cảnh hàng trai đang chơi với một con rắn trong tình trạng say rượu. Nam thanh niên sau đó còn quấn nó quanh cổ và tay, thậm chí còn...
Nguồn: [Link nguồn]
-27/01/2025 13:51 PM (GMT+7)