Vì sao có những người trẻ, khỏe mạnh đột ngột tử vong sau khi nhiễm Covid-19?
Đại dịch Covid-19 còn nhiều điều bí ẩn mà các nhà khoa học chưa hiểu rõ và do đó, dù ở lứa tuổi nào cũng không thể chủ quan.
Khi Ben Luderer, 30 tuổi, bị ốm và biết mình nhiễm Covid-19, anh không tỏ ra ngạc nhiên. Vài ngày trước, người vợ của Ben, Brandy có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19.
Brandy chỉ bị nhiễm virus ở dạng nhẹ, gần như không bị sốt. Cặp vợ chồng trẻ không mấy lo lắng vì cả hai trước khi nhiễm bệnh đều khỏe mạnh.
Nhưng đối với Ben, tình trạng sức khỏe của người đàn ông này xấu đi nhanh chóng. Ben thường xuyên bị khó thở, phải nhập viện khẩn cấp.
Tại bệnh viện, các bác sĩ cho Ben thở oxy, cho uống thuốc và cho về nhà nghỉ ngơi. “Hãy cố gắng hồi phục khi ở nhà”, các bác sĩ nói.
Brandy kể rằng mỗi đêm là quãng thời gian khó khăn nhất vì chồng cô thường xuyên cảm thấy khó thở.
Ben và Brandy quen nhau từ khi còn học chung một trường ở New Jersey, Mỹ.
Một đêm nọ, Ben ngủ trong phòng còn Brandy ở ngoài phòng khách. Cả hai trao đổi qua tin nhắn. Ben nói rằng mình cảm thấy mệt mỏi nhưng không chắc có cần nhập viện khẩn cấp hay không.
“Lần cuối tôi kiểm tra là lúc 2 giờ sáng, anh ấy vẫn bình thường”, Brandy nói. 6 giờ sáng tỉnh dậy, Brandy thấy chồng mình nằm bất động, ngừng thở từ lâu.
Brandy không hiểu tại sao chồng mình chưa từng có bệnh nền, hoàn toàn khỏe mạnh mà khi nhiễm Covid-19 thì sức khỏe lại xuống dốc nhanh như vậy.
Thông thường, người già là nhóm dễ tổn thương vì Covid-19 nhất do hệ miễn dịch đã suy yếu và thường người già hay mắc bệnh về hô hấp, tim mạch.
Những người trẻ thường có nguy cơ tử vong vì Covid-19 thấp, nhưng những ca bệnh nặng với người trẻ đôi khi vẫn xảy ra. Bác sĩ Anthony Fauci, thành viên nhóm chống dịch Covid-19 của Nhà Trắng mô tả đó là lý do Covid-19 là dịch bệnh “khác thường”.
“Nó khác thường bởi không tuân theo bất kì quy luật nào cả. Nhiều người đang khỏe mạnh rồi bỗng nhiên ở mất khả năng hô hấp, phải phụ thuộc vào các thiết bị hỗ trợ sự sống”, ông Fauci nói.
Các nhà khoa học cho rằng câu trả lời có thể nằm ở kiểu gene của mỗi người. Một khả năng là sự khác biệt giữa các thụ thể ACE2 mà virus Corona dùng để làm cầu nối xâm nhập vào tế bào phổi ở người.
Virus Corona dùng thụ thể ACE2 để xâm nhập vào tế bào người.
Nhà miễn dịch học Philip Murphy, công tác tại Viện Dị ứng và Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, nói “những thụ thể ACE2 khác nhau dù chỉ một phần nhỏ cũng có thể khiến virus xâm nhập dễ hơn hoặc khó hơn”.
Một khả năng khác nằm ở chất nhầy giúp phổi mở rộng và co bóp tốt hơn. Không có chất nhầy, phổi dần dần bị xơ cứng, không thể hoạt động như bình thường.
Một số người nhiễm Covid-19 có thể bị tác động đến chức năng sản sinh chất nhầy, dẫn đến khó thở ngay cả khi có máy móc trợ giúp.
Ngoài ra, hệ miễn dịch quá yếu không thể ngăn được virus nhưng nếu quá mạnh cũng sẽ phản tác dụng. Ở một số người trẻ, hệ miễn dịch phản ứng quá mức không chỉ giết chết tế bào nhiễm virus mà còn hủy hoại cả tế bào khỏe mạnh, dẫn đến tổn thương phổi vĩnh viễn.
Một số bác sĩ lâm sàng ở tuyến đầu chống dịch Covid-19 nhắc đến việc một số bệnh nhân dùng thuốc ức chế hệ miễn dịch lại duy trì được sức khỏe tốt hơn.
Cuối cùng, có thể những người trẻ nghĩ rằng mình miễn nhiễm với virus nên không có biện pháp phòng ngừa. Kết quả là họ bị nhiễm virus với mật độ dày hơn những người khác.
Theo CNN, ở thời điểm hiện tại, dù ở độ tuổi nào và tình trạng sức khỏe ra sao, cần hết sức thận trọng, tuân theo khuyến cáo của nhà chức trách. Đó là ở nhà, thực hành giãn cách xã hội và rửa tay thường xuyên. Cần đến ngay cơ sở y tế khi có triệu chứng nhiễm virus vì sự khó thở có thể quyết định sự sống vài chết trong tích tắc.
Về phần Brandy, cô đã hỏi các bác sĩ chữa trị cho chồng mình nhưng không ai biết nguyên nhân chính xác. “Chúng tôi không biết. Không hiểu tại sao tình trạng anh ấy xuống dốc nhanh như vậy”, các bác sĩ nói.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Nguồn: [Link nguồn]
Nguyên nhân gây tử vong ở bệnh nhân nhiễm Covid-19 không chỉ bởi virus mà nhiều trường hợp lại là do chính hệ miễn dịch...