Vì sao chỉ một câu của Đại sứ UAE tại Mỹ giá dầu lập tức giảm?

Đại sứ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) tại Mỹ cho biết UAE muốn tăng sản lượng dầu mỏ và sẽ kêu gọi OPEC tăng nguồn cung.

Một câu nói, giá dầu tại Mỹ giảm mạnh 12%

Ngày 9/3, Đại sứ UAE tại Mỹ Yousef Al Otaiba cho biết: “Chúng tôi muốn tăng sản xuất dầu mỏ và sẽ khuyến khích Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) xem xét tăng sản lượng”.

“UAE là nhà cung cấp năng lượng tin cậy và có trách nhiệm cho thị trường thế giới hơn 50 năm qua và tin rằng ổn định của thị trường năng lượng đóng vai trò quan trọng với kinh tế thế giới”, ông Otaiba nói.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bộ Năng lượng UAE chưa ra thông báo về vấn đề này, nhưng Đại sứ quán UAE tại Mỹ đã trích dẫn lại bình luận trên của ông Otaiba trên tài khoản Twitter chính thức. Đây được coi như dấu hiệu đầu tiên cho thấy một quốc gia thuộc OPEC sẵn sàng hỗ trợ hạ nhiệt giá dầu.

Sau bình luận của Đại sứ UAE tại Mỹ, giá dầu trên thị trường ngày 9/3 hạ nhiệt đáng kể, ghi nhận mức giảm sâu nhất một ngày trong gần 2 năm. Giá dầu tại Mỹ giảm 12% xuống dưới 109 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 13% xuống 111 USD/thùng.

Chỉ ít giờ trước đó, giá dầu tăng vùn vụt do Mỹ chính thức cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga hôm 8/3 liên quan tới chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine.

Các nhà phân tích cho rằng chỉ một số ít bên sản xuất dầu mỏ có khả năng hoặc sẵn sàng thay thế nguồn cung dầu mỏ từ Nga và giới chuyên gia kinh tế quan ngại các doanh nghiệp, hành khách hàng không, người sử dụng ô tô sẽ phải thay đổi thói quen mua sắm, sử dụng dịch vụ trong bối cảnh giá dầu tăng cao, có khả năng đe dọa kinh tế toàn cầu.

Phương Tây đã hy vọng có thể bổ sung thêm dầu từ nhiều nguồn khác nhau bao gồm các thành viên OPEC như Iran và Venezuela. Trước khi Mỹ áp lệnh trừng phạt, Iran sản xuất khoảng 4 triệu thùng dầu/ngày. Nhưng triển vọng Mỹ quay trở lại bàn đàm phán hạt nhân với Tehran và nới lỏng trừng phạt để tăng sản xuất dầu là rất khó đoán định.

Washington cũng điện đàm với Venezuela nơi đã bị trừng phạt về dầu thô năm 2019 nhưng kể cả trước khi bị cấm vận, đất nước Nam Mỹ cũng không sản xuất nhiều dầu đến mức có thể đơn độc tạo sự khác biệt trong bối cảnh hiện nay.

Mặt khác, khối OPEC có khả năng nhanh chóng tăng nguồn cung dầu mỏ bởi một số quốc gia như Saudi Arabia và UAE có năng suất dư thừa.

Bước ngoặt?

Theo CNN, nếu UAE thuyết phục các đối tác OPEC "mở van dầu", điều đó sẽ cho thấy sự thay đổi 180 độ trong cách tiếp cận của các quốc gia OPEC và khả năng họ đã nhận thấy đây là cơ hội "có một không hai" để kéo EU mua dầu của khối, giảm phụ thuộc vào Moscow.

Ở cuộc họp tuần trước, tổ chức OPEC và các nước ngoài khối (gọi là OPEC+ và bao gồm Nga) vẫn thống nhất sẽ bám theo kế hoạch, chỉ tăng dần dần dầu mỏ vào thị trường, với sản lượng khoảng 400.000 thùng/ngày trong tháng Tư tới. Con số này là rất nhỏ so với 10 triệu thùng dầu thô/ngày do Nga sản xuất.

Nhưng nay, theo ông Andy Lipow, chủ tịch công ty tư vấn Lipow Associates, "UAE sẽ phải trao đổi với Saudi Arabia và Kuwait - rằng "Hãy sử dụng năng lực sản xuất dư để châu Âu không còn phụ thuộc vào Nga!"

Ngoài ra, các lãnh đạo OPEC có lẽ chưa quên những gì đã xảy ra năm 2008 khi giá dầu vọt lên 145 USD/thùng nhưng đã xuống dốc không phanh chỉ vài tháng sau khi nền kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng tài chính.

Thách thức với OPEC

Chỉ có điều, Nga đang là một trong những đồng minh chính của nhóm OPEC và đây là vấn đề quan trọng nhóm OPEC đang phải cân nhắc.

Ngay ngày 7/3, các quan chức thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã gặp lãnh đạo các công ty dầu đá phiến của Mỹ bên lề hội nghị năng lượng thường niên CERAWeek lần thứ 40 diễn ra tại Houston (Mỹ) trong bối cảnh giá dầu đang tăng mạnh do lo ngại nguồn cung hạn chế.

Tại đây, Tổng Thư ký OPEC Mohammad Barkindo một lần nữa nhấn mạnh vai trò của Nga đối với thị trường dầu mỏ thế giới, cho rằng Moscow là thành phần không thể thiếu của OPEC và các đối tác (OPEC+). Liên minh này đã giúp ngăn chặn sự sụp đổ của giá dầu do chịu tác động của dịch Covid-19 thông qua một thỏa thuận năm 2020 về việc cắt giảm sản lượng khai thác 10 triệu thùng/ngày. Khi nhu cầu phục hồi, liên minh đã tăng sản lượng khai thác thêm 400.000 thùng/tháng.

Mặt khác, ông Barkindo nhấn mạnh sản lượng của OPEC không thể bù đắp phần thiếu hụt do lệnh cấm đối với dầu của Nga.

Nguồn: [Link nguồn]

Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo 'hậu quả thảm khốc' từ các lệnh trừng phạt Nga

Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Tài nguyên Thổ Nhĩ Kỳ - Alparslan Bayraktar cho biết việc Mỹ quyết định cắt nhập khẩu dầu từ Nga sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho thị...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trang Trần - Hoàng Anh (Theo CNN) ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN