Vì sao cấp dưới "dám" cử người điều tra Trump?
Cựu giám đốc FBI Robert Mueller được trao quyền đặc biệt trong cuộc điều tra về mối liên hệ giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump với Nga, nhưng vẫn chịu sự giám sát của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ.
Cựu giám đốc FBI Robert Mueller được chỉ định làm công tố viên đặc biệt điều tra về Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo Wall Street Journal (WSJ), ông Mueller được bổ nhiệm làm công tố viên đặc biệt để điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ tạo lợi thế ông Trump .
“Quyết định bổ nhiệm là nhằm chứng minh cho người dân Mỹ về tính trung thực của cuộc điều tra”, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Rod Rosenstein tuyên bố.
WSJ đánh giá, ông Mueller được trao quyền đặc biệt nhưng vẫn chịu sự quản lý của Bộ Tư pháp và trên hết, Bộ Tư pháp lại nằm trong chính quyền Trump.
Theo quy định trong luật liên bang Mỹ sửa đối năm 1999, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ có thể chỉ định công tố viên đặc biệt tạm thời bên ngoài, đảm nhiệm công tác điều tra vấn đề nhạy cảm và truy tố các hành vi sai trái có liên quan. Bộ trưởng Tư pháp cũng có thể ủy quyền cho Thứ trưởng chỉ định công tố viên đặc biệt.
Quyết định này thường được đưa ra khi các quy tắc thông thường bị ảnh hưởng bởi xung đột chính trị.
Ông Mueller chịu sự ràng buộc với Thứ trưởng Tư pháp Rosenstein và phải báo cáo công việc thường xuyên. Nếu phát hiện bằng chứng về sai phạm nằm ngoài phạm vi điều tra, ông Mueller sẽ phải xin quyết định mở rộng điều tra từ Thứ trưởng Tư pháp Rosenstein.
Ông Trump tin rằng cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller sẽ không đưa ra được kết quả nào mới.
Công tố viên đặc biệt có vai trò khá tương đồng với công tố viên độc lập, khi họ đều có “toàn quyền và vai trò độc lập trong việc điều tra vấn đề cụ thể, mà ở đây là mối liên hệ giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump và Nga”.
Tuy nhiên, sự khác biệt nằm ở chỗ cố vấn đặc biệt do Bộ Tư pháp bổ nhiệm còn công tố viên độc lập do các thẩm phán liên bang Mỹ chỉ định.
Công tố viên độc lập cuối cùng điều tra cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton trong những năm 1990 đã dẫn đến những rắc rối khó lường.
Cụ thể, công tố viên Kenneth Starr điều tra ông Bill Clinton bắt đầu với các cáo buộc ông Clinton liên quan đến các hợp đồng bất động sản trong quá khứ.
Nhưng sau đó, cuộc điều tra lại chuyển hướng sang bê bối về mối quan hệ của ông Clinton với nữ thực tập sinh tại Nhà Trắng Monica Lewinsky. Điều này dẫn đến việc Hạ viện từng luận tội ông Clinton.
Đến năm 1999, Thượng viện Mỹ xóa tội cho Bill Clinton và ông tiếp tục giữ cương vị tổng thống Mỹ đến hết nhiệm kỳ. Quốc hội Mỹ khi đó cũng sửa luật liên bang, chấm dứt việc chỉ định công tố viên độc lập từ thẩm phán, trao quyền bổ nhiệm cho Bộ Tư pháp.
Ông Mueller có 60 ngày để đệ trình lên Bộ Tư pháp đề nghị cung cấp ngân sách và bổ nhiệm nhân viên phục vụ công tác điều tra. Công tố viên đặc biệt không bị giới hạn thời gian điều tra, miễn là tuân thủ việc báo cáo thường xuyên.
Bộ Tư pháp Mỹ lựa chọn công tố viên độc lập trươc sức ép của công chúng.
Cựu giám đốc FBI Mueller có quyền đưa cáo buộc hình sự ra tòa án, nhưng phải thông báo cho Bộ trưởng Tư pháp chi tiết “các bước điều tra”. Bộ trưởng Tư pháp cũng được quyền bác bỏ cáo buộc với lý do “không phù hợp” nhưng phải thông báo với Quốc hội.
Theo Washington Post, ông Mueller không có nghĩa vụ phải buộc tội hình sự bất kỳ ai dù kết quả điều tra có như thế nào.
Peter Zeidenberg, người từng là trợ lý công tố viên đặc biệt trong cuộc điều tra cựu nhân viên Nhà Trắng Scooter Libby năm 2005, nói “công tố viên đặc biệt không phải nhà báo và công việc của họ không phải là để công bố cho công chúng kết quả cuộc điều tra”.
“Thay vào đó, họ có nghĩa vụ tổng hợp thông tin và sau khi kết thúc công việc, điều này hoàn toàn nằm trong vòng bí mật”, ông Zeidenberg nói.
Điều đó có nghĩa là ông Mueller có thể tìm thấy nhiều hành động không phù hợp của ông Trump hoặc đội ngũ Trump. Nhưng những hành động này cũng có thể chưa đến mức vi phạm pháp luật, hoặc ông Mueller nghĩ mình chưa có đủ chứng cứ để đưa cáo buộc ra tòa liên bang.
Như vậy, công chúng sẽ không bao giờ biết được liệu ông Mueller đã tìm thấy những gì.
Và quan trọng hơn hết, ông Mueller vẫn có thể bị sa thải bất cứ lúc nào bởi Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein, trong khi ông Trump lại toàn quyền sa thải Rosenstein.
Cựu giám đốc FBI Robert Mueller được chỉ định làm công tố viên đặc biệt, điều tra mối liên hệ giữa chiến dịch tranh...