Vì sao Càn Long biết Hòa Thân làm điều xấu trước mắt mình mà vẫn một mực sủng ái?
Càn Long thường đối xử với các quan lại dưới quyền rất nghiêm khắc, nhưng riêng với Hòa Thân lại mắt nhắm mắt mở, để cho ông ta mặc sức lộng hành.
Hòa Thân là người nắm rõ suy nghĩ của Càn Long hơn tất cả mọi người (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Hòa Thân là một đại tham quan, từng bị tố cáo nhiều lần. Càn Long dù không biết rõ sự tham nhũng của ông ta nhưng cũng không thể không có sự nghi ngờ. Vậy tại sao Càn Long lại cố tình bỏ qua?
Có một số quan điểm cho rằng, Càn Long muốn để cho Hòa Thân lấp đầy túi tham, đạt đến đỉnh cao quyền lực. Sau đó, để cho Gia Khánh trừng trị ông ta, như một “món quà” cho người kế vị.
Tuy nhiên, không có căn cứ lịch sử nào xác thực cho điều này. Mặt khác, Càn Long không có lý do để làm vậy. Bởi lẽ, tiền mà Hòa Thân tham ô được cũng chính là từ ngân khố của Càn Long. Hòa Thân cũng đã tiêu xài, sống xa xỉ không hề ít, Càn Long không khác gì tự đào hố chôn mình.
Mặt khác, nếu cứ để mặc cho Hòa Thân thâu tóm quyền lực, hoàng đế non trẻ Gia Khánh rất có thể bị lật đổ. Chưa kể, có rất nhiều chi tiết thể hiện vào những năm cuối đời, Càn Long vẫn thể hiện sự tín nhiệm tuyệt đối với Hòa Thân.
Nguyên nhân nào khiến Càn Long lại sủng ái Hòa Thân như vậy? Dựa vào các tài liệu lịch sử, có thể cho rằng, đó là do Hòa Thân đã phục vụ Càn Long rất tốt. Thanh sử chép: Trước mặt Càn Long, Hòa Thân không xưng thần mà chỉ xưng nô tài. Hoàng đế bị ho đờm, Hòa Thân dùng nịch khí (ống nhổ) đỡ lấy.
Từ chỉ cử của Càn Long, Hòa Thân còn có thể đoán được đề thi đưa ra (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Không chỉ hầu hạ hết sức cung kính, Hòa Thân còn rất thành công trong việc nắm được tâm lý của hoàng đế. Từ khi còn nhỏ, Hòa Thân đã ra sức sưu tầm thơ văn của Càn Long và nghiên cứu chúng. Nhờ đó, ông ta hiểu được thái độ và suy nghĩ của hoàng đế. Điều này đã giúp Hòa Thân từ một thị vệ tiểu tốt mà một bước lên mây.
Chỉ cần thấy qua cử chỉ của Càn Long, Hòa Thân cũng biết được hoàng đế đang nghĩ gì. Thậm chí, nhờ vậy mà Hòa Thân còn có lần đoán được cả đề thi do Càn Long đưa ra.
Câu chuyện này được thể hiện trong Toàn thư lịch sử Trung Quốc, hai người Ngô Tỉnh Khâm, Ngô Tỉnh Lan từng là thầy của Hòa Thân trong Hàm An cung. Tuy cả hai đều là những người giỏi giang, nhưng đi thi nhiều lần vẫn không đỗ.
Học trò của họ là Hòa Thân thì lại một bước làm đại quan. Ngô Tỉnh Khâm, Ngô Tỉnh Lan nghe nói năm đó Hòa Thân phụ trách thi hương ở phủ Thuận Thiên bèn lập tức xin thi ở Thuận Thiên phủ.
Hai người tìm tới Hòa Thân, vừa gặp mặt đã quỳ hai gối xuống nhận Hòa Thân là thầy. Ngô Tỉnh Khâm, Ngô Tỉnh Lan từ thầy, trong chốc lát đã là học trò của Hòa Thân.
Đề thi Hương năm đó do chính Càn Long ban ra. Càn Long khi ra đề xong thì giao cho thái giám ở bên cạnh dán kín, chuyển cho nội các. Hòa Thân đã đợi sẵn tên thái giám ở trong cung, ngăn lại mà hỏi. Thái giám nói hoàng thượng đã xem sách Luận Ngữ, đợi đến khi đọc gần hết thì cười rồi viết đề thi. Vốn tinh thông Luận ngữ, Hòa Thân đoán đề ra chắc chắn nằm trong chương “Khí Hê”.
“Hê” thực ra là tên gọi thời cổ của dấm. Luận Ngữ có chép: “Khổng Tử nói: ai bảo Vi sinh là người thoáng? Có người muốn một ít dấm, nhà mình không có, nhưng không nói là không có bèn sang nhà người khác xin rồi cho người ta”. Trong chữ “khí hê” lại bao gồm cả hai chữ “ất dậu”. Cuộc thi hương năm đó cũng chính vào năm Ất Dậu.
Hòa Thân vì vậy bảo anh em họ Ngô chỉ cần học kĩ chương Khí Hê trong Luận Ngữ thôi. Ngô Tỉnh Khâm, Ngô Tỉnh Lan cực kỳ vui mừng. Quả nhiên, đề thi ra đúng như dự liệu của Hòa Thân, cả hai người đều đỗ và được bổ làm quan ngay sau đó.
Hòa Thân luôn là người đứng ra lo liệu chi tiêu cho việc ăn chơi của Càn Long (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Không chỉ là người hầu hạ, biết cách chiều chuộng mọi nhu cầu của hoàng đế. Hòa Thân còn là người quản lý tài chính số một, là túi tiền của Càn Long. Thậm chí, ông ta còn sẵn sàng thay Càn Long chịu tiếng xấu.
Càn Long 6 lần đi tuần thú phương nam, đều do một tay Hòa Thân lo liệu, không tốn một đồng quốc khố. Điều này khiến cho Càn Long vô cùng thỏa mãn. Tuy nhiên, ở phía sau, Hòa Thân đã dùng quyền lực của mình, gâp áp lực đến những quan lại, đặc biệt là các thương nhân giàu có ở Giang Nam. Ép họ phải “tự nguyện” chi chả những khoản chi phí khổng lồ phục vụ việc đi lạ, vui chơi của hoàng đế.
Thanh sử chép: Ngày 12, tháng giêng, năm Càn Long 44 (năm 1780), hoàng đế chuẩn bị xuống Giang Nam lần thứ năm. Chỉ yêu cầu phủ nội vụ lo liệu những chi phí thường ngày, còn lại giao cho Hòa Thân.
Hòa Thân lệnh cho tổng đốc, tuần phủ các tỉnh, các thương nhân gấp rút tu bổ, xây dựng hành cung, vườn cảnh, khơi thông sông ngòi. Càn Long tới xem, thấy nơi nơi thuyền bè đậu kín mặt sông, liên tiếp mấy nghìn chiếc, tỏ ra vô cùng mừng rỡ.
Hòa Thân cũng chính là người đề xuất chế độ nộp bạc thay tội, khiến cho quan lại tha hồ tham nhũng mà không lo bị xử tử. Dân chúng oán ghét Hòa Thân dung túng cho quan tham. Thực chất, nguồn tiền thu được cũng một phần để thõa mãn sự tiêu xài của Càn Long.
Hòa Thân sẵn sàng chịu tiếng xấu thay cho Càn Long (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Năm Càn Long thứ 55 (1790), Càn Long chuẩn bị chúc thọ 80 tuổi. Càn Long lệnh cho tổ chức lễ chúc thọ phải thực hành đơn giản, tiết kiệm. Hòa Thân đương nhiên là người tổ chức sự kiện quan trọng này. Tác phẩm Hòa Thân đại thần tham nhũng viết:
Tuy hoàng đế ra lệnh tiết kiệm, nhưng quan viên lại tuân lệnh Hòa Thân thực hiện việc tiêu pha lớn. Đồ dùng sử dụng trong cung đều phải thay mới. Lầu gác, cung điện phải trang trí bằng vàng ngọc…Số tiền chi ra không biết bao nhiêu mà kể nhưng lại không dùng đến một xu công quỹ. Hòa Thân bắt các quan lại từ tam phẩm trở lên đều phải nộp tiền, lại có thêm 400 vạn lạng bạc của các thương nhân vùng Lưỡng Hoài nộp vào để chi tiêu.
Hòa Thân còn là người đứng ra tổ chức cho Càn Long bữa tiệc lẩu lớn nhất lịch sử Trung Quốc. Năm Gia Khánh thứ nhất, Hòa Thân thay hoàng đế tổ chức Thiên tẩu yến. Bao gồm 1.550 nồi lẩu, mời hơn 5.000 người, đều là những quan viên, người già trên 70 tuổi, được vào hoàng cung dùng bữa với hoàng đế. Điều này khiến cho Càn Long vô cùng vẻ vang, được khắp nơi ca tụng công đức.
Thiên tẩu yến xa hoa mà Hòa Thân tổ chức cho Càn Long (ảnh minh họa)
Càn Long muốn ăn chơi xa xỉ, nhưng lại không muốn mang tiếng xấu. Ngoài Hòa Thân ra, không ai có thể giúp ông ta làm điều đó. Vì thế, Càn Long không thể nào thiếu được Hòa Thân.
Cũng có quan điểm cho rằng, sở dĩ Càn Long sủng ái Hòa Thân như vậy, là bởi vì dưới thời ông trị vì, nhân tài trong triều đình quá nhiều. Để tránh việc bị các đại thần quyền cao chức trọng lấn át, Càn Long sử dụng Hòa Thân như một con bài chính trị, làm đối trọng và cân bằng quyền lực với phe của các lão thần trong triều, để hai bên kiểm soát lẫn nhau. Dĩ nhiên, ông biết Hòa Thân có nhiều điểm xấu, nhưng có lẽ ông chấp nhận điều đó chừng nào nó chưa ảnh hưởng đến quyền lực tối cao của mình.
_____________
Nhắc tới Hòa Thân thì không thể không nói tới Lưu Dung - địch thủ lớn nhất của Hòa Thân. Giữa hai người đã có những cuộc đối đầu gay gắt nhưng cũng không kém phần thú vị, hài hước. Mời bạn đón đọc trong bài kỳ tới, xuất bản sáng 02/10/2019.
Vị vua này sống thọ nhất, cai trị lâu nhất và đa tình nhất lịch sử Trung Quốc.