Vì sao ca ghép đầu người đầu tiên diễn ra ở Trung Quốc?
Dù kỹ thuật ghép đầu người có thành công hay không, công nghệ từng chỉ có trong phim viễn tưởng này đã và đang được thử nghiệm ở Trung Quốc.
Bác sĩ người Italia Sergio Canavero là người đi đầu trong kỹ thuật ghép đầu người.
Theo Newsweek, bác sĩ người Italia Sergio Canavero tuần trước công bố thông tin chấn động, khi lần đầu tiên thử nghiệm thành công ca ghép đầu người trên xác chết.
Giới khoa học sau đó đã bày tỏ hoài nghi và thất vọng khi bác sĩ Canavero và các cộng sự người Trung Quốc không tiết lộ chi tiết về lần đầu tiên ghép đầu người.
Bác sĩ Canavero còn tự tin tuyên bố ca ghép đầu tiên trên người sống sẽ diễn ra trong vài tuần tới, nhiều khả năng là vào tháng 12.
Nhà thần kinh học Karen S. Rommelfanger, trợ lý giáo sư tại trường Y khoa Emory, Mỹ, đề cập đến hai vấn đề khác mà mọi người không nhắc đến. Đó là vì sao ca ghép đầu trên người sẽ diễn ra ở Trung Quốc và vì sao lại vào thời điểm này?
Thứ nhất, trung tâm nghiên cứu của bác sĩ Canavero đặt tại Italia, nhưng việc nghiên cứu bị cấm ở đây, nên ông Canavero phải tìm đến nơi khác và nguồn tài trợ cho dự án ghép đầu người.
Địa điểm lý tưởng mà bác sĩ người Italia tìm được là Trung Quốc, nơi có một nhóm nhà nghiên cứu do chuyên gia Xiaoping Ren dẫn đầu, cũng rất muốn thử nghiệm ghép đầu người.
Ông Rommelfanger phỏng đoán chính phủ Trung Quốc ngầm ủng hộ dự án này vì nếu thành công, ca ghép đầu người sống đầu tiên sẽ gây tiếng vang trên khắp thế giới, chứng minh bước tiến vượt trội trong công nghệ y học Trung Quốc.
Ghép đầu người nếu thành công sẽ đặt ra nhiều thách thức vì vấn nạn buôn bán nội tạng trái phép.
Một vấn đề khác là quan điểm khác nhau về cái chết ở Mỹ và Trung Quốc. Ở Mỹ, người chết phải là người ngừng hoạt động sống trên cả não bộ, chứ không chỉ là các bộ phận trên cơ thể. Trung Quốc hiện chưa áp dụng quy chuẩn này.
Theo nhà thần kinh học Rommelfanger, Trung Quốc hiện nay được coi là một trong những quốc gia cung cấp nguồn hiến tạng lớn nhất trên thế giới. Những người hiến tạng ở Trung Quốc không cần phải biết rõ thân xác họ sẽ được sử dụng vào mục đích gì. Đó có thể là lợi thế của bác sĩ Canavero và cộng sự.
Cuối cùng, ông Rommelfanger đặt câu hỏi liệu bác sĩ Canavero sẽ kiếm lợi nhuận từ đâu khi đặt cược vào kỹ thuật ghép đầu người ở Trung Quốc. Lượng khách hàng đến với loại hình dịch vụ này sẽ rất hạn chế, có thể chỉ nhằm vào những người đặc biệt giàu có.
Ngoài ra, kỹ thuật ghép đầu người cũng đặt ra thách thức về vấn đề đạo đức. Đầu người ghép vào thân xác mới sẽ được xác định danh tính như thế nào? Khi mọi đặc điểm nhận dạng sinh học đều đến từ cơ thể của người chết não hiến tặng.
Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), Ông Canavero cùng các cộng sự người Trung Quốc sẽ sớm công bố chi tiết thí nghiệm ghép đầu trên tạp chí y khoa và tiết lộ thời điểm thử nghiệm trên người sống.
Bác sĩ Ren Xiaoping đến từ Đại học Y khoa Harbin bảo vệ kế hoạch ghép đầu người sống từ một người đã chết não.
“Xã hội đang ngày càng cởi mở và nhiệm vụ của chúng tôi là giải quyết các vấn đề khoa học, công nghệ trong lĩnh vực y học. Ghép đầu người là giải pháp cho tất cả các căn bệnh vốn được coi là không thể chữa được”.
Bác sĩ người Italia tuyên bố lần đầu tiên ghép đầu người thành công trên xác chết, và sắp thử nghiệm trên người...