Vì sao Ấn Độ bằng mọi giá giữ thung lũng nơi xảy ra đụng độ với binh sĩ TQ?
Chỉ dài khoảng 3 km nhưng thung lũng Galwan, vùng Ladakh – nơi binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ đụng độ đêm 15.6 – lại có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng mà bên nào cũng muốn sở hữu.
Binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc chạm mặt ở thung lũng Galwan (ảnh: India Today)
“Thung lũng Galwan thuộc quản lý của Trung Quốc ở Đường kiểm soát thực tế (LAC)”, Triệu Lập Kiên – phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc – tuyên bố hôm 20.6.
Trước đó, Bộ Tư lệnh Chiến khu phía Tây của Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ thung lũng Galwan.
Đêm 15.6, 20 binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng trong vụ đụng độ quyết liệt với quân đội Trung Quốc ở thung lũng Galwan. Nguyên nhân từ phía Ấn Độ đưa ra là quân đội Trung Quốc đã dựng trạm quan sát ở điểm tuần tra số 14, thung lũng Galwan và không chịu dời đi khi được yêu cầu.
Vì sao cả Ấn Độ và Trung Quốc đều muốn sở hữu thung lũng Galwan? Câu trả lời nằm ở sự phức tạp khi triển khai chiến tranh vùng cao nguyên. Địa hình vùng núi gây khó khăn cho việc điều động, tiến hành mọi hoạt động quân sự.
Tính cơ động, linh hoạt khi tác chiến quân sự luôn là một trong những yếu tố hàng đầu để chiến thắng một trận đánh, đặc biệt là ở vùng đồi núi hiểm trở với nhiều sườn dốc, khe sâu.
Chính vì vậy, chiếm giữ địa hình một thung lũng được xem là ưu tiên chiến lược. Trong chiến tranh ở khu vực đồi núi phức tạp như biên giới Trung - Ấn, thung lũng đóng vai trò là tuyến đường hậu cần và điều động binh sĩ, phương tiện, vũ khí vô cùng quan trọng.
Thậm chí, xe tăng, pháo tự hành, xe bọc thép cũng có thể xuất hiện ở vùng núi cao biên giới thông qua thung lũng Galwan.
Binh sĩ Ấn Độ ở biên giới (ảnh: India Today)
Cẩm nang tác chiến của quân đội Mỹ đánh giá thung lũng là địa hình thuận lợi nhất trong chiến tranh vùng đồi núi. Địa hình thung lũng cho phép các lực lượng hạng nặng dễ dàng di chuyển.
Vinaya Chandran – thiếu tướng Ấn Độ đã về hưu – nhận xét, nếu giành quyền kiểm soát hoàn toàn thung lũng Galwan, quân đội Trung Quốc có thể cắt đứt hầu hết những đường vận tải của lực lượng Ấn Độ ở khu vực biên giới.
Nhiều chuyên gia quân sự cũng nhận định, nếu chiến tranh biên giới Trung - Ấn bùng nổ, thung lũng Galwan là tuyến đường quan trọng nhất giúp quân đội Ấn Độ tấn công và tiến sâu vào lãnh thổ Trung Quốc.
Quân đội Ấn Độ hôm 19.6 khẳng định, tất cả hành động của họ luôn giới hạn ở phía bên này đường LAC và yêu cầu Trung Quốc cũng nghiêm túc thực hiện như vậy.
Ở khu vực Ladakh, quân đội Ấn Độ luôn duy trì lực lượng bộ binh hùng hậu với xe tăng, pháo hạng nặng, chiến đấu cơ và trực thăng quân sự.
Tuy nhiên, quân đội Ấn Độ cho biết, họ ưu tiên dùng phương pháp ngoại giao để đẩy lùi binh sĩ Trung Quốc khỏi thung lũng Galwan.
Sau vụ đụng độ đêm 15.6, 10 binh sĩ Ấn Độ đã bị quân đội Trung Quốc giữ lại và được trả về sau đó.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đường bộ Ấn Độ Vijay Kumar Singh tuyên bố, nước này cũng vừa có hành động tương tự khi thả nhiều binh sĩ Trung Quốc bị bắt giữ trong vụ đụng độ.
Nguồn: [Link nguồn]
Đêm 15.6, tại thung lũng Galwan, vùng Ladakh, đại tá quân đội Ấn Độ Santosh Babu đã dẫn dắt những người lính của mình...