Vì sao 8 quân nhân Mỹ chết đuối trong xe bọc thép đổ bộ chìm dưới biển?
Trang bị cồng kềnh, quá trình thoát hiểm phức tạp có thể là nguyên nhân 8 trong số 16 quân nhân Mỹ không kịp thoát khỏi chiếc xe bọc thép đổ bộ chìm dưới biển.
Thủy quân lục chiến Mỹ từng có kế hoạch thay thế các xe bọc thép đổ bộ nhưng phải tạm gác lại.
Thủy quân lục chiến Mỹ gần đây đã công bố danh tính 8 quân nhân mắc kẹt trong xe bọc thép đổ bộ chìm cuộc huấn luyện ở bờ biển phía nam bang California. 7 lính thủy đánh bộ và 1 thủy thủ được xem như đã chết vì nỗ lực tìm kiếm bất thành.
Theo kết quả điều tra sơ bộ, chiếc AAV gặp sự cố khi đang trở về tàu vận tải đổ bộ USS Somerset sau khi hoàn thành bài huấn luyện tập kích trên đảo San Clemente gần đó. Tổ lái thông báo nước tràn vào khoang và xe bọc thép nhanh chóng chìm dưới biển, trong khi chỉ 8 người kịp thoát ra ngoài.
Tagen Schmidt, một cựu binh Mỹ từng tham gia huấn luyện với xe bọc thép đổ bộ, nhận định trên tờ Marine Times: “16 người chưa phải là giới hạn tối đa của xe AAV. Binh sĩ và trang bị chiến đấu của họ chiếm nhiều diện tích và không gian trong xe lúc đó sẽ rất chật chội”.
“Xe bọc thép nặng 26 tấn chìm rất nhanh”, Jacob Aronen, hạ sĩ từng phục vụ trong Tiểu đoàn tấn công đổ bộ số 3 thủy quân lục chiến Mỹ, nói.
Theo Aronen, cách duy nhất để thoát ra khỏi một chiếc AAV đang chìm là thông qua cửa nóc. Aronen nói cửa nóc nhiều khi đóng quá chặt, phải dùng búa đập mới ra.
Cửa nóc cũng rất nặng, đòi hỏi hai lính thủy đánh bộ cùng đẩy mở, theo Aronen.
"Nếu binh sĩ không thể mở cửa nóc trước khi chiếc AAV chìm sâu quá một mét, việc mở cửa sẽ gần như bất khả thi", Schmidt nói.
“Ngay cả khi mở được cửa nóc, toàn bộ 16 người thoát khỏi chiếc AAV là rất khó, nên sẽ có những người bị kẹt lại”, Aaron giải thích lý do vì sao chỉ có 8 lính thủy đánh bộ kịp thoát ra ngoài.
Một phương án thoát hiểm khác là qua cửa sau, vốn dùng khi tác chiến đổ bộ trên bãi biển, hoặc qua cửa thoát của trưởng xe, lái xe hoặc tháp pháo.
"Các đường thoát hiểm khác đều rất chật chội, nhất là với những lính thủy đánh bộ mang đầy đủ trang bị chiến đấu", Aronen nói.
Xe bọc thép đổ bộ được thủy quân lục chiến Mỹ đưa vào sử dụng từ năm 1972. Phương tiện này đưa binh sĩ từ tàu chiến đổ bộ vào bờ biển.
Mỗi chiếc AAV có thể chở tối đa 24 người, gồm 3 thành viên tổ lái và 21 binh sĩ. Xe được bọc giáp dày 45 mm, tháp pháo trang bị súng phóng lựu tự động Mark 19 cỡ nòng 40mm và súng máy M2HB cỡ nòng 12,7mm.
Theo trang Task And Purpose của Mỹ, năm 2011, thủy quân lục chiến Mỹ từng có kế hoạch thay thế toàn bộ các xe bọc thép đổ bộ bằng phương tiện mới di chuyển nhanh hơn và an toàn hơn.
Tuy nhiên, dự án bị hủy bỏ vì quân đội Mỹ muốn dành ngân sách quốc phòng cho những dự án khác cấp thiết hơn.
Nguồn: [Link nguồn]
Hải quân Mỹ đã xác định được vị trí của chiếc xe bọc thép chìm cùng 8 quân nhân ở ngoài khơi bờ biển Nam California...