Vì sao 600 năm qua mái cung điện trong Tử Cấm Thành không xuất hiện phân chim, cỏ dại?
Tử Cấm Thành, hay Cố Cung, ở Bắc Kinh (Trung Quốc) là cung điện hoàng gia lớn nhất thế giới trải qua 2 triều đại nhà Minh và nhà Thanh. Được xây dựng từ năm 1406, đến nay cung điện rộng 720.000m2 với 800 cung điện lớn nhỏ vẫn giữ được vẻ đẹp tráng lệ, trường tồn với thời gian.
Có nhiều giai thoại khác nhau về Tử Cấm Thành, một trong số đó là câu chuyện mái của các căn phòng, cung điện luôn sạch bóng, không hề xuất hiện phân chim hay cỏ dại dù nơi này “dãi nắng dầm mưa” suốt hơn 600 năm qua. Bí mật nằm ở cách thiết kế và lựa chọn ngói lợp mái.
Cụ thể, nóc cung điện trong Tử Cấm Thành được lợp bằng ngói lưu ly liền mảnh không kẽ hở. Được biết, ngói lưu ly dùng nguyên liệu có nhiều thành phần khoáng sạch, trải qua các quá trình sàng lọc, nghiền nát, ép tạo hình và nung trong lò nhiệt độ cao mới tạo thành nên có rất nhiều ưu điểm.
Độ mịn và trơn láng cao của ngói lưu ly khiến chim không thể đậu trên mái. Ngói lưu ly cũng có màu vàng tươi sáng rực rỡ, độ bền cao và khó phai mờ theo thời gian. Trong khi đó, loài chim không thích màu sắc quá bắt mắt này.
Khi mặt trời lên cao, ngói lưu ly càng tỏa sáng chói mắt, khiến loài chim bị giảm khả năng quan sát, cảm thấy khó chịu nên sẽ không sà xuống mái nhà, đặc biệt là vào thời điểm giữa trưa.
Nóc cung điện trong Tử Cấm Thành được lợp bằng ngói lưu ly có màu vàng tươi sáng, khó phai mờ theo thời gian. Ảnh: Sohu
Tại Trung Quốc, có một kiểu kiến trúc được gọi là “Oanh bất lạc tưởng đỉnh”, có nghĩa chim không thể đậu trên đỉnh. Lối thiết kế này chủ yếu tập trung vào độ dốc, độ rộng của mỗi viên gạch đề lớn hơn khoảng cách giữa các ngón chân của tất cả các loài chim, khiến chúng không thể đậu quá lâu hoặc làm tổ.
Mái ngói trên cung điện trong Tử Cấm Thành có độ dốc lớn, kết hợp với độ trơn mịn của ngói lưu ly, khiến chim gần như không thể đứng vững khi đậu lên. Nhờ tính trơn mượt và chất liệu đặc biệt, phân chim rơi xuống mái ngói cũng không thể bám dính quá chặt mà nhanh chóng khô đi dưới nắng hoặc bị nước mưa rửa trôi.
Tương tự, nếu một hạt giống rơi xuống mái cung điện thì nó sẽ lăn xuống rất nhanh theo độ dốc của mái hoặc mưa lớn cuốn trôi, không có cơ hội mọc và phát triển thành cây.
Để hạn chế việc chim chóc đậu và thải phân, người Trung Quốc xưa còn sử dụng một loại sơn phủ đặc biệt trên bề mặt ngói lưu ly. Các loài chim rất ghét mùi này nên đa phần không đậu lên mái ngói trong Tử Cấm Thành.
Ngoài những lý do trên, việc dọn dẹp thường xuyên cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giữ cho mái cung điện trong Tử Cấm Thành luôn sạch sẽ.
Phần mái của cung điện trong Tử Cấm Thành có độ dốc lớn. Ảnh: Sohu
Ở thời phong kiến, trong cung thường có một bộ phận riêng chịu trách nhiệm xây dựng, sửa chữa cung điện. Bộ phận này tập hợp những thợ thủ công lành nghề được tuyển chọn từ khắp nơi trên cả nước.
Nhóm thợ sẽ tu bổ lại Tử Cấm Thành 3 năm/lần, sau 5 năm sẽ thay lại mái hiên, xà nhà ở các công trình lớn. Ngoài ra, họ phải thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh lại các cung điện, khu vực trong hoàng cung.
Ngày nay, các nhân viên của bảo tàng Cố Cung vẫn thường xuyên vệ sinh lại phần mái của các cung điện, công trình. Vậy nên, mái nhà của các cung điện trong Tử Cấm Thành luôn sạch đẹp.
Tử Cấm Thành là địa điểm du lịch nổi tiếng thế giới khiến nhiều người tò mò về những điều kỳ bí, trong số này có việc những đàn quạ thường bay tới nơi đây làm...
Nguồn: [Link nguồn]