Vị quân sư Thục Hán tài danh khiến Gia Cát Lượng lép vế
Vị quân sư tài ba, được Lưu Bị hết sức tin tưởng và là người tạo tiền đề, hình thành nên “thế chân” vạc thời Tam quốc trên thực tế không phải là Gia Cát Lượng.
Lưu Bị tin dùng Pháp Chính (trái) hơn Gia Cát Lượng?
Theo trang mạng Timetw.com (Trung Quốc), Gia Cát Lượng trong Tam quốc diễn nghĩa được phác họa là vị quân sư kiệt xuất, chiến lược gia tài ba. Thừa tướng Gia Cát Lượng đã lãnh đạo nhà Thục Hán vượt qua nhiều khó khăn, lập công trạng và thưởng phạt công minh.
Tuy nhiên, thời điểm trước khi Lưu Bị qua đời, Gia Cát Lượng không phải là trợ thủ đắc lực và được Lưu Bị tin tưởng nhất.
“Đệ nhất quân sư” của Lưu Bị
Pháp Chính (176 - 220), tự Hiếu Trực, người huyện Mi, tỉnh Thiểm Tây ngày nay. Ông là một trong những mưu sĩ hàng đầu của Lưu Bị thời Tam Quốc.
Pháp Chính ban đầu là thuộc hạ của Lưu Chương - chư hầu cuối thời Đông Hán, người kiểm soát khu vực Ích Châu.
Tuy nhiên, Chương không phải người biết trọng dụng nhân tài, cho nên rất lâu sau Pháp Chính mới được giao cho chức Huyện lệnh Tân Đô, sau đó được phong làm Quân nghị hiệu úy.
Pháp Chính có tài mà không gặp thời, lại thường xuyên bị người Thục ghẻ lạnh vì xuất thân từ nơi khác, nên thường tỏ ra buồn khổ.
Trương Tùng khi đó giữ chức Biệt giá ở Ích Châu, là bằng hữu của Pháp Chính, cũng cảm thấy Lưu Chương không phải nhân vật có thể làm chuyện đại sự.
Năm 208, Trương Tùng đi sứ Tào Tháo, trở về khuyên Lưu Chương đoạn tuyệt với Tào, quay sang giao hảo với Lưu Bị. Mùa đông năm đó, liên minh Lưu Bị-Tôn Quyền đại thắng Tào Tháo trong trận Xích Bích.
Pháp Chính xứng danh "đệ nhất quân sư" của Lưu Bị?
Lưu Chương hết sức tin tưởng và cử Trương Tùng đi sứ sang gặp Lưu Bị. Trương Tùng nhân cơ hội này, tiến cử Pháp Chính cho Bị.
Pháp Chính ban đầu lưỡng lự nhưng khi gặp Lưu Bị thì nhận ra đây mới là chúa công anh minh để mình phò tá.
Trở về, Pháp Chính âm thầm mưu tính cùng Trương Tùng, mang Ích Châu dâng cho Lưu Bị. Pháp Chính là người khuyên Lưu Chương không nên chủ trương cho quân cố thủ trong thành, tạo cơ hội để Lưu Bị dễ dàng chiếm được Ích Châu.
Trong chiến lược của Gia Cát Lượng, Kinh Châu và Ích Châu là hai vị trí quan trọng mà Lưu Bị cần phải kiểm soát nếu muốn đoạt thiên hạ.
Nhờ Pháp Chính, Lưu Bị nhanh chóng bình định Ích Châu, xây dựng mối quan hệ với giới nhà giàu địa phương. Pháp Chính được phong làm Thái thú Thục quân, Dương Vũ tướng quân, trở thành đại thần bên cạnh Lưu Bị.
Sau đó, Lưu Bị lại lệnh Pháp Chính cùng Gia Cát Lượng, Lưu Ba, Lý Nghiêm, Y Tịch biên soạn bộ pháp luật cai trị Ích Châu, thay đổi tình trạng lỏng lẻo dưới thời Lưu Chương.
Pháp Chính sau khi nắm quyền lớn không quên báo đáp những người giúp mình nhưng cũng gây tranh cãi khi triệt hạ những người có mâu thuẫn trong quá khứ. Đây là điểm mà sử gia Trần Thọ nhận định, Pháp Chính có “phẩm đức không vẹn toàn”.
Gia Cát Lượng biết chuyện nhưng cũng bỏ qua, không nói với Lưu Bị. Khổng Minh hiểu rằng, chiếm được Tây Xuyên có công lớn của Pháp Chính. Hơn nữa, Pháp Chính là người được Lưu Bị tin tưởng tuyệt đối, Gia Cát Lượng khó có thể can thiệp.
Giúp Lưu Bị đoạt Hán Trung
Năm 217, Pháp Chính hiến kế để Lưu Bị đoạt Hán Trung, sau khi nhận thấy Tào Tháo không có ý muốn tiến sâu hơn đánh Ích Châu. Nghe lời Pháp Chính, Lưu Bị đích thân dẫn quân đánh Hán Trung.
Tướng Ngụy Hạ Hầu Uyên thất thủ trước Lưu Bị trong trận chiến ở Hán Trung.
Pháp Chính dùng kế “giương đông kích tây”, giúp Lưu Bị phân tán lực lượng Tào Ngụy cố thủ ở Hán Trung, do tướng Ngụy Hạ Hầu Uyên chỉ huy. Cho đến khi binh lực của Hạ Hầu Uyên suy giảm vì phải phòng thủ cùng lúc trên nhiều mặt trận, Pháp Chính ra dấu hiệu cho Lưu Bị tổng lực tấn công Hạ Hầu Uyên.
Tướng Ngụy cuối cùng chết trận dưới tay lão tướng Hoàng Trung bên phía quân Thục. Thắng lợi là tiền đề để Lưu Bị mở rộng quyền kiểm soát Hán Trung. Sau này, Tào Ngụy nhiều lần muốn tái chiếm nhưng Lưu Bị đều chọn cách an toàn, không giao chiến.
Nghe tin Pháp Chính là người hiến kế cho Lưu Bị, Tào Tháo đã phải thốt lên: "Ta đã biết Huyền Đức (Lưu Bị) không có khả năng thực hiện việc này, tất phải có người bày mưu".
Nhiều người có quan niệm rằng chiến thắng trong trận Xích Bích nhờ công Gia Cát Lượng là tiền đề để tạo nên thế chân vạc với Đông Ngô và Tào Ngụy sau này. Nhưng theo các học giả Trung Quốc, Pháp Chính mới là nhân tố trực tiếp giúp tạo nên cục diện “tam phân thiên hạ”, nhờ lời hiến kế để Lưu Bị đoạt Hán Trung.
Pháp Chính còn là người được Lưu Bị hết mực tin tưởng. Trong một chiến dịch chống Tào Ngụy, tình thế quân Thục bất lợi đến mức cần phải lui binh, nhưng Lưu Bị kiên quyết không nghe.
Đến khi Pháp Chính lao lên, như muốn bị trúng tên đối phương, Lưu Bị mới hốt hoảng can ngăn và đồng ý thu quân.
Pháp Chính sớm qua đời vì trọng bệnh vào năm 220, khi mới 45 tuổi. Cái chết của “đệ nhất quân sư Thục Hán” khiến cho Lưu Bị than khóc nhiều ngày.
Sau khi mất, Pháp Chính được Lưu Bị phong làm Dực Hầu. Ông là vị đại thần duy nhất được truy phong thụy hiệu dưới thời Lưu Bị.
Pháp Chính vượt tài Gia Cát Lượng?
Gia Cát Lượng trong bộ phim Tân Tam quốc diễn nghĩa.
Theo các học giả Trung Quốc, Pháp Chính lớn hơn 4 tuổi so với Khổng Minh, mặc dù tính cách của hai người có những khác biệt, nhưng có điểm chung là "lấy việc công làm trọng". Do đó, Gia Cát Lượng luôn chủ động né tránh trong những vấn đề có thể gây xung đột với Pháp Chính.
Gia Cát Lượng “yên vị” với công tác hậu cần, còn Pháp Chính mới là nhà quân sư, theo Lưu Bị chinh phạt.
Sau cái chết của Quan Vũ, Lưu Bị quyết tâm khởi binh tấn công Đông Ngô, đi ngược lại với chiến lược mà Gia Cát Lượng đề ra. Năm 222, trận Di Lăng kết thúc với thảm bại của quân Thục. Lưu bị rút quân về thành Bạch Đế và qua đời không lâu sau đó.
Gia Cát Lượng hết sức đau khổ và nói: “Nếu Pháp Hiếu Trực còn, ắt có thể can gián chủ công, cho dù đông chinh cũng không thể thất bại”.
Một số học giả Trung Quốc nhận định, Pháp Chính, Bàng Thống được đánh giá cao hơn Gia Cát Lượng khi Lưu Bị còn sống, vì bọn họ xuất hiện nhiều hơn trong lĩnh vực quân sự, lập được nhiều chiến công.
Sau khi Bàng Thống, Pháp Chính và Lưu Bị lần lượt qua đời, Gia Cát Lượng mới nổi lên trở thành một trong những nhân vật nắm quyền lực nhất nhà Thục Hán.
10 năm quản lý Thục Hán sau đó, Gia Cát Lượng 6 lần mở chiến dịch Bắc phạt, quyết diệt Tào Ngụy. Ông qua đời trong lần thứ 6 xuất quân, khi sự nghiệp thống nhất Trung Quốc vẫn còn dang dở.