Vị hoàng đế Trung Hoa “bỏ trốn” trong hoàng cung, hơn 20 năm không thiết triều
Trong giai đoạn cuối của triều đại nhà Minh, có một hoàng đế trị vì lâu nhất nhưng cũng mang tiếng xấu nhất vì bỏ bê triều chính, gián tiếp khiến triều đại suy yếu, cuối cùng toàn bộ cơ nghiệp bị người Nữ Chân ở phương bắc thôn tính.
Hoang đế Trung Hoa Vạn Lịch không phải là người không có tài, nhưng bế tắc trước sự kìm kẹp của các đại thần và mẫu hậu. Ảnh minh họa.
Trong số các hoàng đế nổi tiếng nhất Trung Hoa, có những người lưu danh thiên cổ nhờ đóng góp quan trọng, có những người lại luôn được nhắc đến vì những tiếng xấu và cách hành xử khác thường. Mời độc giả cùng "gặp" một số vị hoàng đế như vậy trong loạt bài này. |
Minh Thần Tông, tên thật là Chu Dực Quân hay còn gọi là Vạn Lịch đế, là hoàng đế thứ 14 của nhà Minh. Với 48 năm ngồi trên ngai vàng, Minh Thần Tông là hoàng đế có thời gian cầm quyền lâu nhất trong triều đại nhà Minh nhưng cũng được coi là "hoàng đế lười biếng nhất" vì hơn 20 năm không thiết triều.
Minh Thần Tông lên ngôi năm 10 tuổi. Trong 10 năm đầu tiên, quyền hành đều nằm trong tay thái sư Trương Cư Chính.
Theo sử sách Trung Quốc, 10 năm này là giai đoạn hưng thịnh trong triều đại Vạn Lịch, sánh ngang với thời Minh Thành Tổ Chu Đệ - người từng ra lệnh xây dựng Tử Cấm Thành. Năm 1582, Trương Cư Chính lâm bệnh qua đời. Vạn Lịch từ đó mới nắm thực quyền.
Theo trang mạng Trung Quốc 163.com, có ý kiến cho rằng Vạn Lịch là người nhu nhược, hưởng lợi từ giai đoạn hưng thịnh mà thái sư để lại, sau này "bỏ trốn" không lên thiết triều, khiến mối đe dọa từ phương bắc không ngừng mạnh lên.
Cũng có ý kiến cho rằng, Vạn Lịch thất vọng với hệ thống phong kiến ngày càng mục nát thời bấy giờ mà bất lực không thể thay đổi, nên gần nửa đời sau chỉ an dưỡng ở hậu cung.
Vì sao một hoàng đế Trung Hoa nắm quyền lực tuyệt đối lại bỏ bê triều chính? Vạn Lịch rút cuộc được người đời sau coi là "hôn quân" hay "minh quân"?
Theo 163.com, Vạn Lịch lên ngôi năm 10 tuổi, kết hôn năm 15 tuổi. Giai đoạn này bị thái sư Trương Cư Chính nghiêm khắc dạy dỗ, không dám ngỗ nghịch mà chỉ biết nghe lời.
Một ngày nọ, Vạn Lịch ở trong cung cùng mấy cung nữ chơi đùa, Trương Cư Chính sau khi biết liền nổi trận lôi đình đem việc này báo cho thái hậu, thiếu chút nữa khiến thái hậu hạ chỉ phế ngôi hoàng đế. Từ đó về sau Vạn Lịch làm việc tuân theo lời dạy của Trương Cư Chính, không dám tùy ý làm bậy nữa.
Hoàng đế Vạn Lịch là người luôn nể sợ mẫu hậu, trước mặt mẫu hậu chỉ biết tuân theo phép tắc. Ảnh minh họa.
Là người có năng lực, thái sư Trương Cư Chính đã tạo ra giai đoạn "Vạn Lịch hưng thịnh", nhưng cũng khiến các phe phái khác trong triều đình quyết tâm hạ bệ.
Sau khi Trương Cư Chính lâm bệnh mà qua đời, một nhóm các đại thần đối nghịch liền dâng tấu kể tội, gây sức ép với hoàng đế để hạ bệ phe của Trương Cư Chính.
Theo 163.com, Vạn Lịch bất luận như thế nào cũng không muốn tin vào những lời kể tội này, nhưng do sức ép của các đại thần mà đành nghe theo, từng bước xóa bỏ hết những cải cách của Trương Cư Chính.
Nguyên nhân sự nhún nhường của hoàng đế là vì Vạn Lịch bị ảnh hưởng bởi một giai đoạn bị áp đặt dạy dỗ, không dám mạnh tay trấn áp quan lại, báo Trung Quốc nhận định.
Thực tế là Vạn Lịch cũng chứng minh rằng mình là hoàng đế có năng lực. Trong 18 năm chấp chính, Vạn Lịch ngăn chặn thành công quân Mông Cổ, đập tan ý đồ xâm lược Trung Quốc của lãnh chúa Nhật Bản Totoyomi Hideyoshi và trấn áp cuộc nổi loạn của Dương Ứng Long.
Nhưng những thành tựu này không làm giảm đi mâu thuẫn giữa hoàng đế và các đại thần. Điển hình là mâu thuẫn khi chọn người nối ngôi.
Vạn Lịch có sủng phi là Hoàng quý phi Trịnh thị, sinh ra được hoàng tử thứ 3 là Chu Thường Tuân. Vạn Lịch rất muốn lập người con này làm thái tử, nhưng bị sự phản đối kịch liệt của các đại thần, những người mang tư tưởng Nho gia, cho rằng hoàng đế chỉ có thể phong thái tử cho con trưởng, không lập con thứ.
Trong 20 năm cuối đời, Vạn Lịch phản ứng bằng cách không xem tấu chương, không lên thiết triều. Có một số chức vụ bị bỏ trống lâu, các quan lại thỉnh cầu hoàng đế phê chuẩn bổ nhiệm nhưng những tấu chương này đều không được phê duyệt, dẫn đến những lỗ hổng trong bộ máy cầm quyền.
Các quan lại dưới quyền lại thấy vắng bóng hoàng đế, thỏa sức vơ vét của cải, nạn tham nhũng xảy ra tràn lan, khiến bất ổn xã hội lan rộng. Lòng dân ngày càng oán trách, dẫn đến nổi loạn.
Bộ máy chính quyền thời nhà Minh ở Trung Hoa có giai đoạn vận hành trong hơn 20 năm mà hoàng đế không thiết triều, không duyệt tấu chương.
Cũng phải lưu ý rằng, mẫu thân của Vạn Lịch, Hiếu Định thái hậu là người sống thọ. Thái hậu qua đời năm 1614 ở tuổi 73, còn Vạn Lịch qua đời vào năm 1620. Nghĩa là trong gần như toàn bộ cuộc đời, hoàng đế luôn chịu ảnh hưởng từ mẹ, không thể đưa ra những cải cách mạnh mẽ.
Theo sử sách Trung Quốc, thái hậu có ảnh hưởng rất lớn đến Vạn Lịch. Hoàng đế đối với bà vừa nể sợ, vừa phải tuân theo phép tắc.
Năm 1616, trong giai đoạn hoàng đế Vạn Lịch "lười biếng" không thiết triều, nhà hậu Kim của người Nữ Chân đã tiêu diệt nhà Bắc Nguyên của người Mông Cổ. Vua nhà hậu Kim là Nỗ Nhĩ Cáp Xích nhận thấy nhà Minh suy yếu liềnlên kế hoạch chinh phạt.
Theo trạng 163.com, trong khoảng 20 năm triều đình nhà Minh tê liệt vì hoàng đế không thiết triều, quân đội không còn duy trì sự mạnh mẽ và kỷ luật, không phải là đối thủ của người Nữ Chân dũng mãnh.
Các sử gia Trung Quốc coi năm 1618 dưới thời Vạn Lịch là giai đoạn nhà hậu kim của người Nữ Chân bắt đầu mở chiến dịch xâm lược Trung Hoa, đánh dấu sự sụp đổ của nhà Minh.
Năm 1619, 20 vạn quân Minh đối đầu với 6 vạn quân của Nỗ Nhĩ Cáp Xích với kết quả thất bại nặng nề. Quân Minh tổn thất tới 10 vạn người.Một năm sau, Vạn Lịch qua đời ở tuổi 58. Hậu duệ của hoàng đế sau này hầu hết đều bị người Nữ Chân tàn sát.
Theo 163.com, có thể nói rằng cuộc đời hoàng đế Vạn Lịch là những bi kịch nối tiếp nhau. Từ việc bị mẹ áp đặt, buộc phải ngoan ngoãn nghe lời thái sư Trương Cư Chính, cho đến khi nắm quyền lại chịu sự chèn ép của các đại thần trong triều.
Vạn Lịch từ nhỏ được dạy cách nghe lời, hình thành tính cách ôn hòa, không có thủ đoạn tàn nhẫn như các thế hệ tổ tiên để vượt qua những rào cản.
Kết quả là Vạn Lịch phản kháng bằng cách hơn 20 năm không thiết triều, không duyệt tấu chương, tạo nên tiếng xấu "hoàng đế lười biếng nhất lịch sử Trung Hoa" như ngày nay.
_____________________
Con đường tơ lụa nổi tiếng xuất hiện từ thời hoàng đế nào ở Trung Hoa và hoàng đế này đã làm gì để con đường tơ lụa tồn tại tới hơn 1.000 năm sau? Mời độc giả đón đọc bài kỳ 2 xuất bản sáng sớm 30/4/2024.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong lịch sử phong kiến Trung Hoa, chuyện hoàng đế lạnh nhạt với hoàng hậu, sủng ái phi tần là điều bình thường. Nhưng dưới thời nhà Tống, có một hoàng hậu nổi tiếng nóng...