Vị danh tướng Việt khiến Tần Thủy Hoàng nể phục, cho đúc tượng và xây đền thờ tưởng nhớ

Vào thời nhà Tần, đã từng có một vị tướng nước Việt được Tần Thủy Hoàng mời sang tận Trung Quốc, nắm quyền chỉ huy quân đội nước này trong suốt một thời gian dài.

Tần Thủy Hoàng – vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc cũng phải nể phục vị danh tướng nước Việt (ảnh minh họa)

Tần Thủy Hoàng – vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc cũng phải nể phục vị danh tướng nước Việt (ảnh minh họa)

Tần Thủy Hoàng (259 TCN –  210 TCN) là vị hoàng đế nổi tiếng vũ dũng, thậm chí, bị cho là tàn bạo trong lịch sử Trung Quốc. Với sức mạnh của quân đội nhà Tần, Tần Thủy Hoàng đã tiêu diệt cả sáu nước chư hầu, thống nhất Trung Hoa.

Tuy nhiên, dù mạnh mẽ là vậy, nhà Tần lúc nào cũng phải lo ngay ngáy trước sự quấy phá của quân đội của bộ tộc Hung Nô tại khu vực biên giới. Họ nổi tiếng với những chiến binh khỏe mạnh, hiếu chiến, điều khiển ngựa giỏi và đều là những tay thiện xạ.

Dù đã hao tốn rất nhiều sức người, sức của để xây dựng Vạn Lý Trường Thành, Tần Thủy Hoàng vẫn luôn lo lắng một ngày nào đó, quân Hung Nô mà ông thường gọi là “rợ Hồ”, sẽ cướp mất cơ ngơi của nhà Tần.

 Biên giới nhà Tần thường xuyên bị quân Hung Nô đánh phá (ảnh minh họa)

 Biên giới nhà Tần thường xuyên bị quân Hung Nô đánh phá (ảnh minh họa)

Mối nguy trong lòng Tần Thủy Hoàng chỉ biến mất, sau khi vị tướng người Việt – Lý Ông Trọng xuất hiện.

Lý Ông Trọng là một nhân vật vô cùng nổi tiếng, không chỉ trong lịch sử, mà còn được đề cập đến trong các tác phẩm văn học cổ Việt Nam. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, cuộc đời và sự nghiệp của Lý Ông Trọng được chép lại ngắn gọn như sau:

“Canh Thìn, năm thứ 37 (221 TCN), (Tần Thủy Hoàng năm thứ 26). Nước Tần thôn tính cả sáu nước, xưng hoàng đế. Bấy giờ người Từ Liêm, Giao Chỉ ta, là Lý Ông Trọng, người cao hai trượng ba thước, lúc ít tuổi đến hương ấp là lực dịch, bị trưởng quan đánh, bèn bỏ sang nước Tần làm quan đến chức Tư lệ hiệu úy.

Thủy Hoàng lấy được thiên hạ, sai ông đem quân đóng giữ đất Lâm Thao (thuộc tỉnh Cam Túc – Trung Quốc ngày nay), uy danh chấn động nước Hung Nô. Khi tuổi già, về làng rồi chết.

Thủy Hoàng cho ông là người kỳ lạ, đúc đồng làm tượng, để ở cửa Tư Mã tại Hàm Dương. Trong bụng tượng chứa được mấy chục người, ngầm lay thì chuyển động được, Hung Nô tưởng đó là hiệu úy còn sống, không dám đến xâm phạm.

Lý Ông Trọng – danh tướng người Việt chỉ huy quân đội nhà Tần (ảnh minh họa)

Lý Ông Trọng – danh tướng người Việt chỉ huy quân đội nhà Tần (ảnh minh họa)

Triệu Xương (quan thời Đường) là đô hộ Giao Châu, đêm thường nằm chiêm bao thấy cùng Ông Trọng giảng bàn sách Xuân Thu, Tả Truyện, nhân hỏi chỗ ở cũ, rồi dựng đền thờ. Khi Cao Vương (Cao Biền) đi đánh nước Nam Chiếu, thần thường hiển linh giúp sức.

Cao Vương cho sửa lại đền thờ, tạc gỗ làm tượng, tôn là tượng Lý hiệu úy. Đền ở xã Thụy Hương huyện Từ Liêm (đền Chèm ở Từ Liêm – Hà Nội ngày nay)”.

Trong tác phẩm Lĩnh Nam Chích Quái, thân thế của Lý Ông Trọng được mô tả chi tiết hơn. Theo đó, Lý Ông Trọng tên thật là Lý Thân, sinh vào thời Hùng Vương thứ 18, tại huyện Từ Liêm, đất Giao Chỉ. Ông có vóc người vô cùng to lớn, tính tình rất nóng nảy.

Có lần, Lý Ông Trọng lỡ tay đánh chết người, lẽ ra đáng bị xử tội chết, nhưng vua Hùng vì tiếc tài năng nên tha cho. Đến đời An Dương Vương, Tần Thủy Hoàng muốn đem quân sang đánh nước ta. An Dương Vương bèn đem Ông Trọng đổi cho nhà Tần.

Tần Thủy Hoàng thấy Ông Trọng khỏe mạnh, vô cùng mừng rỡ, phong ngay cho chức Tư Lệ hiệu úy, trấn thủ Lâm Thao. Tại Lâm Thao, Lý Ông Trọng tổ chức quân Tần canh phòng nghiêm ngặt, nhiều lần đích thân dẫn quân phản công Hung Nô.

Ông Trọng có sức mạnh muôn người không địch nổi. Quân Hung Nô mỗi khi thấy ông chỉ biết cắm đầu chạy, không dám chống cự. Ông Trọng khi ra trận, thường một mình xông thẳng vào hàng ngũ quân địch mà đánh phá. Quân Hung Nô khiếp sợ trước uy lực của ông, không dám xâm phạm cửa ải nhà Tần.

Danh tiếng của Lý Ông Trọng chấn động Hung Nô, được người Trung Quốc kính phục (ảnh minh họa)

Danh tiếng của Lý Ông Trọng chấn động Hung Nô, được người Trung Quốc kính phục (ảnh minh họa)

Sau khi giúp nhà Tần bảo vệ vững chắc khu vực biên giới, Lý Ông Trọng xin về nước. Ông được Tần Thủy Hoàng phong cho làm Phụ Tín hầu (chứ không phải là Văn Tín hầu hay Vạn Tín hầu như một số tài liệu khác thể hiện).

Về sau, quân Hung Nô lại quấy phá biên giới nước Tần, Tần Thủy Hoàng lại cử sứ giả sang mời Lý Ông Trọng quay lại. Tuy nhiên, Ông Trọng không chịu rời quê hương, trốn vào rừng ở ẩn. An Dương Vương không biết làm cách nào, bèn nói dối với sứ giả là ông đã chết.

Tần Thủy Hoàng trách móc, đòi mang xác Lý Ông Trọng tới để làm chứng cứ. Ông Trọng bất đắc dĩ đành phải tự vẫn. Tần Thủy Hoàng thấy ông đã chết, thương tiếc không thôi, bèn đúc tượng Ông Trọng, dựng ở Hàm Dương tưởng nhớ và dùng để dọa quân Hung Nô.

Theo Việt Điện U Linh, Lý Ông Trọng thời trẻ từng làm một chức quan nhỏ, do phạm lỗi mà bị quan Lạc tướng đánh đòn. Ông than rằng:

- Tráng chí của đời người nên như chim Loan chim Phụng, nhất cử vạn lý, đâu mà để cho người thóa mạ, làm nô lệ cho người.

Lý Ông Trọng bèn từ quan, bỏ đi tìm thầy học tập, ngày tháng dùi mài kinh sử. Về sau, ông vào làm quan nhà Tần, giữ chức Tự lệ hiệu uý, được Tần Thủy Hoàng vô cùng trọng vọng.

Tần Thủy Hoàng cho đúc tượng Lý Ông Trọng khiến quân Hung Nô khiếp sợ (ảnh minh họa)

Tần Thủy Hoàng cho đúc tượng Lý Ông Trọng khiến quân Hung Nô khiếp sợ (ảnh minh họa)

Theo truyền thuyết do những người già ở làng Chèm, nơi Lý Ông Trọng sinh ra, kể lại: Trước khi sang làm tướng ở nhà Tần, Ông Trọng từng diệt trừ một con yêu tinh giải (ba ba) khổng lồ ở sông Cái – sông Hồng ngày nay. Về sau, ông còn được Tần Thủy Hoàng gả con gái cho.

Tuy nhiên, theo Việt sử tiêu án, nhà sử học Ngô Thì Sĩ lại thể hiện sư nghi ngờ về nhân vật Lý Ông Trọng:

“Ông Trọng thân hình cao to, cùng việc đầu đuôi làm quan với nhà Tần, chưa chắc là đúng. Nhà Tần đúc 12 người vàng, tuyệt đối không có danh hiệu gì. Vua nước Ngụy muốn dời người vàng ấy đến đất Nghiệp nhưng nặng không mang đi được.

Vì vậy, vua Ngụy lấy đồng, đúc 3 người gọi là Ông Trọng, bày ra ở ngoài cửa Tư Mã. Ở miếu Thiên thu lại có hai Ông Trọng bằng đá đối nhau… Người đời sau đặt ra chuyện Ông Trọng thiêng liêng, để cho câu chuyện thêm thần kỳ đó thôi”.

Đánh giá trên của Ngô Thì Sĩ không được các nhà nghiên cứu lịch sử ngày nay cho là đúng, bởi lẽ, Lý Ông Trọng quả thực là một nhân vật đã được ghi nhận tại Đại Việt sử ký toàn thư.

Danh tiếng của ông không chỉ được người Việt Nam mà còn được cả dân Trung Quốc kính nể, có thể kể đến những người như Cao Biền, Triệu Xương làm quan dưới thời Đường, sống cách nhà Tần cả ngàn năm sau, vẫn phải cúi mình trước Lý Ông Trọng.

Thậm chí, tên tuổi của ông còn được nhắc tới trong lịch sử Trung Quốc, Từ Điển Từ Nguyên của Trung Quốc chép:

“Ông Trọng đời Tần, người Nam Hải, thân dài một trượng ba thước, khí chất đoan dũng, khác với người thường. Thủy Hoàng sai cầm quân giữ đất Lâm Thao, thanh thế chấn động Hung Nô. Ông Trọng chết. Vua sai đúc tượng đồng để ở của Tư Mã, coi giữ cung Hàm Dương”.

Lý Ông Trọng được thờ phụng tại đình Chèm – Hà Nội, ngày nay (ảnh: sovhtt.hanoi.gov)

Lý Ông Trọng được thờ phụng tại đình Chèm – Hà Nội, ngày nay (ảnh: sovhtt.hanoi.gov)

Sau khi Lý Ông Trọng mất, Tần Thủy Hoàng sai người lập đền thờ, nay là di tích đình Chèm, ở phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội ngày nay.

Trong đình có các bia đá ghi chép lại lịch sử và nhân vật, đồng thời, thờ 2 pho tượng đồng lớn, một là của Thượng đẳng Thiên vương Lý Ông Trọng (Đức Thánh Chèm), pho tượng còn lại là của bà vợ, hiệu là Hoàng phi Bạch Tĩnh Cung, con gái Tần Thủy Hoàng.

Để tưởng nhớ Lý Ông Trọng, hằng năm, ba làng Thụy Phương, Hoàng Mạc và Liên Mạc đều tổ chức lễ hội đình Chèm, diễn ra từ ngày 14 đến 16.5 âm lịch.

Người Việt tài hoa đứng sau thiết kế Tử Cấm Thành

Tử Cấm Thành là niềm tự hào của người Trung Quốc hơn 600 năm qua nhưng ít ai biết rằng, người thiết kế, chỉ huy thi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam ([Tên nguồn])
Người Việt Nam ở nước ngoài Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN