Vị đại thần tài năng xuất chúng, khi mất được tôn làm ông Thọ trong Tam Đa: Phúc – Lộc – Thọ
Nhiều người chỉ đến ông Thọ trong Tam Đa là một vị thần tiên, ban phát tuổi thọ và sức khỏe cho con người, nhưng ít ai biết đến thân thế thật sự của ông Thọ trong lịch sử.
Đông Phương Sóc – vị đại thần làm quan dưới triều Hán Vũ Đế (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Theo dân gian, ông Thọ thực chất là hóa thân của Đông Phương Sóc - một sủng thần dưới triều Hán Vũ Đế. Sử ký Tư Mã Thiên chép, Đông Phương Sóc là người Sơn Đông, sinh năm 154 TCN mất năm 93 TCN, thọ 61 tuổi.
Tuy nhiên, theo dân gian lưu truyền, ông sống tới 125 tuổi. Chính vì điểm này, cùng với tính cách, tài trí và những sự tích lưu truyền, đã khiến Đông Phương Sóc được tôn làm ông Thọ, trở thành một trong ba vị phúc thần nổi tiếng.
Theo sử ký Tư Mã Thiên, thời Hán Vũ Đế, có người nước Tề tên là Đông Phương Sóc, học cao hiểu rộng. Đông Phương Sóc đến kinh đô Trường An thi tài, mang theo 3.000 cuộn thẻ tre chép văn thơ của mình, dâng cho hoàng đế. Hán Vũ Đế đọc tới hai tháng mới hết, khen ngợi vô cùng, phong cho Đông Phương Sóc chức Thị Lang, hầu hạ thân cận.
Đông Phương Sóc là người tài trí, lại rất có khiếu hài hước, được nhà vua yêu chiều. Khi được ban cho đồ ăn, thức uống, ông chẳng ngần ngại ăn trước mặt vua, ăn không hết lại bọc vào quần áo, mang về. Khi được ban thưởng cho tiền bạc, ông dùng tiền cưới vợ, cứ một năm lại bỏ vợ cũ lấy vợ mới.
Triều thần thấy Đông Phương Sóc cư xử phóng túng, kỳ quái, đều cho ông là kẻ ngạo mạn, tâu với hoàng đế đòi trị tội. Hán Vũ Đế nói:
“Nếu hắn (Đông Phương Sóc) làm quan mà không có những thói ấy, thì các ngươi sao bì kịp hắn”.
Đông Phương Sóc nghe người khác nói xấu mình thì cũng chỉ cười ha hả:
“Như tôi đây gọi là trốn đời ở giữa triều đình, còn người xưa thì đi trốn đời ở chỗ rừng hoang, núi sâu”.
Đông Phương Sóc là người tài hoa, học nhiều hiểu rộng (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Đông Phương Sóc còn là người có hiểu biết, học thức vô cùng uyên thâm. Sử ký Tư Mã Thiên chép, một lần, trong cung Kiến Chương bỗng dưng xuất hiện một con vật kỳ quái, thân hình như con hươu mà không có sừng, cũng không phải nai. Hán Vũ Đế cùng quần thần không ai biết đó là con gì, bèn triệu Đông Phương Sóc đến hỏi.
Đông Phương Sóc đòi vua ban cho nhiều rượu thịt, ruộng đất, ao cá, rồi mới chịu nói:
“Con này gọi là Sô Nha. Nó xuất hiện là điềm báo có vùng xa xôi sắp về thần phục. Sở dĩ gọi là Sô Nha vì cái răng nào của nó cũng to đều như nhau, liền vào một khối, nhìn như không có răng vậy”.
Sau một năm, quả nhiên có vua Hồn Gia của Hung Nô đến thần phục nhà Hán. Hán Vũ Đế mừng rỡ, lại đem nhiều vàng lụa thưởng cho Đông Phương Sóc.
Phong cách làm quan của Đông Phương Sóc thoải mái, phóng túng rất khác người (ảnh minh họa)
Khi Đông Phương Sóc sắp mất, ông can nhà vua:
“Kinh Thi có câu: Lằn xanh (con thằn lằn) nhung nhúc, đậu ở rào giậu. Người quân tử chớ nghe lời gièm pha. Lời gièm vô cùng, tai hại bốn phương. Vậy xin nhà vua tránh xa bọn xu nịnh, gạt bỏ lời gièm pha”.
Hán Vũ Đế lấy làm lạ, nói: “Ngày nay cả Đông Phương Sóc cũng nói những lời hay thế sao?”
Ít lâu sau, Đông Phương Sóc qua đời. Tư Mã Thiên chép thêm: “Con chim sắp chết thì tiếng kêu thảm thương, con người sắp chết thì nói lời hay là ý như vậy.”
Theo tờ Sohu, đoạn này trong Sử ký đã thể hiện một chút ghen tị của Tư Mã Thiên với Đông Phương Sóc. Tư Mã Thiên và Đông Phương Sóc là người cùng thời, đều làm quan dưới triều Hán Vũ Đế. Nếu Tư Mã Thiên vì can gián mà bị hoàng đế trừng phạt, bắt thiến, thì Đông Phương Sóc làm quan lại an nhàn, hưởng lạc.
Tư Mã Thiên cùng nhiều đại thần khác, đều có chung quan điểm rằng Đông Phương Sóc là kẻ cuồng sĩ, chỉ giỏi a dua, nịnh bợ hoàng đế để được ăn sung mặc sướng.
Tuy nhiên, công bằng mà nói, cách làm quan của Đông Phương Sóc rất khác biệt, thể hiện sự thoải mái, tiêu dao hơn người. Dù được hoàng đế sủng ái, nhưng ông chưa bao giờ gièm pha hay xu nịnh để được thăng chức, lộng quyền, hay hãm hại bất kỳ ai.
Theo Hán Thư, một lần Hán Vũ Đế đãi tiệc quần thần, trong lúc vui, có nói qua về sách tướng: ‘Nhân trung của ai dài một tấc, thì hưởng thọ được trăm năm.”
Đông Phương Sóc đang chầu một bên nghe vậy bỗng cười lăn lộn, triều thần thấy vậy cho là bất kính, tâu vua trị tội. Đông Phương Sóc nói: “Kẻ hạ thần không dám cười bệ hạ, thật tình là cười ông Bành Tổ mặt dài.”
Hán Vũ Đế lấy làm lạ, hỏi rõ nguyên do, Đông Phương Sóc tâu rằng:
“Trong sách nói ông Bành Tổ sống tới tám trăm tuổi. Theo lời bệ hạ nói, thì môi trên ông Bành Tổ phải thòng xuống tám tấc, suy ra thì cả mặt ông ấy phải dài hơn một trượng.”
Hán Vũ Đế nghe vậy, chỉ biết cười trừ.
Đông Phương Sóc nhiều lần khéo léo can gián hoàng đế (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Có lần Hán Vũ Đế mở tiệc ở cung Vị Ương, lúc sắp dùng bữa, bỗng nghe thấy có người cất tiếng nói: “Lão thần liều chết đến đây có chuyện muốn nói”.
Hán Vũ đế cả kinh, lệnh cho quân sĩ tìm kiếm, mãi sau thấy một ông già nhỏ bé, nằm vắt vẻo trên xà nhà. Hán Vũ Đế sai người đưa xuống, hỏi rõ nguyên do. Ông già không nói, chỉ nhìn lên trần nhà, lại trỏ vào bàn chân của hoàng đế, rồi biến mất.
Hán Vũ Đế chẳng hiểu ra sao, bèn triệu Đông Phương Sóc đến giải thích, ông thủng thẳng đáp:
“Ông ta tên là Tảo, là tinh hoa của thủy mộc, mùa hè sống trong rừng sâu, mùa đông ẩn dưới hồ thẳm. Bệ hạ cho xây dựng cung thất quá nhiều, chặt phá nơi ở của ông ta. Ông ta ngẩng đầu nhìn trần, lại cúi người xuống chỉ vào chân, ý muốn nói rằng bệ hạ xây dựng cung điện đến đây là đủ rồi”.
Hán Vũ Đế nghe vậy, bèn cho dừng việc xây dựng tốn kém lại. Ông già sau đó đến tạ ơn, tặng cho Hán Vũ Đế một cái lọ chứa thứ dầu kỳ lạ. Đông Phương Sóc lại giải thích:
“Đó là tủy của con giao long. Dùng để thoa mặt thì khiến da sáng đẹp, phụ nữ mang thai bôi vào thì dễ sinh đẻ.”
Đông Phương Sóc qua đời, được người dân tôn làm ông Thọ trong Tam Đa (ảnh minh họa)
Theo cuốn Thái Bình Quảng ký, Đông Phương Sóc là sao Mộc trên trời hạ phàm, bởi vậy không điều gì không biết. Ông cũng nhiều lần sử dụng mưu lược của mình, can gián Hán Vũ Đế tránh xa những thói ăn chơi, hưởng lạc một cách sâu cay, hài hước.
Giai thoại về Đông Phương Sóc còn lưu lại rất nhiều trong dân gian. Nổi tiếng nhất là chuyện Đông Phương Sóc nhận lệnh của Hán Vũ Đế, lên thiên đình hái trộm đào tiên của Tây Vương Mẫu. Vì sự tích này, hình ảnh của ông Thọ thường gắn liền với quả đào rất lớn, biểu tượng của sự trường thọ.
Những sự tích về Đông Phương Sóc sở dĩ có nhiều như vậy, một phần đến từ phong cách làm quan phóng khoáng, ngông nghênh khác người của ông, phần khác cũng đến từ bản thân Hán Vũ Đế, một ông vua rất ham mê chuyện thần tiên, từng bỏ 10 vạn cân vàng đi cầu thuốc trường sinh nhưng không thành.
Sau khi Đông Phương Sóc mất, ông được dân gian tôn làm Thọ Tinh hay ông Thọ, trở thành một trong ba vị thượng đẳng phúc thần.
Nguồn: [Link nguồn]
Nguyên soái Đại Đường Quách Tử Nghi là một trong số những vị tướng hiếm hoi trong lịch sử Trung Quốc có cái kết viên...