Vị bác sĩ qua đời hơn 150 năm nhưng đang cứu mạng hàng ngàn người trong dịch Covid-19
Vị bác sĩ được mệnh danh “cha đẻ của kiểm soát lây nhiễm”, là người đầu tiên nghĩ ra phương pháp đang góp phần cứu mạng hàng ngàn người trong dịch Covid-19. Tuy nhiên, phát hiện của ông từng bị coi là điều sỉ nhục, đến nỗi ông phải chết trong viện tâm thần.
Bác sĩ Ignaz Semmelweis (1818 - 1865) là người đầu tiên phát hiện ra sự quan trọng của việc rửa tay - hành động tưởng chừng đơn giản nhưng đang giúp cứu mạng hàng ngàn người trên khắp thế giới trong dịch Covid-19.
Năm 1847, sau khi được bổ nhiệm làm trưởng khoa sản của Bệnh viện Vienna (Áo), bác sĩ Semmelweis phát hiện ra rằng, các sản phụ sinh con tại các bệnh viện còn có tỷ lệ tử vong cao hơn cả những ca đẻ rơi ngoài đường.
Một thời gian sau, bác sĩ Semmelweis lại nhận được tin bạn thân của ông – một bác sĩ, đã tử vong vì bị đâm dao vào bụng bởi một sinh viên vụng về trong lúc khám nghiệm tử thi.
Ở thời đó, trước khi bác sĩ Louis Pasteur chứng minh được thuyết vi trùng, mọi người chưa hề biết đến khái niệm vi khuẩn và bác sĩ Semmelweis cũng vậy.
Bác sĩ Ignaz Semmelweis, người đầu tiên phát hiện tầm quan trọng của việc rửa tay (ảnh: Daily Star)
Semmelweis chỉ có thể đưa ra giả thiết rằng, suốt quá trình khám nghiệm tử thi, các bác sĩ đã tiếp xúc với “hạt tử thi” của xác chết, những sản phụ xấu số cũng bị nhiễm hạt này vì chúng dính trên tay các y bác sĩ.
Bác sĩ Semmelweis cho rằng, những người thường xuyên tiếp xúc với tử thi mà chỉ rửa tay bằng xà phòng thì không đủ để loại bỏ các “hạt tử thi”, chứng minh bằng mùi xác chết vẫn còn trên tay họ.
Semmelweis sau đo đã bắt buộc nhân viên y tế dưới quyền phải rửa tay bằng vôi clo trước khi tiếp xúc với bệnh nhân hay đỡ đẻ.
Sau khi áp dụng quy định của bác sĩ Semmelweis, tỷ lệ tử vong của các sản phụ nơi ông làm việc đã giảm từ 18,27% xuống còn 1,27%. Trong khoảng thời gian từ tháng 3 - 8.1848, không có sản phụ nào qua đời tại khoa sản do bác sĩ Semmelweis đứng đầu.
Bác sĩ Semmelweis đã bắt buộc các nhân viên của mình rửa tay khi tiếp xúc với người bệnh (ảnh: Daily Star)
Mặc dù hiệu quả rõ như vậy, nhưng nhiều đồng nghiệp của bác sĩ Semmelweis lại phủ nhận phát hiện của ông. Họ lên án rằng, phát hiện của ông Semmelweis chẳng khác nào bản án luận tội các bác sĩ đã gieo rắc sự chết chóc cho bệnh nhân, một điều sỉ nhục đối với nghề y.
Bác sĩ Semmelweis cuối cùng phải chịu thừa nhận rằng phát hiện của ông là một sự sỉ nhục. Chưa dừng lại ở đó, vì chịu quá nhiều chỉ trích, Semmelweis đã bị sang chấn tâm lý nặng nề và phải nhập viện tâm thần.
Năm 1865, bác sĩ Semmelweis bị đánh trong viện tâm thần và qua đời do nhiễm trùng.
Google tôn vinh bác sĩ Semmelweis trong dịch Covid-19 (ảnh: BBC)
Mãi đến đến khi Louis Pasteur chứng minh được thuyết vi trùng vào những năm 1880, phát hiện của bác sĩ Semmelweis về vấn đề vệ sinh y tế mới được khẳng định.
Ngày nay, thế giới ghi nhận bác sĩ Semmelweis là người có công lao rất lớn đối với ngành y học. Một số trường đại học y, bệnh viện và viện bảo tàng đã lấy tên Semmelweis và xem ông là như vị cứu tinh của các sản phụ.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Sau khi khuyến cáo và có nhiều biện pháp nhằm ngăn người dân tích trữ hàng hóa nhưng không mấy hiệu quả, Đài Loan đã...
Nguồn: [Link nguồn]