Venezuela trong cơn bĩ cực, Trung Quốc dừng cho vay
Sau khi đổ hàng tỷ USD vào Venezuela trong vòng một thập kỷ qua, Trung Quốc bắt đầu cắt những khoản vay mới cho quốc gia Nam Mỹ này.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.
Theo CNN, đây được coi là bước lùi trong quan hệ giữa hai nước, đặc biệt trong bối cảnh Venezuela đứng trước nhiều khó khăn về kinh tế và nhân đạo.
"Trung Quốc không còn quan tâm đến việc cho Venezuela vay tiền nữa", bà Margaret Myers, Giám đốc Chương trình Trung Quốc và châu Mỹ Latinh thuộc tổ chức Inter - American Dialogue cho biết.
Kể từ năm 2007, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã cho Venezuela vay 60 tỷ USD. Con số này lớn hơn bất kỳ khoản vay nào cho các nước Mỹ Latin khác. Trung Quốc được coi là chủ nợ quan trọng nhất của Venezuela.
Venezuela hiện vẫn nợ Trung Quốc 20 tỷ USD và không có dấu hiệu Caracas sẽ trả được số tiền này trong khủng hoảng như hiện nay. Đa số các khoản nợ được Venezuela trả cho Trung Quốc bằng dầu thô.
Năm ngoái, công ty dầu khí nhà nước Venezeula chuyển 579.000 thùng dầu mỗi ngày cho Trung Quốc, theo thống kê của đơn vị kiểm toán tài chính.
Nhưng năm nay, Venezuela - quốc gia có trữ lượng dầu mỏ dự trữ lớn nhất thế giới đang đứng trước sản lượng dầu thô giảm mạnh trong 13 năm qua. Một số nhà cung cấp như Schlumberger (SLB) đã giảm hoạt động một cách đáng kể vì những hóa đơn tài chính mà chính phủ Venezuela vẫn còn nợ.
Theo các chuyên gia, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro quản lý nguồn tài nguyên đất nước một cách yếu kém và đẩy nền kinh tế vào khủng hoảng. Vì vậy, Trung Quốc đã tỏ ra hết kiên nhẫn.
Trung Quốc đã chán cho Venezuela vay tiền.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Bộ Tài chính Venezeula đã không phản hồi CNN về vấn đề này.
Giống như chính phủ, các công ty Trung Quốc cũng không còn quan tâm đến Venezuela. Kể từ năm 2010, các công ty này đã đầu tư 2,5 tỷ USD mỗi năm vào các dự án ở Venezuela. Trong nửa đầu năm nay, con số này giảm còn 300 triệu USD.
Những người lạc quan tin rằng tình thế có thể thay đổi nếu Trung Quốc cho Venezuela vay khoản tiền lớn trước cuối năm. Dù vậy, họ đồng ý rằng Trung Quốc không còn muốn đổ tiền vào Venezuela nữa.
Điều này là có cơ sở bởi năm ngoái, Công ty Kỹ thuật Đường sắt Trung Quốc đã ngừng dự án "tàu siêu tốc" với Venezuela. Khu vực xây dựng từng là dấu hiệu nảy nở quan hệ hai nước giờ đã bị bỏ hoang.
Trung Quốc coi Venezeula là đồng minh hàng đầu ở Nam Mỹ. Đổi lại các khoản tiền mặt và phát triển hạ tầng, Bắc Kinh muốn kiểm soát nguồn cung cấp dầu thô ổn định.
Nhưng tham vọng của Trung Quốc đã chạm đến thực tế của cuộc khủng hoảng ở Venezuela. Lạm phát tăng phi mã lên tới 700% còn kinh tế được dự báo sẽ giảm xuống 8% trong năm nay, theo IMF. Đồng tiền Venezuela giảm giá trị thảm hại và khả năng vỡ nợ chỉ còn là vấn đề thời gian.
Với doanh thu sụt giảm, Venezuela không thể có tiền nhập khẩu các loại thực phẩm và thuốc men. Những người dân may mắn đến được Mỹ chỉ để mua giấy vệ sinh hay cá ngừ.
Trong bối cảnh làn sóng biểu tình yêu cầu ông Maduro từ chức ngày càng lan rộng, chính phủ Venezuela lại phải tự đứng trên đôi chân của mình mà không có sự giúp đỡ từ Trung Quốc.
"Trong trường hợp Venezuela, thực tế là Trung Quốc không còn muốn giúp đất nước này nữa", Mauro Roca, một nhà kinh tế Mỹ Latin ở Goldman Sach nói. "Venezuela vốn đã chìm trong khủng hoảng và điều này sẽ còn tồi tệ hơn".