“Vành đai - con đường” và cái khó của Trung Quốc
Các khoản nợ mà Trung Quốc cấp cho các nước tham gia sáng kiến “Vành đai và con đường” đang lớn dần, với hàng chục tỉ USD trong số đó là nợ xấu hoặc nợ không đòi được.
Kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu “Vành đai - con đường” (BRI) của Trung Quốc (TQ) đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì những khoản nợ xấu. Chỉ ba năm gần đây khoảng 78 tỉ USD cho vay trong khuôn khổ kế hoạch này đã trở thành nợ khó đòi hoặc cần phải được xóa, trở thành một gánh nặng tài chính rất lớn đối với Bắc Kinh và các ngân hàng TQ.
“Vành đai - con đường” bị nợ xấu đè nặng
Cụ thể, tờ Financial Times dẫn số liệu nghiên cứu của tổ chức nghiên cứu Rhodium Group (Mỹ) chỉ ra kể từ năm 2020 đến cuối tháng 3 năm nay, chính quyền TQ và một loạt các định chế tài chính TQ tham gia BRI đã buộc phải đàm phán tái cơ cấu hoặc xóa nợ hoàn toàn cho khoảng 78,5 tỉ USD vốn vay cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, cảng biển và sân bay tại hàng loạt quốc gia gặp khó khăn về kinh tế. Con số này cao gấp bốn lần số nợ trị giá 17 tỉ USD mà TQ phải đàm phán lại hoặc xóa hoàn toàn trong giai đoạn 2017-2019.
Khu vực bốc dỡ hàng thuộc Tập đoàn Vận tải biển Trung Quốc tại TP cảng Perama (Hy Lạp) hồi tháng 10-2022. Ảnh: AP
Ngoài ra, Bắc Kinh thời gian qua còn cung cấp một lượng chưa từng có tiền lệ “các khoản vay giải cứu” để ngăn nguy cơ vỡ nợ cấp quốc gia ở một số nước. Tổng giá trị những khoản vay giải cứu như vậy đã lên tới 104 tỉ USD trong thời gian 2019-2021, theo một nghiên cứu do tổ chức AidData (Mỹ), Ngân hàng Thế giới (WB), ĐH Harvard (Mỹ) và Viện Kinh tế Thế giới Kiel (Đức) cùng thực hiện. Nếu mở rộng thời gian xem xét ra từ năm 2000 đến cuối năm 2021 thì quy mô của các khoản vay giải cứu này phình to gấp đôi - lên tới 240 tỉ USD.
Theo Giám đốc tổ chức AidData Braid Parks, những khoản vay này thực sự chỉ mới là khởi đầu. Các ngân hàng TQ đều muốn các quốc gia vay tiền có đủ thanh khoản để tiếp tục gồng gánh các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng BRI. “Do đó, Bắc Kinh có lẽ sẽ tiếp tục cung cấp các khoản vay khẩn cấp chừng nào các con nợ lớn nhất của nước này còn đang trong tình trạng căng thẳng tài chính” - ông Parks nhận định.
Nhìn chung, ngày càng có nhiều quốc gia vay BRI đang bị đẩy đến nguy cơ mất khả năng trả nợ do tăng trưởng toàn cầu chậm lại, lãi suất tăng và mức nợ cao kỷ lục ở các nước đang phát triển. Trong khi đó, các chủ nợ phương Tây của các quốc gia này đã đổ lỗi cho TQ vì đã ngăn cản các cuộc đàm phán tái cơ cấu nợ.
So với phương Tây, TQ khi cho vay ít siết các điều kiện của bên đi vay hơn. Do đó, những khoản vay từ TQ dễ được chấp thuận hơn đối với các nước đang phát triển.
BRI có còn hấp dẫn?
Phần đông giới chuyên gia vẫn cho rằng chính quyền TQ không dễ từ bỏ một chương trình với quy mô và tầm ảnh hưởng lớn như BRI, đặc biệt khi đây còn là một trong những công cụ đắc lực giúp thúc đẩy hình ảnh TQ trên trường quốc tế. “Nhiều nước vẫn sẽ tiếp tục hoan nghênh vốn đầu tư từ khuôn khổ BRI và tôi không thấy điều đó thay đổi” - theo chuyên gia Fracesca Ghiretti thuộc tổ chức nghiên cứu TQ Merics (Đức).
Chuyên gia Xue Gong thuộc tổ chức Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (Mỹ) Chi nhánh TQ dự báo rằng TQ sẽ thông qua Diễn đàn hợp tác quốc tế “Vành đai - con đường” dự kiến diễn ra trong năm nay để ăn mừng những thành tựu mà kế hoạch này đã đạt được trong 10 năm qua, đồng thời vạch ra các kế hoạch hợp tác tương lai.
Tuy nhiên, bà Gong lưu ý thời gian này TQ có thể cần phải tập trung phát triển công nghệ trong nước để đối phó với phương Tây, do đó ngân sách sẽ có phần căng thẳng, nguồn lực phân bổ cho BRI có thể không dồi dào như trước. “Những khoản hỗ trợ hào phóng cấp cho các doanh nghiệp quốc doanh TQ và các khoản vay lớn cho những quốc gia tham gia BRI sẽ không còn được nhiều như trước” - bà Gong dự báo.
Bên cạnh đó, TQ cũng sẽ mở rộng và tăng cường mối quan hệ chính trị và ngoại giao với các nước đang phát triển, nên tầm quan trọng của BRI có thể sẽ giảm dần theo thời gian.
Từ năm 2021, TQ đã liên tiếp công bố ba sáng kiến chiến lược - trong đó có sáng kiến Phát triển toàn cầu (GDI) và sáng kiến An ninh toàn cầu (GSI) - nhằm định hình lại hệ thống quan hệ quốc tế toàn cầu với mục tiêu lớn là làm giảm sự thống trị của phương Tây tại các định chế chính trị - tài chính lớn.
Trung Quốc cũng là bên bị mắc kẹt trong BRI Theo chuyên gia thuộc ĐH Tự do Brussels (Bỉ), có thể nói TQ đối với BRI giờ đang trong thế “đâm lao phải theo lao”. TQ biết rõ làn sóng tái cơ cấu hoặc xóa nợ có thể sẽ không dừng lại và không có cách nào để biết được liệu những nền kinh tế này sau khi được giúp đỡ có vực dậy được hay sẽ tiếp tục trượt dài. Tuy nhiên, yếu tố chính trị được xem là nguyên nhân chính buộc TQ phải cứu các con nợ của mình hết lần này tới lần khác. Đơn cử, trong quan hệ với châu Phi, TQ muốn xây dựng hình ảnh “khác với các cường quốc châu Âu”, cố gắng trở thành một nước lớn thoải mái về mặt tài chính và liên tục “bơm thêm tiền” vào châu lục này để gầy dựng sự ủng hộ. Theo ông Yao Guimei, Giám đốc Viện Khoa học xã hội Bắc Kinh, việc TQ cho châu Phi vay tín dụng là một cách có được sự ủng hộ của châu lục này. Điều đó lại càng có ý nghĩa hơn khi mà Bắc Kinh lao vào cuộc đối đầu với Mỹ, tham vọng trở thành “siêu cường thế giới về mọi mặt”. Mục đích của TQ rất rõ ràng khi chịu chi cho các đối tác của mình. TQ muốn thông qua việc tham gia các tiến trình đàm phán đa phương “giải cứu” các nước nghèo để chứng minh mình là đối tác có trách nhiệm với thế giới, trong khi chỉ trích Ngân hàng Trung ương châu Âu hay Mỹ tăng lãi suất, đẩy các nước nghèo vào cảnh thêm khốn khổ. |
Nguồn: [Link nguồn]
Bất chấp sự can dự sâu rộng với chính quyền Taliban, Trung Quốc không thể đạt được mục tiêu của mình ở Afghanistan.