Vai trò, vị thế của Việt Nam được khẳng định trong cộng đồng quốc tế
Việc Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio công bố dự định mời lãnh đạo Việt Nam cùng lãnh đạo 7 quốc gia khác không phải là thành viên tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 thêm một lần nữa khẳng định vai trò, vị thế của nước ta như là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, có những đóng góp tích cực, quan trọng.
Đưa ra nhiều đề xuất, sáng kiến khu vực và toàn cầu
Trong chuyến công du Ấn Độ - cường quốc châu Á có số dân đông thứ hai thế giới mới đây, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tiết lộ ông dự định sẽ mời lãnh đạo Ấn Độ và Việt Nam cùng 6 nước khác không phải là thành viên G7 đến Hội nghị Thượng đỉnh của nhóm này ở thành phố Hiroshima vào tháng 5-2023. Nhật Bản hiện là chủ tịch luân phiên của nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới này, gồm Mỹ, Nhật Bản, Anh, Đức, Pháp, Canada và Italia.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida muốn mời lãnh đạo Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 vào tháng 5-2023
Việc Ấn Độ được Thủ tướng Nhật Bản mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 cũng dễ hiểu bởi đây không chỉ là quốc gia mới nổi hàng đầu thế giới mà còn đang giữ cương vị Chủ tịch luân phiên của nhóm 20 nền kinh tế lớn trên thế giới (G20) chiếm 85% tổng GDP toàn cầu và 2/3 dân số thế giới. Thủ tướng Kishida Fumio không nêu lý do mời Việt Nam cùng 6 quốc gia khác là Australia, Brazil, Comoros, quần đảo Cook, Indonesia và Hàn Quốc, nhưng theo giới quan sát, Indonesia hiện là nước Chủ tịch ASEAN năm 2023 còn Việt Nam có vai trò, vị trí ngày càng quan trọng cũng như những đóng góp tính cực, hiệu quả vào các vấn đề chung của khu vực và thế giới. Việt Nam và Indonesia cũng là hai quốc gia Đông Nam Á được Thủ tướng Nhật Bản ngỏ ý mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại nước này vào tháng 5 tới.
Cũng theo giới quan sát, việc Thủ tướng Nhật Bản muốn mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng là một động thái đáng chú ý và có ý nghĩa. Việt Nam đã hoàn thành thành công nhiệm kỳ thứ hai (nhiệm kỳ 2020 - 2021) làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, hiện đang là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc (nhiệm kỳ 2023 - 2025) và là nước có tiếng nói quan trọng trong ASEAN. Năm 2023 cũng đánh dấu tròn 50 năm Nhật Bản và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao.
Nếu Việt Nam đồng ý dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Nhật Bản vào tháng 5-2023, đây là lần thứ ba nước ta góp mặt tại sự kiện quan trọng, được quan tâm sâu sắc trên toàn thế giới này. Đáng chú ý, vào năm 2016, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã mời Việt Nam lần đầu tiên tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 do Nhật Bản đăng cai. Động thái này đã mở đường cho Canada tiếp tục mời Việt Nam đến dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 vào năm 2018. Năm 2019, khi Nhật Bản tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G20, Thủ tướng nước chủ nhà cũng đã mời lãnh đạo Việt Nam đến dự sự kiện quan trọng này.
Việc Thủ tướng Nhật Bản kế hoạch mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm nay cũng như việc lãnh đạo nước ta được mời tham dự các Hội nghị Thượng đỉnh G7, G20 trước đó cho thấy sự đánh giá cao vai trò, vị thế của Việt Nam cũng như đánh giá cao sự tham gia, đóng góp hiệu quả của chúng ta vào các vấn đề quan trọng của khu vực cũng như toàn cầu. Trong bức thư mời lãnh đạo Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm 2016, Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định: “Việt Nam đã không ngừng nâng cao được vị thế trong cộng đồng quốc tế”.
Trong các lần tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 và G20, Việt Nam đã thể hiện trách nhiệm và đóng góp khi đưa ra những đề xuất, sáng kiến về nhiều vấn đề cấp bách, quan trọng ở khu vực và thế giới như từ việc phát triển lưu vực sông Mê Kông, tăng cường liên kết kinh tế, phát triển bền vững, khai thác bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, chống biến đổi khí hậu… cho đến xây dựng môi trường hòa bình và ổn định cho phát triển. Những đóng góp của Việt Nam đã được ghi nhận, thể hiện trong các văn kiện, Tuyên bố chung của các Hội nghị Thượng đỉnh G7 và G20.
Là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm
Có thể khẳng định, trong quá trình phát triển, hội nhập quốc tế của mình, Việt Nam luôn nhất quán với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm, tin cậy trong cộng đồng quốc tế. Để khẳng định được vị thế và uy tín quốc tế như một đối tác tích cực, trách nhiệm, tin cậy của cộng đồng quốc tế như ngày nay, Việt Nam nỗ lực bền bỉ đóng vai trò “nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải, sáng kiến, tích cực, có trách nhiệm” tại các diễn đàn, tổ chức đa phương có tầm quan trọng chiến lược đối với đất nước, phù hợp với khả năng và điều kiện cụ thể.
Hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 191 trên tổng số 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó có 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện; quan hệ hợp tác, đối tác với nhiều tổ chức lớn, uy tín trên thế giới. Chúng ta có quan hệ tốt đẹp với tất cả nước lớn, các Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược với 17 quốc gia (trong đó có 3 đối tác chiến lược toàn diện), 13 đối tác toàn diện. Năm 2020, Việt Nam đã phê chuẩn và triển khai có hiệu quả Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); tham gia ký Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực. Đến nay, đã có 71 quốc gia công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường.
Việt Nam tích cực, chủ động tham gia các tổ chức, diễn đàn đa phương lớn trên thế giới và khu vực. Nước ta đã gia nhập ASEAN năm 1995, Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) năm 1996, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 1998, Tổ chức thương mại thế giới (WTO) năm 2007, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) năm 2018… Chúng ta đã đăng cai thành công các Hội nghị Thượng đỉnh APEC vào năm 2006 và 2017; Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên năm 2019…
Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2010 và 2020. Trong đó, Năm Chủ tịch ASEAN 2020 đã thành công toàn diện, vang dội, trọn vẹn và thực chất. Đã thông qua hơn 550 cuộc họp, nhiều sáng kiến, ưu tiên của Việt Nam đã trở thành tài sản chung của ASEAN; bảo đảm an ninh, an toàn, trọng thị về lễ tân; quảng bá hình ảnh Cộng đồng ASEAN và Việt Nam hòa bình, ổn định phát triển thịnh vượng trong tâm thức của bạn bè quốc tế.
Đặc biệt, Việt Nam 2 lần được bầu giữ chức Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009, nhiệm kỳ 2020-2021 (nhiệm kỳ 2020-2021 đạt số phiếu gần như tuyệt đối 192/193 phiếu). Việt Nam đã tham gia chủ động, tích cực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, thể hiện hình ảnh một Việt Nam trách nhiệm, đề cao luật pháp quốc tế, nỗ lực xây dựng đồng thuận, tìm kiếm giải pháp thỏa đáng cho các tranh chấp, xung đột...
Trong Bảng xếp hạng những quốc gia hùng mạnh nhất thế giới năm 2022 được Tạp chí US News & World Report có trụ sở tại Mỹ công bố dựa trên những đánh giá về ảnh hưởng chính trị, kinh tế và sức mạnh quân sự..., Việt Nam vững vàng trong Top 30 quốc gia hùng mạnh nhất thế giới. Điều này khẳng định uy tín và vai trò ngày càng được nâng cao của Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam được đánh giá cao ở tầm ảnh hưởng trong khu vực cũng như trên thế giới sâu rộng và rõ nét hơn.
Từ một quốc gia nghèo ra khỏi chiến tranh và phụ thuộc lớn vào viện trợ nước ngoài, Việt Nam ngày nay trở thành một quốc gia hiện đại, có sức cạnh tranh và vai trò, vị thế ngày càng quan trọng ở khu vực và thế giới như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Nguồn: [Link nguồn]
Việt Nam kêu gọi các bên liên quan chấm dứt xung đột, khẩn trương nối lại đàm phán tìm giải pháp hòa bình toàn diện, thỏa đáng và lâu dài cho vấn đề Ukraine