Vai trò hòa giải của TQ ở Ukraine làm giới phân tích châu Âu 'dậy sóng'?
Trong khi một số nhà lập pháp châu Âu tin rằng chỉ Trung Quốc mới có thể đóng vai hòa giải xung đột Nga-Ukraine, thì một số khác cho rằng không ai lay chuyển được ông Putin.
Theo tờ South China Morning Post ngày 18-3, một sự chia rẽ đang xuất hiện ở châu Âu về việc liệu Bắc Kinh có thể giúp xoa dịu xung đột Nga-Ukraine hay không.
Châu Âu dần mất niềm tin với Trung Quốc
Ông Josep Borrell - đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) là người đứng đầu một chiến dịch vận động hành lang để tranh thủ sự giúp đỡ của Trung Quốc. Ông đã công khai nói Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là người duy nhất có đủ quyền lực để lay chuyển Tổng thống Nga Vladimir Putin.
"Không có sự thay thế nào. Chúng tôi (người châu Âu) không thể là người hòa giải, điều này là rõ ràng. Và đó cũng không thể là Mỹ. Còn ai nữa? Đó phải là Trung Quốc, tôi tin là vậy"- ông Borrell nói với tờ El Mundo của Tây Ban Nha.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TNS
Lập trường này đã khiến một số quan chức và đặc phái viên tỏ ra nghi ngờ khi Bắc Kinh tỏ ra ít có khuynh hướng giúp đỡ. Tại Berlin, những người thân cận với liên minh cầm quyền mô tả bầu không khí "thất vọng" đối với Bắc Kinh. Ngay từ những ngày đầu của cuộc xung đột Nga-Ukraine, Đảng Dân chủ Xã hội của Thủ tướng Olaf Scholz - vốn duy trì liên hệ chặt chẽ với Trung Quốc, đã hy vọng rằng ông Tập sẽ sử dụng đường dây nóng của mình tới Moscow để đảm nhận vai trò hòa giải lâu dài. Tuy nhiên, thực tế không như kỳ vọng của họ. Những người thân cận với liên minh cho biết không còn hỵ vọng chính một sự can thiệp mang tính xây dựng từ Trung Quốc.
Ở Ukraine, những hy vọng rằng Trung Quốc sẽ can thiệp tích cực để giải quyết xung đột cũng đã tan biến.
Bà Maria Shagina - chuyên gia về các biện pháp trừng phạt quốc tế ở châu Âu thời hậu Xô Viết tại Viện Các vấn đề Quốc tế ở Phần Lan cho biết: "Bất kỳ đề cập nào về Trung Quốc với tư cách là người trung gian trên các phương tiện truyền thông Ukraine đều bị phớt lờ". "Có một đốm sáng nhỏ vào đầu tháng 3. Nó xuất hiện và biến mất - chẳng có gì ý nghĩa cả" - bà nói.
Châu Âu tiếp cận Bắc Kinh sai cách?
Một nhà ngoại giao Tây Âu khác nói rằng mặc dù việc tiếp cận Trung Quốc là quan trọng, nhưng ông Borrell đã làm "sai về mặt chiến thuật", vì Bắc Kinh "không trung lập, cũng không phải là thời điểm thích hợp". "Có lẽ chỉ đến lúc Trung Quốc sợ rằng chúng ta dứt khoát quay lưng lại với họ thì họ mới buộc phải lựa chọn" - quan chức này nói. Tuy nhiên, ông Borrell dường như không nản lòng. Những người thân cận với chính trị gia Tây Ban Nha cho biết ông thực sự tin rằng Bắc Kinh có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn bước tiến của Nga.
Không gì có thể làm lung lay niềm tin của ông Borrell rằng Trung Quốc không muốn chiến tranh ở châu Âu, vì nó sẽ phá vỡ nền kinh tế toàn cầu hóa mà nền khai thác công nghiệp Trung Quốc dựa vào. Ông tin rằng Bắc Kinh có thể sẽ vì cân nhắc lợi ích của mình mà thuyết phục ông Putin ngừng chiến dịch quân sự.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: SPUTNIK
Quan điểm này tiếp tục bị các nhà quan sát địa chính trị tranh cãi gay gắt. Ông Temur Umarov - nhà nghiên cứu về quan hệ Nga-Trung tại Trung tâm Carnegie Moscow (Nga) cho biết: "Mỗi khi có chuyện gì xảy ra, Trung Quốc làm thường đứng ở phía sau, khiến Nga phải làm điều gì đó hoặc tác động đến Nga". "Tuy nhiên, tôi nghĩ đó là sự đơn giản hóa quá mức của tình hình. Tôi không tin rằng Trung Quốc có một số ảnh hưởng đối với ông Putin. Về cơ bản, không ai có" - chuyên gia này nói thêm. Trong một cuộc phỏng vấn tại Nghị viện châu Âu, cựu thủ tướng Lithuania và hiện là nhà lập pháp châu Âu Andrius Kubilius tỏ ra nghi ngờ về việc EU đảm tìm kiếm ủng hộ của Trung Quốc. Thay vào đó, ông đề xuất một hướng tiếp cận khác với Bắc Kinh.
"Đối với ông Putin, Trung Quốc là đối tác kinh tế và chính trị rất quan trọng... Nhưng việc yêu cầu nước này làm trung gian hòa giải là không thực tế. Tôi sẽ đề xuất (với Bắc Kinh) theo một hướng ngược lại: Trung Quốc không can thiệp và không đứng về phía Nga" - ông nói.
Hãng RT (Nga) hôm 18/3 đưa tin, New Zealand là quốc gia mới nhất tham gia trừng phạt Nga vì Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Nguồn: [Link nguồn]