Vạch trần sai trái của học giả bênh Trung Quốc ở biển Đông
Rất hiếm hoi mới tìm ra được những bài viết bênh vực Trung Quốc ở biển Đông trong những ngày này, bởi cách hành xử của Bắc Kinh là phạm pháp.
Tàu hải cảnh TQ nhiều lần thực hiện chiến thuật bắt nạt ở biển Đông. Ảnh minh họa: SCMP
Có một cuộc chiến rất trực quan đang diễn ra ở biển Đông: Cuộc chiến thông tin. Bắc Kinh đang vận động nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế viết bài ủng hộ lập trường sai trái của họ. Điều này cũng giống như cách mà nhiều quan chức ngoại giao Trung Quốc (TQ) tiếp cận quan chức Đức, “khuyến khích” họ nói tốt về công tác chống dịch COVID-19 của Bắc Kinh.
Ngụy biện!
Hôm 27-4, báo South China Morning Post có bài viết của GS Mark J. Valencia có nhan đề (tạm dịch): “Giữa lúc thế giới tập trung chống dịch COVID-19, phải chăng TQ đang khai thác sự mất tập trung ở biển Đông? Suy nghĩ này chỉ dành cho những ai tin vào sự tuyên truyền của Mỹ”. Cũng như những lần trước, bài viết là tiếng nói hiếm hoi và cô độc của một học giả người Mỹ thân TQ muốn bênh vực Bắc Kinh bằng những ngôn từ phiến diện.
GS Mark J. Valencia là học giả thỉnh giảng cao cấp tại Viện Nghiên cứu quốc gia về biển Đông của TQ. Trong bài viết của mình, ông Valencia tập trung thuyết phục người đọc tin rằng: Dù TQ không ngừng các hoạt động tại biển Đông nhưng các nước có yêu sách chủ quyền khác, kể cả nước không có yêu sách như Mỹ, cũng có những hành động đầy tính “khiêu khích” đối với TQ.
“Vâng, đúng là TQ vẫn tiếp tục các hoạt động ở khu vực. Tuy nhiên, các quốc gia khác có yêu sách và đối tác của họ cũng làm vậy. Quan trọng hơn, đối thủ số một và cũng là quốc gia chỉ trích TQ nhiều nhất là Mỹ cũng như thế” - Valencia viết. Từ đó vị học giả này kết luận: “Không thể mong đợi TQ sẽ dừng hoạt động ở biển Đông trong khi những quốc gia khác vẫn thực hiện những bước tiến dài”.
Dù không nói trực tiếp nhưng bài viết Valencia ám chỉ, bênh vực các hoạt động gần đây do chính quyền TQ thực hiện, điển hình như: Đưa các trạm nghiên cứu khoa học vào hoạt động, lập hai quận đảo trực thuộc “thành phố Tam Sa”, cập nhật “danh xưng tiêu chuẩn” (tên chính thức) của khoảng 80 thực thể trên biển, đâm tàu cá Việt Nam (VN) hay chĩa súng radar vào tàu hải quân Philippines…
Sự ngụy biện của Valencia là rất rõ ràng. Thứ nhất, Valencia cố tình lờ đi một sự thật, vốn đã được Tòa Trọng tài 2016 kết luận: Không có cơ sở pháp lý dành cho cái gọi là “quyền lịch sử” và yêu sách đường lưỡi bò. Vì vậy, dựa vào Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và luật pháp quốc gia của các nước liên quan, tất cả hành vi trên của TQ đều phạm pháp.
Thứ hai, Valencia dùng phép ngụy biện “đánh đồng” (Tu quoque). Vị học giả này lập luận: TQ bị chỉ trích “vẫn tiếp tục hoạt động ở biển Đông”, trong khi các nước khác, bao gồm các quốc gia ở biển Đông và cả Mỹ cũng như vậy. Trong khi đó, Valencia “cố tình quên” so sánh bản chất các động thái của TQ và các nước. Theo đó, một bên là các nước ASEAN và Mỹ, vốn thực hiện các quyền lợi chính đáng (đánh bắt hải sản, tuần tra tự do hàng hải, tập trận) theo luật pháp quốc tế. Trái lại, một bên (là TQ) thực hiện các hành động mang tính bắt nạt, đe dọa, dùng vũ lực, thể chế hóa phi pháp các thực thể biển Đông, vi phạm các cam kết của UNCLOS và luật pháp quốc tế mà TQ đã ký.
Bóp méo sự thật!
Ngoài chuyện “đánh đồng” hành vi sai trái của TQ với hành xử đúng pháp luật của các nước khác, GS Mark J. Valencia còn bóp méo sự thật về vụ tàu hải cảnh TQ đâm chìm tàu cá của ngư dân VN ở vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa. Theo Valencia, đây là “sự cố” khiến TQ trở thành tâm điểm của sự chỉ trích, không chỉ từ VN mà cả Mỹ.
Theo Valencia, sự ủng hộ lớn từ phía Mỹ với VN chính là tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ vào ngày 6-4. Trong đó, phía Mỹ cho biết “cực kỳ quan ngại” về vụ chìm tàu, đồng thời cho rằng đó là sự việc mới nhất trong chuỗi dài các động thái mà TQ thực hiện nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền trái phép. “Tuy nhiên, vẫn chưa rõ ai là người có lỗi. VN tuyên bố tàu hải cảnh TQ đã va đâm và đánh chìm tàu của họ, trong khi TQ cho rằng tàu VN từ chối tránh né tàu TQ và sau đó va chạm với tàu TQ sau một cú quay đầu gấp rút” - Valencia viết.
Từ lập luận vô lý đó, vị này kết luận: “Tàu VN đã hoạt động gần cơ quan hành chính đầu não của TQ quản lý quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Việc (tàu cá VN) đánh bắt hải sản tại khu vực này là vô cùng khiêu khích (phía TQ). Nếu VN tiếp tục cho phép các đội tàu cá hoạt động như vậy thì sẽ có thêm những sự cố tương tự xảy ra”.
Ông Valencia ngây ngô không biết hay cố tình giấu nhẹm sự thật: Tàu cá VN đánh bắt cá ở vùng biển VN có đầy đủ chứng cứ để xác lập chủ quyền theo UNCLOS và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Vì vậy, hiển nhiên tàu cá VN có quyền khai thác hải sản và nếu có thêm các vụ va đâm tương tự thì về mặt luật pháp, tàu TQ hành xử hoàn toàn sai trái. VN là quốc gia tuyên bố yêu sách dựa vào UNCLOS và luôn tuyên bố ủng hộ cách hành xử phù hợp với luật pháp quốc tế, còn TQ thì ngược lại.
Ngoài ra, GS Valencia đã cố tình lờ đi các chứng cứ về vụ tàu TQ đâm chìm tàu VN được đăng tải rộng rãi trên các website uy tín của quốc tế. Nói “tàu VN đâm vào tàu TQ để tự chìm” là nói theo phát ngôn vô lý của Bộ Ngoại giao TQ mà hoàn toàn không dựa vào chứng cứ; trong khi các hình ảnh, video thực địa đã chống lại sự biện bạch từ phía chính quyền Bắc Kinh.
TQ đang sử dụng sự hỗ trợ của họ với các quốc gia khác trong cuộc chiến chống COVID-19 để ngăn chặn các phản ứng tiêu cực (từ các quốc gia) nhằm vào việc xâm chiếm biển Đông mà TQ đang thực thi. Bắc Kinh cũng đang lợi dụng sự lo lắng của các nước đối với đại dịch để mở rộng việc kiểm soát tại các vùng biển tranh chấp. Chuyên gia JAY BATONGBACAL, Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và luật biển, ĐH Philippines |
Đổ lỗi!
GS Mark J. Valencia cũng đã đổ lỗi cho Mỹ liên quan cách hành xử vô lý của TQ ở biển Đông. Ông viết: Bộ Ngoại giao Mỹ thúc giục TQ “tập trung vào việc hỗ trợ các nỗ lực quốc tế để chống đại dịch, đồng thời chấm dứt việc lợi dụng sự mất tập trung của các nước. Tuy nhiên, lời kêu gọi đó là đạo đức giả. Trong cái nhìn từ phía Bắc Kinh, quân đội Mỹ luôn giám sát, do thám và đe dọa TQ ngoài vũ trụ, phòng không lẫn trên biển.
Valencia còn cho rằng trong cơn đại dịch, Mỹ cũng tiến hành tuần tra tự do hàng hải tại biển Đông. Lối viết “đổ lỗi” này không phải quá xa lạ khi độc giả nhìn thấy tên Valencia trên các trang báo TQ. Vị học giả thân TQ này (cố tình) bỏ qua một điều: Các chương trình tuần tra tự do hàng hải hay diễn tập chung của Mỹ với các nước tại khu vực đều được phía Mỹ tuyên bố rõ ràng “phù hợp với các nguyên tắc của luật quốc tế”.
Người Mỹ đến nay vẫn được chào đón ở biển Đông, bởi họ là cường quốc có thể kiểm chứng hiệu quả của cái gọi là tự do hàng hải, hay “một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”. Ngoài ra, sự hiện diện của Mỹ và các nước khác (như Úc, EU, Ấn Độ hay Nhật Bản) với tư cách là một quốc gia không có yêu sách chủ quyền càng thúc đẩy thái độ khách quan và thượng tôn pháp luật tại khu vực. Trái lại, các tuyên bố của TQ đều né tránh việc viện dẫn luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS. Khác với Mỹ, hành xử của TQ phạm pháp nên luôn bị các nước lên án.
Bênh Trung Quốc vô lý: Quá quen mặt Mark J. Valencia GS Mark J. Valencia là một cây bút chuyên bênh vực TQ rất vô lý. Hôm 11-4, ông viết bài “Nói xấu TQ không giúp giải quyết tranh chấp trong vùng biển Đông giàu hải sản”. Ngày 13-3, Valencia viết bài “Lý do liên minh chiến lược Việt-Mỹ ở biển Đông khó bền vững” sau khi tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đến thăm Đà Nẵng. Tháng 11 năm ngoái, vị học gia này có bài viết trên Diễn đàn phương Đông (East Asia Forum) cho rằng không chỉ TQ, Mỹ cũng là quốc gia “bắt nạt” nước khác tại biển Đông. Có ba điều quen thuộc trong các bài viết của vị học giả này: (i) Bỏ qua (hoặc chống lại) phán quyết của Tòa Trọng tài 2016 về biển Đông; (ii) Đánh đồng hành xử của TQ với các nước khác, bất chấp sự thật: TQ không có yêu sách hợp pháp tại biển Đông, trong khi các nước khác thường viện dẫn UNCLOS để tranh luận; (iii) Đổ lỗi cho các hành xử của TQ theo kiểu: Vì Mỹ và phương Tây, vì các nước khu vực gây khó khăn cho TQ nên Bắc Kinh buộc phải xây đảo, quân sự hóa, thể chế hóa các thực thể ở biển Đông để… phòng vệ. |
Việc các nhóm nước cùng ra tuyên bố chỉ trích Trung Quốc có thể tạo ra một hiệu ứng lớn khiến uy tín Bắc Kinh suy giảm...
Nguồn: [Link nguồn]