Vaccine TQ không thể buộc Indonesia 'hạ giọng' về Biển Đông

Tuy nhận vaccine COVID-19 từ Trung Quốc, song Indonesia được cho là đã đa dạng hóa nguồn cung, đồng thời vẫn là tiếng nói hàng đầu vì hòa bình và pháp quyền ở Biển Đông.

Tháng 12-2020, 1,2 triệu liều vaccine Sinovac của Trung Quốc đã đến Indonesia, vào thời điểm Jakarta đang bước vào tháng thứ chín kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại quốc gia này, với số ca nhiễm hàng ngày tăng hơn 4.000 trường hợp kể từ cuối tháng 9-2020.

Bắc Kinh đã bắt đầu hỗ trợ vaccine cho các nước Đông Nam Á vào tháng 10-2020. Có thể nói sự hỗ trợ của Bắc Kinh để đối phó đại dịch trong khu vực là rất lớn.

Tờ South China Morning Post ngày 5-5 dẫn lo ngại của một số chuyên gia rằng Indonesia có thể bị thuyết phục để làm dịu quan điểm của mình về tranh chấp tại Biển Đông.

Trên thực tế, Indonesia đã có các động thái nhằm đa dạng hóa nguồn cung vaccine và đã nhắc lại cam kết của mình về một cách tiếp cận hòa bình, hợp pháp để quản lý vấn đề Biển Đông.

Nhận vaccine từ TQ, Indonesia sẽ 'hạ giọng' tại Biển Đông? Ảnh: REUTERS

Nhận vaccine từ TQ, Indonesia sẽ 'hạ giọng' tại Biển Đông? Ảnh: REUTERS

Indonesia phụ thuộc vào vaccine của Trung Quốc?

Theo South China Morning Post, vaccine của Sinovac chiếm khoảng 38% trong tổng số 329,5 triệu liều vaccine được chính phủ Indonesia đặt mua. Tuy nhiên, tổng số vaccine được Jakarta đặt mua chính thức và bổ sung từ tất cả các nguồn (không bao gồm của Sinovac) lên tới 438 triệu liều, chiếm 66%. Do đó, khả năng Indonesia phụ thuộc vào nguồn cung vaccine từ Trung Quốc được nhận định là không cao.

Hơn nữa, theo quan điểm của chính phủ Indonesia, việc mua sắm vaccine từ Trung Quốc và các nguồn bên ngoài khác chỉ là chiến lược ngắn hạn để kiềm chế đại dịch. 

“[Indonesia] vẫn phải có khả năng phát triển vaccine nội địa” – ông Bambang Brodjonegoro, Bộ trưởng Bộ Nghiên cứu và Công nghệ Indonesia, cho biết.

Chiến lược này sẽ giúp Indonesia không hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn vaccine nhập khẩu, gồm cả vaccine từ Trung Quốc.

Bên cạnh việc tránh phụ thuộc vào Bắc Kinh, một lý do khác để đa dạng hóa nguồn cung là do hiệu quả tương đối thấp ở các loại vaccine của Trung Quốc (50,4% đối với Sinovac, 79% đối với Sinopharm và 66% đối với CanSino). Trong khi các nước có thu nhập cao tích trữ vaccine đáng tin cậy hơn từ các hãng Pfizer-BioNTech, Moderna, Novavax và AstraZeneca, thị trường vaccine của Trung Quốc tập trung vào các nước đang phát triển.

Indonesia không phải là quốc gia Đông Nam Á duy nhất đang tìm cách tránh phụ thuộc quá mức vào vaccine của Trung Quốc. Theo quan điểm của Indonesia, ít nhất, điều này đảm bảo rằng hợp tác vaccine sẽ không làm suy yếu hoặc dẫn đến bế tắc ngoại giao liên quan vấn đề Biển Đông.

Theo South China Morning Post, ở mức độ nào đó, việc vaccine của Trung Quốc không chiếm ưu thế trong nguồn cung ở các nước Đông Nam Á giúp làm giảm nguy cơ bất hòa giữa các quốc gia Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và cho phép Indonesia dẫn dắt ASEAN về vấn đề Biển Đông.

Rõ ràng, có mối liên hệ giữa vaccine và tranh chấp tại Biển Đông. Tại Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte đã yêu cầu vaccine từ Trung Quốc. Ông Duterte tuyên bố không đối đầu với Bắc Kinh ở Biển Đông và quyết định từ chối tái lập căn cứ quân sự của Mỹ.

Theo một nguồn tin ngoại giao, trong chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tới Philippines hồi tháng 1, Trung Quốc đã tặng Philippines 600.000 liều vaccine và yêu cầu Manila thể hiện “sự giao lưu hữu nghị trước công chúng, như kiểm soát khẩu chiến ngoại giao” về Biển Đông.

Liệu Indonesia sẽ ''hạ giọng'' trong vấn đề Biển Đông?

Theo South China Morning Post, Biển Đông đã trở thành một khu vực cạnh tranh của các cường quốc.

Trước thềm các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ cần sự hợp tác từ các quốc gia ASEAN. Đổi lại, ASEAN muốn duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Indonesia là một nhân tố trung tâm cho mục đích này. Từ những năm 1990, Indonesia đã tổ chức hội thảo về quản lý xung đột tiềm ẩn ở Biển Đông. Hồi tháng 9-2012, Indonesia đã đưa ra dự thảo ban đầu nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán COC. Hợp tác vaccine không thể ngăn cản việc Jakarta kêu gọi Bắc Kinh hành xử hợp pháp ở Biển Đông.

Hồi năm 2020, khi đang trong quá trình trao đổi về vấn đề hợp tác vaccine với Trung Quốc, Indonesia đã gửi hai công hàm lên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc bác bỏ yêu sách về Biển Đông của Bắc Kinh, trích dẫn phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực ở La Haye.

Đối với Jakarta, quyết định trên và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) là hai điều kiện tiên quyết và không thể tách rời đối với hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Ngoài ra, Indonesia cũng đã tích cực vận động các đối tác ASEAN nhằm thúc đẩy tiến trình đàm phán COC, dự kiến sẽ kết thúc trong năm nay.

Indonesia được cho là nắm giữ vị trí tốt nhất để thực hiện vai trò này vì là quốc gia Đông Nam Á lớn nhất, nhà lãnh đạo “tự nhiên” của ASEAN và là một quốc gia ven Biển Đông chứ không phải là một bên yêu sách.

Bên lề Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (tức Quốc hội) lần thứ 13 ngày 7-3, ông Vương Nghị đã bày tỏ cam kết đối với khu vực Biển Đông hòa bình và ổn định. 

Tuy nhiên, cam kết này có thể không đủ đối với khu vực. Duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông có thể cần đến một COC cụ thể dựa trên cơ sở UNCLOS.

Liệu Indonesia có đủ mạnh dạn để thúc giục Trung Quốc tôn trọng UNCLOS trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông hay không là một phép thử cho sự độc lập của cả Jakarta và khu vực. Hợp tác hữu nghị và cùng có lợi với Trung Quốc cần được tiến hành mà không ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định của khu vực, và theo quy định của pháp luật.

Mặc dù có mối liên hệ giữa chính sách ngoại giao vaccine của Bắc Kinh và vấn đề Biển Đông, nhưng hợp tác vaccine không nên khiến Jakarta giảm nhẹ lập trường của mình.

Indonesia đã hưởng lợi từ sự hợp tác này, song chính quyền của Tổng thống Joko Widodo cũng tìm cách đa dạng hóa các nguồn cung vaccine phòng ngừa COVID-19, đồng thời vẫn cam kết phát triển vaccine riêng của mình.

Indonesia đã cố gắng quản lý các rủi ro tiềm ẩn trong việc hợp tác vaccine bất cân xứng với Trung Quốc. Để không phụ thuộc quá nhiều vào Bắc Kinh, Jakarta đến nay đã hạn chế mạo hiểm sự độc lập của mình trong việc quản lý các mối quan hệ song phương, đồng thời vẫn là tiếng nói hàng đầu vì hòa bình và pháp quyền ở Biển Đông.

Giúp Indonesia trục vớt tàu ngầm, Bắc Kinh có thể được lợi gì?

Việc hỗ trợ Indonesia trục vớt tàu ngầm bị nạn được cho là có thể giúp Trung Quốc “nghiên cứu địa lý quân sự hàng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HÒA ĐẶNG ([Tên nguồn])
Tin tức Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN