Vaccine ít, nhiễm COVID-19 ở Indonesia cứ ngày sau cao báo động hơn ngày trước
Trong chưa tới một tuần, số ca nhiễm COVID-19 mới mỗi ngày ở Indonesia đã bốn lần đạt mức đỉnh mới.
Số ca nhiễm COVID-19 mới tại Indonesia một lần nữa tăng lên mức đỉnh mới khi mà nước này vẫn là ổ dịch nghiêm trọng nhất Đông Nam Á, hãng tin Reuters cho hay.
Theo thông báo lúc 4 giờ chiều 26-6 của Bộ Y tế Indonesia, nước này đã phát hiện tổng cộng 2.093.962 ca nhiễm COVID-19, bao gồm 56.729 trường hợp đã tử vong và 1.842.457 bệnh nhân đã được chữa khỏi.
Trước đó, số ca nhiễm mới tại Indonesia được công bố hôm 21-6 là 14.536, vượt mức đỉnh 14.518 đã tồn tại gần 5 tháng trước đó. Trong chưa đầy một tuần qua, ba mức đỉnh mới đã lần lượt được xác nhận là 15.308 ca (ngày 23-6), 20.574 ca (ngày 24-6) và mới nhất chính là 21.095 ca được báo cáo ngày 26-6.
Một nhân viên y tế đẩy bình oxygen y tế đến khu vực điều trị các bệnh nhân COVID-19 ở Jakarta (Indonesia). Ảnh: REUTERS
Suốt từ ngày 17-6 tới ngày 26-6, số ca nhiễm mới theo ngày được Indonesia công bố đều cao hơn 10.000. Trong mười ngày này, tổng số ca nhiễm mới là 156.313, tương đương 8% tổng số ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận trong 15 tháng rưỡi trước đó.
Theo trang tin Channel News Asia, số ca nhiễm mới ở Indonesia có thể còn tiếp tục tăng từ nay tới đầu tháng 7.
Số người chết vì COVID-19 được Indonesia báo cáo mới hôm 26-6 là 358, giảm so với con số 422 trường hợp được ghi nhận trong ngày trước đó.
Hiện nay, “kỷ lục” đau buồn về số bệnh nhân COVID-19 tử vong ở Indonesia trong mỗi 24 giờ vẫn là 476 ca (được báo cáo hôm 28-1). Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, số ca tử vong mới mỗi ngày đang có chiều hướng tăng.
Số ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh ở Indonesia do người dân đi lại nhiều trong dịp lễ kết thúc tháng ăn chay Ramadan bất chấp các hướng dẫn phòng dịch đã được ban hành bổ sung từ trước. Điều này đang khiến hệ thống y tế Indonesia có dấu hiệu quá tải.
Hôm 23-6, Reuters đưa tin về một trường hợp tử vong vì COVID-19 ở Jakarta nhưng thi thể bệnh nhân phải “nằm chờ” trước nhà hơn nửa ngày mới được các nhân viên y tế tới xử lý.
Vụ việc xảy ra trước đó hai ngày, khi cảnh sát địa phương nhận được thông tin về ca tử vong này nhưng không thể làm gì hơn ngoài việc cho thi thể vào túi trắng và để lại tại nhà bệnh nhân do đây không phải lực lượng chuyên trách xử lý thi thể các bệnh nhân COVID-19.
Các nhân viên y tế chuyên trách trong khu vực đã phải căng sức xử lý bảy thi thể bệnh nhân COVID-19 khác trước khi tới nhà bệnh nhân trên vào khoảng 14 giờ sau đó.
Bộ trưởng Y tế Indonesia, ông Budi Gunadi Sadikin hôm 25-6 cho biết thủ đô Jakarta đã chuẩn bị xây dựng thêm một số bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 và bố trí thêm giường bệnh để đối phó với số ca nhiễm tăng nhanh ở siêu đô thị này. Jakarta đang chiếm gần 1/4 số ca nhiễm COVID-19 đã được ghi nhận tại Indonesia.
Ông Sadikin cũng cam kết sẽ đảm bảo nguồn công oxygen y tế, tránh lặp lại thảm cảnh thiếu bình oxygen như Ấn Độ từng trải qua.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đặt mục tiêu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 7,5 triệu trong tổng số 10,5 triệu dân ở thủ đô Jakarta trước cuối tháng 8. Dù thừa nhận mục tiêu này là đầy tham vọng, ông Widodo nhấn mạnh rằng đẩy nhanh tiêm chủng là việc phải làm.
Theo số liệu của Bộ Y tế Indonesia, gần 4,09 triệu dân Jakarta đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19, bao gồm hơn 1,91 triệu người đã nhận đủ hai liều vaccine.
Cả nước Indonesia đã triển khai hơn 40,22 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, giúp hơn 13,11 triệu người được tiêm chủng đầy đủ và gần 14,11 triệu người khác được tiêm một liều vaccine.
Indonesia vẫn là nước có số ca nhiễm và số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất Đông Nam Á. Trong khu vực, nước có số ca nhiễm cao thứ hai là Philippines (hơn 1,39 triệu trường hợp) và các nước còn lại đều không quá 1 triệu ca nhiễm. Trong khi đó, số người chết vì COVID-19 ở Indonesia vẫn hơn gấp rưỡi tổng số trường hợp tương tự tại mười nước còn lại ở Đông Nam Á.
Nguồn: [Link nguồn]
Truyền thông địa phương đã đặt câu hỏi rằng, phải chăng số người tử vong vì Covid-19 gia tăng là do "biến chủng...