Vaccine COVID-19 Trung Quốc: Hiệu quả thế nào, phủ sóng thế giới tới đâu?

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Vaccine của Sinovac có hiệu quả ngừa nhiễm 51%, vaccine của Sinopharm có hiệu quả ngừa nhiễm 79%.

Tính tới nay đã có 2 loại vaccine COVID-19 của Trung Quốc (TQ) được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chứng nhận cho phép đưa vào sử dụng khẩn cấp.

Vaccine CoronaVac (của công ty tư nhân Sinovac) được WHO chứng nhận ngày 1-6. Vaccine của công ty nhà nước Sinopharm được WHO chứng nhận ngày 7-5.

Băn khoăn về hiệu quả

Theo thông báo từ WHO thì vaccine CoronaVac có hiệu quả ngừa nhiễm 51% ở giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, còn vaccine của Sinopharm thì có mức độ hiệu quả 79%.

Vaccine CoronaVac được dùng trong tiêm chủng ở Philippines. Ảnh: Ezra Acayan/GETTY IMAGES

Vaccine CoronaVac được dùng trong tiêm chủng ở Philippines. Ảnh: Ezra Acayan/GETTY IMAGES

Theo tạp chí Nature, cả hai loại vaccine của TQ đều có thể bảo quản được ở nhiệt độ tủ lạnh, công tác phân phối sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên có thể thấy mức hiệu quả của CoronaVac và của Sinopharm thấp hơn nhiều so với 7 loại vaccine khác mà WHO chứng nhận. 

Nature lưu ý rằng hai loại vaccine của TQ được sản xuất dựa vào công nghệ làm tê liệt virus, dường như hiệu quả bảo vệ ngăn nhiễm không cao bằng các loại vaccine sử dụng công nghệ mRNA như các loại vaccine của các hãng Pfizer/BioNTech (Mỹ/Đức), Mordena (Mỹ).

Theo tạp chí Nature ngày 4-6, tuần trước Brazil đã họp báo công bố một số kết quả thử nghiệm. Cụ thể, kết quả thử nghiệm CoronaVac tại thị trấn Serrana đưa lại hiệu quả đáng kể trong ngăn chặn đại dịch. Thử nghiệm, nghiên cứu này do Viện Butantan ở Sao Paulo thực hiện. Gần như toàn bộ người trưởng thành ở Serrana được tiêm vaccine CoronaVac. Và kết quả là loại vaccine này đã giảm đáng kể số ca nhiễm, số ca nhập viện, và số ca tử vong.

Sinh viên được tiêm ngừa COVID-19 ở ĐH Bắc Kinh, ở thủ đô Bắc Kinh (TQ). Ảnh: VCG/GETTY IMAGES

Sinh viên được tiêm ngừa COVID-19 ở ĐH Bắc Kinh, ở thủ đô Bắc Kinh (TQ). Ảnh: VCG/GETTY IMAGES

Đầu tháng 12-2020, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Bahrain là hai nước đầu tiên cho phép sử dụng vaccine của Sinopharm. Thử nghiệm ở UAE cho thấy tỉ lệ hiệu quả ngăn nhiễm với hai liều vaccine này là 86%, không có trường hợp chết khi tiêm.

Thử nghiệm ở Chile cho thấy CoronaVac có thể ngăn chặn tử vong tới 80%, dù bệnh nhân nhiễm các biến thể nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 như Alpha (B.1.1.7) và Gamma (P.1).

Ngày 16-4, Bộ Y tế Chile công bố một nghiên cứu về chiến dịch tiêm chủng của mình, cho thấy CoronaVac hiệu quả ngừa nhiễm 67%, ngăn bệnh tiến triển nặng phải nhập viện và tử vong đến hơn 80%. Nghiên cứu cũng lưu ý là loại vaccine này chỉ có hiệu quả ngừa nhiễm 16% nếu mới được tiêm một liều (quy định là hai).

Nghiên cứu thực hiện ở Indonesia từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay cho thấy vaccine CoronaVac hiệu quả 98% ngăn tử vong và 96% ngăn bệnh tiến triển nặng phải nhập viện, nếu tiêm liều thứ hai.

Giám đốc CDC Trung Quốc thừa nhận cần cải thiện hiệu quả

Theo hãng tin AP, trong một cuộc họp báo ngày 10-4, ông Cao Phúc - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Trung Quốc thừa nhận các loại vaccine hiện tại của TQ hiệu quả không cao trong việc ngừa nhiễm COVID-19, và cần phải có cách cải thiện điều này. Trong lần họp báo này ông Cao Phúc cũng khen ngợi lợi ích của các loại vaccine sản xuất theo công nghệ mRNA (các vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna).

“Chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề các vaccine hiện tại không có được tỉ lệ bảo vệ cao. Chúng tôi đang cân nhắc liệu có nên sử dụng các loại vaccine khác nhau từ các dòng kỹ thuật khác nhau vào tiến trình tiêm chủng hay không” – ông Cao Phúc nói trong cuộc họp báo tại Thành Đô.

Một phương án khác, theo ông Cao Phúc là nghiên cứu điều chỉnh liều lượng, khoảng cách các lần tiêm, hay số lần tiêm.

Ông Cao Phúc - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Trung Quốc phát biểu tại một cuộc họp báo về vaccine ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên (TQ) ngày 10-4. Ảnh: Chinatopix /AP

Ông Cao Phúc - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Trung Quốc phát biểu tại một cuộc họp báo về vaccine ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên (TQ) ngày 10-4. Ảnh: Chinatopix /AP

Phần lớn các loại vaccine đang lưu hành hiện tại đều quy định phải tiêm hai liều, và hiện có nhiều nghiên cứu xem thử liệu người tiêm có phải được tiêm thêm (một hay một số) liều nâng cao sau đó nữa hay không.

Nature cho biết nhiều nhà nghiên cứu vẫn muốn có nhiều dữ liệu hơn về khả năng bảo vệ người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, thời gian bảo vệ là bao lâu, hiệu quả thế nào với các biến thể mới xuất hiện. Dù thế CoronaVac và Sinopharm vẫn được nhiều nhà nghiên cứu tin tưởng sẽ là các loại vaccine chủ chốt để kiềm chế đại dịch.

Vaccine TQ đã tiếp cận thế giới ở mức độ nào?

Chứng nhận của WHO sẽ tạo điều kiện cho hai loại vaccine trên của TQ lưu hành nhiều hơn ở các nước thu nhập thấp, thông qua Sáng kiến Tiếp cận Vaccine COVID-19 toàn cầu (COVAX), dù hiện tại cả hai đều đã và đang được sử dụng nhiều trong chiến dịch tiêm chủng nội địa TQ cũng như trên thế giới. Theo Nature, với nhiều nước, vaccine TQ là loại vaccine tiếp cận được duy nhất.

Hiện TQ chưa cấp phép cho bất cứ loại vaccine nước ngoài nào, ngoại trừ 4 loại vaccine nội địa của mình. Hiện TQ đã cấp phép sử dụng năm loại vaccine nội địa, tất cả đều bảo vệ được ở nhiệt độ 2-8 độ C.

CoronaVac và vaccine của Sinopharm đều là hai loại vaccine chủ lực của chiến dịch tiêm chủng nội địa TQ, vốn được đặt mục tiêu tiêm cho 70% dân số 1,4 tỉ dân vào cuối năm 2021. TQ cũng gửi vaccine ra một số nước (như Thái Lan) để tiêm cho công dân TQ tại đây.

Một điểm tiêm vaccine di động ở Bắc Kinh. Trong 10 ngày TQ tiêm cho 125 triệu dân. Ảnh: AP

Một điểm tiêm vaccine di động ở Bắc Kinh. Trong 10 ngày TQ tiêm cho 125 triệu dân. Ảnh: AP

Về toàn cầu, vaccine TQ đã tiếp cận 93 nước. Trong 4 khu vực địa lý của thế giới thì châu Á-Thái Bình Dương là khu vực nhận nhiều vaccine TQ nhất (34 nước mua và nhận quyên góp từ TQ). Tiếp đó là Mỹ Latinh (18 nước). Châu Phi xếp thứ ba (31 nước nhưng tổng số liều nhận được lại ít hơn). TQ cũng có một số đơn hàng từ châu Âu.

Sau châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ Latinh là khu vực nhận số liều vaccine TQ nhiều thứ hai, dù số nước nhận chỉ 12. Quan hệ giữa TQ và Mỹ Latinh gần gũi. Với khu vực này, TQ chủ yếu bán (281 triệu liều, đã chuyển 77 triệu liều) nhiều hơn tặng (1 triệu liều).

Trong số các nước Mỹ Latinh thì Brazil là nước mua nhiều nhất, với 100 triệu liều CoronaVac. Tiếp đó là Chile (60 triệu liều cho dân số 19 triệu dân), cùng một số lượng ít vaccine của Pfizer/BioNTech. Chile là một trong những nước thực hiện chiến dịch tiêm chủng nhanh nhất thế giới, với 86,9% vaccine được sử dụng là CoronaVac. Mexico là nước duy nhất ở khu vực này cấp phép sử dụng một lúc nhiều loại vaccine của TQ: của Sinovac, Sinopharm, CanSino.

Các nước châu Phi nhận vaccine TQ thông qua chương trình sáng kiến COVAX, bên cạnh một số thỏa thuận song phương với TQ. TQ đã chuyển giao 20 triệu liều cho châu Phi, trong tổng số 44 triệu liều đã hứa. Vaccine TQ chuyển cho châu lục này dưới hình thức quyên góp nhiều hơn là bán.

Tính tới ngày 29-5-2021, TQ đã tiêm 621 triệu liều, đã phân phối khoảng 1,87 tỉ liều ra thế giới. TQ đặt mục tiêu sản xuất từ 3-5 tỉ liều trong năm nay. Ngoài ra còn có một lượng nữa sản xuất hợp tác với các nước khác, như UAE sẽ sản xuất phiên bản vaccine của Sinopharm (gọi là Hayat-Vax).

Các loại vaccine WHO chứng nhận ngoài hai loại vaccine của TQ gồm: vaccine của Moderna, của Pfizer/BioNTech, của Johnson & Johnson, của  ĐH Oxford và AstraZeneca, và một phiên bản của Oxford–AstraZeneca nhưng được sản xuất ở Viện Serum (Ấn Độ) có tên Covishield.

Ấn Độ bắt đầu nới phong tỏa, chuyên gia phập phồng lo lắng

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở 2 trong số các thành phố lớn nhất Ấn Độ đã chính thức mở cửa trở lại hôm 7/6...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ĐĂNG KHOA ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN