Vaccine Covid-19 đường uống sẽ là cuộc cách mạng y học cho thế giới?
Thế giới sẽ chứng kiến cuộc cách mạng lớn nếu loại vaccine phòng Covid-19 dạng uống đầu tiên trên thế giới được thử nghiệm thành công.
Oravax Medical - công ty con của Tập đoàn Oramed Pharmaceuticals (Israel), đang chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 dạng uống tại Bệnh viện Ichilov.
Cuộc thử nghiệm đã được hội đồng y khoa ở Ichilov thông qua và đang chờ Bộ Y tế Israel cấp phép trong vài tuần tới.
Đây là thành quả nghiên cứu sau nhiều tháng của Oravax, dựa trên công nghệ truyền protein qua đường uống (POD) của Oramed và công nghệ vaccine của Công ty Ấn Độ Premas Biotech.
Theo kết quả của một thử nghiệm thí điểm trên động vật, viên vaccine đã kích thích sự phát triển của các kháng thể Immunoglobulin G (IgG) và Immunoglobulin A (IgA).
Vaccine dạng uống Oravax hứa hẹn sẽ tiết kiệm thời gian, công sức tiêm phòng và hạn chế rác thải y tế
Tờ The Jerusalem Post dẫn lời Giám đốc điều hành (CEO) Oramed, ông Nadav Kidron cho biết, vaccine dạng uống của Oravax tác động vào 3 protein cấu trúc của SARS-CoV-2 thay vì chỉ tác động với protein gai như vaccine do Moderna hay Pfizer/BioNTech phát triển.
Do đó, theo ông Kidron, loại vaccine dạng uống này được dự đoán có khả năng chống lại biến thể Covid-19 cao hơn các vaccine hiện tại.
Oravax cũng đang nghiên cứu cách dùng viên vaccine như liều tăng cường cho những người đã được chủng ngừa Covid-19 trước đó.
Hiện tại, Oravax đang chuẩn bị thử nghiệm với sự tham gia của 24 tình nguyện viên chưa tiêm vaccine.
Theo ông Kidron, tình nguyện viên sẽ chia thành 2 nhóm, một nhóm uống một viên vaccine và nhóm còn lại uống 2 viên. Thời gian thử nghiệm mất khoảng 6 tuần.
CEO Kidron tuyên bố nếu vaccine dạng uống có tác dụng, đây sẽ là cuộc cách mạng cho thế giới. Không chỉ vì hiệu quả chống lại các biến chủng mà còn bởi vaccine dạng uống chỉ cần giữ lạnh bình thường, thậm chí có thể bảo quản ở nhiệt độ thường, từ đó việc phân phối khắp thế giới dễ hơn.
Bên cạnh đó, vaccine đường uống có thể dùng được tại nhà, không cần sự hỗ trợ từ nhân viên y tế, không cần đến kim tiêm.
Qua đó, các chính phủ giảm chi phí cho chiến dịch chủng ngừa và hạn chế rác thải y tế. Hơn nữa, nhà sản xuất còn khẳng định, vaccine đường uống có ít tác dụng phụ hơn so với đường tiêm.
Viên nang vắc xin COVID-19 có thể là “cứu cánh” ở các quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng thấp, theo công ty dược phẩm có...
Nguồn: [Link nguồn]