Vaccine cho trẻ em: Cả thế giới sốt ruột
Hầu hết các nước chỉ mới tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người lớn, một số ít nước tiêm cho trẻ vị thành niên, trẻ dưới 12 tuổi đang là đối tượng chịu nhiều rủi ro vì chưa thể tiếp cận vaccine.
Đại dịch COVID-19 kéo dài đã gần hai năm. Vaccine ngừa đã có gần một năm, tuy nhiên phần lớn vẫn mới chỉ dành cho người lớn, trong khi nguy cơ bị nhiễm bệnh không chừa trẻ em. Vấn đề này càng nóng hơn khi trẻ em các nước bắt đầu vào năm học mới.
Lo lắng, sốt ruột
Những ngày đầu đại dịch, các bậc cha mẹ có phần bớt lo khi nhiều chuyên gia đồng ý rằng so với người lớn thì COVID-19 ít gây nguy kịch cho trẻ em hơn. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của biến thể Delta thì điều này không còn đúng nữa. Đây là nhận định của chuyên gia Heather Fernandez, Giám đốc điều hành Tổ chức dịch vụ y tế Solv (Mỹ) và Phó GS Isaac Thomsen, Giám đốc Chương trình thí nghiệm nghiên cứu vaccine Vanderbilt (Mỹ), trong bài viết chung trên trang tennessean.com.
Một bé gái được tiêm vaccine Soberana-02 do Cuba sản xuất để ngừa COVID-19 tại thủ đô Havana ngày 24-8. Ảnh: CNN
Thời điểm này lượng trẻ em bị lây nhiễm nhiều hơn bất kỳ giai đoạn nào của đại dịch. Chẳng hạn ở Mỹ, so với lượng trẻ nhiễm trong tuần từ ngày 22 đến 29-7 thì lượng trẻ nhiễm trong những tuần gần đây cao hơn tới 250%. Có đến 750.000 trẻ nhiễm trong thời gian từ ngày 5-8 đến 2-9. Thời điểm đầu tháng 9, 26% số ca nhiễm ở Mỹ là trẻ em.
So với các biến thể khác của virus SARS-CoV-2, biến thể Delta không chỉ lan tràn nhanh trong bộ phận dân số trẻ mà còn làm bệnh nguy kịch hơn. Các phòng chăm sóc tích cực ở các bệnh viện (BV) nhi tại Mỹ hoạt động hết công suất. Cuối tháng 8, Hiệp hội BV nhi ở Mỹ kêu gọi sự hỗ trợ liên bang với các BV nhi khắp nước trước tình trạng quá tải và thiếu nhân viên y tế.
Còn tại Trung Quốc, làn sóng biến thể Delta đã làm hàng chục trẻ em tại ít nhất 10 trường học ở tỉnh Phúc Kiến bị lây nhiễm.
Thực tế tiêm vaccine cho trẻ em ở các nước
Phần lớn các quốc gia chỉ mới tiêm phòng cho người từ 18 tuổi trở lên. Một số nước như Úc, Hàn Quốc, Anh tiêm cho người từ 16 tuổi trở lên. Nhiều nước như Mỹ, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý, Nhật, Hà Lan, New Zealand, Philippines, Malaysia, Israel… tiêm cho trẻ từ 12 tuổi trở lên. Đáng chú ý, theo Khmer Times, ngoài người lớn thì Campuchia đã tiêm cho trẻ 6-18 tuổi với tỉ lệ gần 90% số trẻ độ tuổi này.
Riêng Cuba là nước đầu tiên trên thế giới tiêm đại trà cho trẻ từ hai tuổi trở lên từ đầu tháng 9. Lý do chính là để trẻ an toàn quay lại trường học. Vì hiện thay vì đến trường thì trẻ phải ngồi nhà học trực tuyến hàng giờ liền mỗi ngày, tuy nhiên hệ thống Internet tại nhà ở Cuba chưa đảm bảo cho việc này.
Vaccine nội địa Soberana-02 của Cuba là vaccine protein tái tổ hợp giống như Novavax, một loại vaccine do Mỹ phát triển và hiện vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Trung tâm kiểm soát Dược phẩm và thiết bị y khoa nhà nước Cuba phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine Soberana-02 cho trẻ 2-18 tuổi từ ngày 20-8, sau khi loại vaccine này vượt qua các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ nhất và thứ hai, cho kết quả “được dung nạp tốt” ở trẻ nhóm tuổi này. Cuba cho biết sẽ sớm đề nghị Tổ chức Y tế Thế giới phê duyệt vaccine Soberana-02.
Gấp rút thử nghiệm, xin cấp phép
Với thực tế này, trẻ em dưới 12 tuổi đang là đối tượng chịu nhiều rủi ro vì chưa thể được tiêm vaccine. Vì thế, các hãng dược đang gấp rút thử nghiệm tiến tới xin cấp phép tiêm cho trẻ.
Trung Quốc đang thử nghiệm hai loại vaccine của Sinovac và Sinopharm cho trẻ em. Cả hai loại vaccine này đều đã được Trung Quốc cấp phép sử dụng khẩn cấp cho trẻ 3-17 tuổi, tuy nhiên thực tế thì việc tiêm chỉ mới được thực hiện với trẻ từ 12 tuổi trở lên (91% trẻ 12-17 tuổi đã được tiêm đủ hai mũi). Hãng Sinovac đang thực hiện một dự án thử nghiệm toàn cầu với 14.000 trẻ từ các nước Nam Phi, Kenya, Chile, Philippines, Malaysia, theo hãng tin AP. Trong đó, Nam Phi đang trong giai đoạn 3 tiêm thử nghiệm cho 2.000 trẻ từ sáu tháng đến 17 tuổi. 4.000 trẻ 3-17 tuổi ở Chile tham gia dự án thử nghiệm này.
Tại Mỹ, theo Reuters, sau nhiều tháng thử nghiệm trên trẻ em, ngày 28-9, hãng dược Pfizer (Mỹ) và đối tác là Công ty công nghệ sinh học BioNTech (Đức) thông báo đã đệ trình dữ liệu thử nghiệm vaccine lên Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) để xin cấp phép tiêm cho trẻ 5-11 tuổi. Theo CNN, thời gian FDA cân nhắc có thể mất vài tuần.
Dữ liệu thử nghiệm với trẻ 2-5 tuổi cũng có khả năng sẽ được đệ trình sớm lên FDA. Với nhóm trẻ nhỏ nhất, Pfizer nói với CNN rằng khả năng hãng sẽ có đủ dữ liệu nghiên cứu vào tháng 10 hoặc tháng 11, sau đó sẽ trình FDA phê duyệt.
Hãng Moderna cũng đang thực hiện thử nghiệm nhưng chậm hơn Pfizer vài tháng. Hãng Johnson & Johnson thì đã hoàn thành các giai đoạn thử nghiệm 1 và 2 nhưng chưa có lịch thử nghiệm giai đoạn 3 và trình dữ liệu lên FDA.
Theo TS Anthony Fauci, Giám đốc Viện Các bệnh dị ứng và truyền nhiễm quốc gia Mỹ, thành viên cấp cao đội chống dịch COVID-19 của chính phủ Mỹ, khả năng trẻ từ năm tuổi trở lên ở Mỹ sẽ được tiêm vaccine vào cuối tháng 10 hoặc trong tháng 11.
Với đà tăng ca nhiễm ở trẻ em, các thành viên gia đình cần thiết phải có ý thức tự bảo vệ mình hơn nữa để cùng bảo vệ trẻ em. TS FRANCISCO DURAN GARCIA, nhà dịch tễ hàng đầu Cuba |
Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ Một thực tế là trẻ em không phải người lớn thu nhỏ. Theo TS Kari Simonsen, người đang dẫn dắt việc thử nghiệm vaccine của Pfizer, thông thường mọi ứng viên vaccine sẽ được nghiên cứu đánh giá trước ở người lớn và sau đó ở lứa tuổi nhỏ hơn. Các nhà khoa học không thể đưa ra giả định về độ an toàn hoặc khả năng dung nạp của thuốc ở trẻ em giống như đối với người lớn. Đối với phiên bản vaccine ngừa COVID-19 dành cho trẻ em, các nhà khoa học sử dụng kết hợp thông tin kết quả từ các thử nghiệm với người lớn và từ thử nghiệm với trẻ em. Theo TS Stanley Perlman, thành viên Ủy ban Cố vấn về vaccine và các sản phẩm liên quan sinh học của FDA Mỹ, với trẻ 12 tuổi, các hãng không phải tuyển cho được 30.000 người tham gia thử nghiệm như các thử nghiệm thực hiện ở người lớn, vì các hãng có thể thực hiện một phương pháp gọi là “bắc cầu miễn dịch”. Dữ liệu cho thấy với nhóm tuổi này, phản ứng miễn dịch tương đương với người lớn. Với trẻ nhỏ tuổi hơn, các hãng cũng có cách tiếp cận tương tự. Tuy nhiên, đầu tháng 8, FDA yêu cầu các hãng phải tăng thời gian theo dõi dữ liệu lên sáu tháng thay vì hai tháng như với người lớn. FDA cũng yêu cầu Pfizer và Moderna tăng gấp đôi số trẻ 5-11 tuổi tham gia các thử nghiệm. Trong thử nghiệm vaccine dành cho trẻ em, các nhà khoa học sẽ đưa ra dự đoán tốt nhất về liều lượng an toàn và sẽ tạo ra phản ứng miễn dịch. Theo TS y khoa Emily Chapman, hệ thống miễn dịch trẻ em hoạt động rất tốt và nhạy bén, vì vậy các nhà khoa học nghĩ có khả năng liều lượng vaccine nhỏ hơn cũng sẽ kích hoạt tốt miễn dịch. |
Nguồn: [Link nguồn]
Trong khi nhiều quốc gia như Mỹ và các thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đang đẩy mạnh tiêm ngừa COVID-19 cho nhóm đối...