Vắc xin TQ có mặt ở hơn 100 quốc gia: Vì sao được nhiều nước sử dụng?

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Hơn 1 tỷ người dân Trung Quốc đã được tiêm vắc xin Covid-19 và Bắc Kinh tiếp tục xuất khẩu thêm nhiều vắc xin. Theo Sputnik, vắc xin Covid-19 của Trung Quốc đang trở thành nguồn bảo vệ duy nhất của nhiều nước khi đại dịch lan ra toàn cầu. 

Sinopharm và SinoVac là 2 loại vắc xin Covid-19 của Trung Quốc được xuất khẩu nhiều nhất. Ảnh: Shutterstock

Sinopharm và SinoVac là 2 loại vắc xin Covid-19 của Trung Quốc được xuất khẩu nhiều nhất. Ảnh: Shutterstock

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuần trước tuyên bố, vắc xin Covid-19 do Trung Quốc sản xuất đã được xuất khẩu sang hơn 100 quốc gia, giúp đáp ứng phần lớn nhu cầu tiêm chủng của thế giới.  

Phát biểu hôm 17/9, ông Tập nói với các lãnh đạo của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải rằng, Trung Quốc đã cung cấp gần 1,2 tỷ mũi vắc xin Covid-19 cho hơn 100 quốc gia và tổ chức quốc tế trên thế giới, đưa Bắc Kinh trở thành nhà cung cấp vắc xin Covid-19 lớn nhất thế giới. 

 "Chúng tôi sẽ tăng cường hợp tác chống Covid-19 với các nước đang phát triển, tận dụng hiệu quả nguồn tài trợ 100 triệu USD cho COVAX, và đóng góp xứng đáng vào chiến thắng cuối cùng của nhân loại với đại dịch", Hãng Tân Hoa xã dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc. 

Hôm 21/9, khi phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, ông Tập nói thêm rằng, Trung Quốc sẽ cung cấp thêm 1 tỷ mũi vắc xin Covid-19 cho thế giới vào cuối năm nay. 

Chương trình COVAX, do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI) đồng quản lý, cung cấp vắc xin Covid-19 cho các nước khó khăn nhất thế giới với chi phí thấp. 

Hiện tại, COVAX đã phân phối 470 triệu mũi vắc xin Covid-19 cho châu Phi, đủ để tiêm cho 17% dân số của châu lục này. Tuy nhiên, WHO cho biết, vẫn còn thiếu khoảng 470 triệu mũi khác do thiếu nguồn cung, đe dọa đến mục tiêu tiêm chủng cho 40% dân số của châu lục này vào cuối năm nay. 

Vì sao vắc xin Trung Quốc phổ biến?

Theo một bài viết hôm 21/9 trên trang South China Morning Post, vắc xin Trung Quốc được nhiều nước sử dụng vì đáp ứng nhiều yếu tố, gồm chi phí, nguồn cung dồi dào và dễ sử dụng, bảo quản. 

SinoVac và Sinopharm, hai loại vắc xin Covid-19 chính của Trung Quốc được xuất khẩu, đều là vắc xin bất hoạt (WIV) - sử dụng công nghệ có sẵn, không cần tạo ra các phương pháp sản xuất hoặc phân phối mới, nên giúp giảm đáng kể chi phí.  

Ngoài ra, các vắc xin Covid-19 của Trung Quốc có thể được bảo quản ở nhiệt độ từ 2 đến 8 độ C, hoặc nhiệt độ tủ lạnh thông thường, theo BBC. Các vắc xin Covid-19 mRNA của phương Tây đòi hỏi phải bảo quản ở nhiệt độ thấp hơn rất nhiều. Ví dụ, vắc xin Moderna là âm 20 độ C, vắc xin Pfizer-BioNTech là âm 70 độ C. Các vắc xin này cần có các buồng bảo quản lạnh chuyên dụng. Nhiều vùng nông thôn hoặc miền núi không có sẵn các buồng bảo quản này. 

"Với sự thiếu hụt nguồn cung hiện nay, hàng tỷ mũi vắc xin WIV từ Sinopharm, Sinovac và Bharat, khi được WHO phê duyệt, sẽ rất quan trọng trong đợt tiêm chủng toàn cầu", Jerome Kim, tổng giám đốc Viện vắc xin quốc tế, nói với SCMP. 

Ông Kim cho biết, các vắc xin WIV sẽ tiếp tục giữ vai trò quan trọng vì chưa rõ "các vắc xin mRNA có dồi dào, rẻ và được sản xuất nhanh hay không. Chưa kể tới việc thay đổi thông số bảo quản các vắc xin này". 

Theo WHO, hai mũi vắc xin Sinopharm sẽ có hiệu quả bảo vệ 79% trước virus SARS-CoV-2. Hai mũi SinoVac có hiệu quả bảo vệ là 51%.

Nguồn: [Link nguồn]

Vắc xin Sinovac hiệu quả 98,9% với nhóm 3-17 tuổi

CoronaVac, vắc xin của công ty Sinovac, đã được Trung Quốc phê duyệt sử dụng khẩn cấp cho nhóm người trong độ tuổi 13-17,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN