Uy tín tranh cử tổng thống của ông Trump sụt giảm nghiêm trọng
Nhiều thách thức chính trị - pháp lý sau báo cáo của quốc hội Mỹ về vụ 6-1 đang tác động xấu đến uy tín tranh cử của cựu tổng thống Donald Trump ở cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024.
Mới đây, Ủy ban điều tra của Hạ viện Mỹ về vụ tấn công điện Capitol (trụ sở Quốc hội Mỹ) ngày 6-1 năm ngoái (gọi tắt là Ủy ban 6.1) đã công bố các bản ghi một số cuộc phỏng vấn và lời khai của các nhân chứng về sự việc này. Báo cáo dài hơn 800 trang dựa trên gần 1.200 cuộc phỏng vấn trong 18 tháng và hàng trăm ngàn tài liệu cùng các phán quyết của hơn 60 tòa án cấp bang và liên bang.
Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 19-12, ủy ban này cũng đã cáo buộc cựu Tổng thống Donald Trump phạm bốn trọng tội gồm: Cản trở quy trình chính thức của quốc hội, âm mưu lừa gạt nước Mỹ, đưa ra tuyên bố sai sự thật và hỗ trợ hoặc xúi giục nổi dậy. Ủy ban kiến nghị Bộ Tư pháp Mỹ truy tố hình sự ông Trump, với sự nhất trí của toàn bộ chín thành viên - bảy hạ nghị sĩ đảng Dân chủ và hai hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa.
Theo ông Trump, việc người biểu tình gây bạo loạn ở trụ sở Quốc hội Mỹ là trách nhiệm của Thị trưởng bang Washington Muriel Bowser cùng Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Ông nói rằng hai chính trị gia này “có trách nhiệm” đảm bảo an ninh cho tòa nhà và khi vụ tấn công xảy ra, ông đã liên tục thắc mắc “vì sao bà Nancy Pelosi không làm gì”. |
Ông Trump phản ứng gay gắt
Theo đài CNN, trong nội dung báo cáo của Ủy ban 6.1 có 11 điểm khuyến nghị để cải thiện hệ thống chính trị Mỹ, trong đó có một nội dung đáng chú ý là thành lập cơ chế để ngăn ông Trump tái tranh cử tổng thống. Ủy ban này lý giải rằng ông Trump đã vi phạm lời tuyên thệ lúc mới nhậm chức rằng sẽ bảo vệ Hiến pháp Mỹ khi hỗ trợ người biểu tình bạo loạn.
Bản báo cáo không có giá trị pháp lý ràng buộc nên hiện vẫn chưa rõ Bộ Tư Pháp sẽ phản ứng với những khuyến nghị từ Ủy ban 6.1 như thế nào. Bộ này cũng được cho là đang tiến hành điều tra riêng về vụ việc và sẽ có kết luận sau.
Tờ The New York Times dẫn lời Cố vấn đặc biệt Jack Smith, người đang phụ trách cuộc điều tra riêng của Bộ Tư pháp Mỹ liên quan ông Trump, cho biết chưa cung cấp nhiều thông tin công khai cho thấy khả năng ông sẽ cân nhắc bất cứ cáo buộc cụ thể nào để truy tố hình sự.
Tuy nhiên, cả Ủy ban 6.1 và các công tố viên liên bang từ Bộ Tư pháp đều nhắm tới cáo buộc ông Trump đã cản trở quy trình chính thức của quốc hội là trọng tâm trong cuộc điều tra của mỗi bên. Vụ bạo loạn ngày 6-1 xảy ra khi các cơ quan lập pháp Mỹ đang tập trung làm việc để chứng nhận kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.
Ông Trump, người đã công bố chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng năm 2024, lâu nay đều cho rằng các cuộc điều tra nhằm vào ông đều xuất phát từ động cơ chính trị. Sau khi Ủy ban 6.1 công bố kiến nghị, ông Trump nói nếu lại bị truy tố, đó sẽ là lần thứ hai ông bị buộc tội một cách “sai trái”. “Những cáo buộc ngụy tạo của Ủy ban 6.1 đều mang tính đảng phái cao này đã được đệ trình, tố tụng và xét xử dưới hình thức trò luận tội sai trái lần hai” - ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social hôm 20-12.
“Chuyện truy tố tôi cũng chẳng khác gì trò luận tội, một nỗ lực mang tính đảng phái nhằm loại bỏ tôi và đảng Cộng hòa” - ông Trump tuyên bố.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một buổi vận động tranh cử ở bang Maryland hồi tháng 9-2020. Ảnh: AP
Gió đang đổi chiều với ông Trump
Trên thực tế, việc liên tục mắc kẹt trong các rắc rối pháp lý liên quan vụ bạo loạn 6-1 đang hủy hoại nghiêm trọng hình ảnh của ông Trump trước công chúng, tờ The Washington Post cho hay. Theo các cuộc thăm dò gần đây, ông tiếp tục không được lòng phần lớn người dân Mỹ và sự ủng hộ dành cho ông đang giảm ngay cả trong số cử tri Cộng hòa.
Theo kết quả một cuộc khảo sát về ứng viên tiềm năng của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 hồi đầu tháng, Thống đốc bang Florida Ron DeSantis đã gây bất ngờ khi dẫn trước ông Trump với cách biệt 23%. Cũng theo kết quả khảo sát này, có 47% người được hỏi tin rằng Tổng thống Joe Biden sẽ tiếp tục giành chiến thắng vào năm 2024. Con số này của vị cựu tổng thống Mỹ chỉ là 40%.
Một số nghị sĩ Cộng hòa cũng đã công khai phát biểu đồng tình rằng ông Trump có dính líu đến vụ bạo loạn ngày 6-1. Theo tờ The Hill, đơn cử là Thống đốc bang Arkansas Asa Hutchinson ngày 19-12 viết trên trang Twitter chính thức có rất nhiều bằng chứng cho thấy rõ ràng cựu Tổng thống Trump phải chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra.
Hiện chỉ một số ít nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ quyết định tái tranh cử của ông Trump, một trong số đó là Hạ nghị sĩ Elise Stefanik của bang New York. Bà đã gọi Ủy ban 6.1 là “vi hiến và bất hợp pháp”, đồng thời khẳng định ông Trump có đủ vị thế để tham gia cuộc đua năm 2024.
Những gương mặt Cộng hòa có thể thay ông Trump tranh cử năm 2024 The Hill cho rằng Thống đốc bang Florida Ron DeSantis đang là “ngôi sao sáng” của đảng Cộng hòa khi giành chiến thắng áp đảo trước đối thủ Dân chủ Charlie Crist trong cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua. Hiện ông DeSantis vẫn chưa thông báo sẽ ra tranh cử nhưng khả năng ông tham gia vẫn khá cao. Cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley, người được một số đảng viên Cộng hòa ca ngợi vì có lý lịch ấn tượng, cũng đánh tiếng về khả năng ra tranh cử tổng thống vào năm 2024. Tuy nhiên, bà Haley cũng từng nói là sẽ không làm vậy nếu ông Trump ra tranh cử. Hạ nghị sĩ Liz Cheney, cựu Thống đốc Chris Christie của bang New Jersey, Thượng nghị sĩ Ted Cruz của bang Texas, Thống đốc Larry Hogan của bang Maryland, Thống đốc Asa Hutchinson của bang Arkansas, cựu Phó Tổng thống Mike Pence và cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng có thể là những ứng viên tiềm năng trong cuộc đua tổng thống năm 2024. Tuy nhiên, chưa chính trị gia nào trong số này chính thức công bố ý định. |
Nguồn: [Link nguồn]
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ra không hài lòng trong một cuộc phỏng vấn khi phóng viên New York Times nhắc rằng, người có thể là đối thủ tranh cử tổng thống của ông đang...