Uy lực tên lửa chuyên bảo vệ Nhà Trắng được Mỹ chuyển cho Ukraine
Tên lửa phòng không tầm trung-xa NASAMS là vũ khí tin cậy được quân đội Mỹ chuyên sử dụng để bảo vệ Nhà Trắng và Lầu Năm Góc.
Mỹ xác nhận cung cấp cho Ukraine hai hệ thống tên lửa phòng không NASAMS.
Lầu Năm Góc cuối tuần trước thông báo gói hỗ trợ quân sự mới trị giá 820 triệu USD, bao gồm các tên lửa tầm trung-xa hiện đại và radar phản pháo nhằm đối phó với các đợt nã pháo tầm xa của Nga. Mỹ cũng cung cấp thêm cho quân đội Ukraine 150.000 quả đạn pháo.
Đáng chú ý nhất trong gói hỗ trợ là hai hệ thống tên lửa đất đối không NASAMS, do công ty quốc phòng Na Uy Kongsberg hợp tác phát triển cùng hãng Raytheon Technologies của Mỹ.
Đây là lần đầu tiên Ukraine có cơ hội sử dụng tên lửa phòng không hiện đại có xuất xứ từ phương Tây, thay vì phụ thuộc vào các tổ hợp phòng không S-300 có nguồn gốc từ Liên Xô.
“Hệ thống này do Na Uy và Mỹ đồng sản xuất, là một hệ thống vũ khí kiểu NATO. Điều quan trọng là phải bắt đầu hỗ trợ Ukraine chuyển đổi cách vận hành từ hệ thống phòng không kiểu Liên Xô, cũng như giới thiệu các công nghệ mới”, một quan chức quốc phòng Mỹ nói, theo Defense News.
NASAMS là tên lửa phòng không uy lực, được quân đội Mỹ tin tưởng giao phụ trách bảo vệ vùng trời ở Nhà Trắng và Lầu Năm Góc, theo Defense News. Trong những năm gần đây, NASAMS còn được xuất khẩu sang Hungary, Indonesia và nhiều quốc gia khác.
Xe phóng tên lửa phòng không NASAMS.
Theo báo Mỹ The Drive, do Washington chỉ mới đồng ý chuyển giao hai hệ thống phòng không NASAMS, quân đội Ukraine nhiều khả năng sẽ bố trí ít nhất một hệ thống ở thủ đô Kiev.
Dựa vào thông báo của Lầu Năm Góc, báo Mỹ cho rằng, Na Uy sẽ đảm nhận trách nhiệm cung cấp cho Ukraine tên lửa phòng không NASAMS, thay vì Mỹ chuyển trực tiếp.
Na Uy có thể chuyển cho Ukraine các phiên bản đầu tiên của tên lửa NASAMS, thay vì các phiên bản nâng cấp tiên tiến hơn như NASAMS 2 và 3.
Mỗi bệ phóng NASAMS chứa 6 đạn tên lửa, tầm bắn tiêu chuẩn 25-40km. Một hệ thống tên lửa phòng không NASAMS thường bao gồm 12 bệ phóng, 8 radar AN/MPQ-64F1, một trung tâm kiểm soát hỏa lực và một số phương tiện hỗ trợ khác.
NASAMS thực chất là bệ phóng tên lửa cố định hoặc gắn trên khung thân bánh lốp. Đạn tên lửa được sử dụng thường là tên lửa đối không AIM-120.
Điều này giúp giảm đáng kể chi phí sản xuất các hệ thống NASAMS do tên lửa AIM-120 luôn có sẵn trong kho vũ khí của NATO.
NASAMS có thể sử dụng nhiều đạn tên lửa phòng không khác nhau tùy nhiệm vụ chiến đấu.
NASAMS cũng có thể phóng tên lửa đối không tầm ngắn AIM-9 Sidewinder, IRIS-T SLS hoặc tên lửa tầm xa như AMRAAM-ER.
Tên lửa AIM-120 do hãng Raytheon của Mỹ sản xuất, nặng 152kg, dài 3,7m, dẫn đường quán tính và bằng radar chủ động giai đoạn cuối.
AIM-120 vốn là tên lửa chuyên tìm diệt máy bay đối phương nên có cơ chế tự tìm diệt rất nhạy. Phi công hoặc kíp điều khiển chỉ cần bấm nút khai hỏa, tên lửa sẽ tự tìm đến mục tiêu dựa vào radar tích hợp sẵn. Giá thành một quả tên lửa vào khoảng 390.000 USD.
Hệ thống tên lửa phòng không NASAMS cũng được trang bị hệ thống radar hiện đại, chuyên dùng để đối phó đối phương trong tình huống trên không phức tạp, khi đối phương sử dụng các phương tiện gây nhiễu sóng điện từ và trong mọi điều kiện thời tiết.
Các hệ thống NASAMS có lợi thế khi tìm diệt các mục tiêu ở tầm thấp và cực thấp. Đây là lý do Mỹ bố trí các tổ hợp NASAMS làm nhiệm vụ bảo vệ Nhà Trắng và Lầu Năm Góc, nơi cần các hệ thống phòng không có độ chính xác cao và hoạt động tin cậy.
Theo The Drive, NASAMS hiệu quả trong việc đánh chặn tên lửa hành trình bay thấp, ví dụ như các tên lửa được Nga sử dụng rộng rãi trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Cuối tháng trước, Nga đã phóng ít nhất 4 tên lửa hành trình tầm xa Kh-101 nhằm vào các mục tiêu ở thủ đô Kiev. Bộ Quốc phòng Nga nói quân đội Ukraine đã cố gắng phóng tên lửa đánh chặn nhưng không thành công.
Sự xuất hiện của hệ thống tên lửa phòng không NASAMS được cho là sẽ làm gia tăng đáng kể năng lực phòng thủ của Ukraine trước hỏa lực vượt trội của Nga.
Tàu chiến Mỹ USS Vincennes từng phóng hai tên lửa đối không SM-2MR khiến máy bay Air Airbus A300 của Iran chở theo gần 300 người nổ tung trên bầu trời ở vùng biển Vịnh Ba Tư.
Nguồn: [Link nguồn]