Uy lực siêu tăng T-80BVM của Nga chuyên dùng để đối phó phương Tây
Quân đội Nga hiện nay sở hữu một mẫu xe tăng uy lực hơn cả những chiếc T-90, nhưng rất hiếm khi đem ra sử dụng vì vẫn còn những điểm yếu cố hữu.
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-80BVM sau khi trải qua quá trình nâng cấp toàn diện.
Trước khi Mỹ đưa vào biên chế xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams sử dụng động cơ turbine khí, Liên Xô cũng có phiên bản tương tự là xe tăng T-80.
Mối đe dọa thường trực với phương Tây
Động cơ turbine trên xe tăng T-80 có thể sử dụng nhiều loại nhiên liệu như xăng và dầu diesel. Điều này giúp giảm sự phụ thuộc vào lực lượng hậu cần.
Mỗi chiếc T-80 chỉ cần 3 phút để khởi động và chuyển trạng thái chiến đấu, thay vì 30 phút như trên các xe tăng sử dụng động cơ diesel thông thường.
Hoạt động nhanh nhạy nhờ công suất lớn, T-80 từng được coi là “át chủ bài” của Liên Xô trong trường hợp chiến tranh với các nước phương Tây. Ngày nay, phiên bản nâng cấp T-80BVM vẫn là mẫu xe tăng uy lực nhất trong kho vũ khí quân đội Nga.
T-80 là mẫu xe tăng được thiết kế chuyên cho nhiệm vụ đối đầu trực diện với xe tăng NATO trên những bình nguyên rộng lớn ở châu Âu. Nó được thiết kế cho các mũi đột kích chớp nhoáng, thọc sâu phòng tuyến đối phương.
Theo National Interest, trong trường hợp chiến tranh xảy ra với NATO, những chiếc T-80 có thể tác chiến thần tốc, tới eo biển Anh chỉ trong 5 ngày, miễn là được đảm bảo hậu cần và vấn đề nhiên liệu.
Điểm yếu lớn nhất xe tăng T-80 là "uống xăng như nước", khi tiêu tốn gấp nhiều lần so với xe tăng dùng động cơ diesel. Ước tính T-80 “ngốn” tới 750 lít nhiên liệu cho quãng đường 100km.
Thiết kế ban đầu còn nhiều khiếm khuyết khiến T-80 phải hoạt động hết công suất ngay cả khi xe tăng đứng yên.
Động cơ turbine trên T-80 cũng có nhược điểm khi phải hoạt động trong môi trường nóng và nhiều cát bụi, tương tự dòng Abrams của Mỹ.
Lần đầu tham chiến thảm họa
Trong suốt một thời gian dài, các xe tăng T-80 được Liên Xô cất giữ cẩn thận, không tham chiến trên mặt trận Afghanistan.
Một chiếc T-80 bị phá hủy trong cuộc chiến Chechnya.
T-80 tham chiến lần đầu vào tháng 12.1994 trong trận đánh vào thủ phủ Grozny của Chechnya. Lần ra quân này được coi là một thảm họa với xe tăng T-80 cũng như lực lượng tăng thiết giáp Nga.
Các chỉ huy Nga đánh giá thấp năng lực của đối phương, đưa xe tăng T-80 vào môi trường tác chiến đô thị, vốn không phải là sở trường của mẫu siêu tăng này.
Lực lượng phòng thủ Grozny phân tán trên các tòa nhà cao tầng, nã nhiều quả đạn chống tăng vào nóc và sườn xe tăng T-80, khiến quân đội Nga chịu thiệt hại nặng.
Ngược lại, các đặc tính trứ danh của T-80 như vận hành cơ động, hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại, lại “không có đất diễn” . Những chiếc T-80 gặp còn có nhược điểm do góc nâng nòng pháo kém, không thể bắn tới mục tiêu ở tầng cao.
Trong số 84 xe tăng T-80 mà quân đội Nga đưa vào chiến trường Chechnya, 16 chiếc bị phá hủy hoàn toàn.
Sau thiệt hại ở Grozny, quân đội Nga không bao giờ đưa xe tăng T-80 đột kích vào thành phố. Chúng chỉ đóng vai trò yểm trợ bộ binh từ khoảng cách an toàn.
Tương lai chưa lỗi thời
Tháng 12.2019, nhà sản xuất vũ khí Nga Rostec thông báo đã hoàn tất hợp đồng nâng cấp các xe tăng T-80 lên phiên bản hiện đại nhất mang tên T-80BVM, theo Sputnik.
Rostec không tiết lộ có bao nhiêu xe tăng được nâng cấp cho quân đội Nga, nhưng ước tính Nga hiện có khoảng 550 xe tăng T-80 trong biên chế hoạt động và 3.000 chiếc niêm cất trong kho.
T-80 là mẫu xe tăng duy nhất của quân đội Nga sử dụng động cơ turbine khí.
T-80BVM được bọc giáp Relikt với năng lực bảo vệ tương đương các xe tăng T-90. Vũ khí chính được nâng cấp lên pháo nòng trơn 2A46M-4, tăng 15-20% độ chính xác so với phiên bản trước, tầm bắn hiệu quả 2-3km.
T-80BVM cũng có khả năng phóng tên lửa 9M119M qua nòng pháo chính, cải thiện khả năng tiêu diệt chính xác mục tiêu đối phương ở tầm xa.
Mỗi chiếc T-80BVM được trang bị 45 quả đạn pháo và tên lửa. Đây là mẫu xe tăng sử dụng hệ thống nạp đạn tự động. Nếu hệ thống trục trặc, kíp lái có thể chuyển sang chế độ nạp đạn bằng tay.
Vũ khí phụ trang bị trên xe tăng bao gồm 1 súng máy 12 ly 7, cơ số đạn 300 viên và súng máy 7,62mm, cơ số đạn 1.250.
Các hệ thống điều khiển hỏa lực cũng được nâng cấp tương xứng với phiên bản T-90. Động cơ của xe tăng T-80BVM vẫn là động cơ turbine khí, công suất 1.250 mã lực.
Đây là động cơ sử dụng trên các trực thăng chiến đấu, tinh chỉnh cho phù hợp với xe tăng. Để giải quyết vấn đề tiêu thụ nhiên liệu quá lớn, các kỹ sư Nga đã trang bị cho xe tăng thiết bị phát điện phụ trợ, hoạt động khi kíp lái không sử dụng động cơ turbine.
Hiện nay, các xe tăng T-80BVM chủ yếu được quân đội Nga đưa vào trực chiến ở vùng có khí hậu lạnh giá.
Có thể nói, trải qua quá trình nâng cấp toàn diện, T-80BVM vẫn là mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực uy lực nhất trong biên chế quân đội Nga, khi những chiếc T-14 Armata chưa chính thức xuất hiện.
Nhưng chi phí vận hành đắt đỏ, bảo trì tốn kém là các lý do khiến quân đội Nga rất hiếm khi sử dụng đến mẫu siêu tăng này.
Nguồn: [Link nguồn]
Chỉ một chiếc xe tăng KV-1, quân đội Liên Xô đã cầm chân cả một sư đoàn của Đức trong 24h đồng hồ. Mọi nỗ lực...