Uy lực “quái vật đại dương” mang tên lửa hạt nhân của Israel
Israel hiện có 3 tàu ngầm hạt nhân lớp Dolphin đóng vai trò răn đe mạnh mẽ, trong đó có một tàu luôn thường trực trên biển.
Các tàu ngầm lớp Dolphin có kích thước khiêm tốn nhưng rất phù hợp với chiến lược của Israel.
Theo National Interest, các tàu ngầm lớp Dolphin của Israel được coi là át chủ bài đưa nước này sánh ngang với các cường quốc trên thế giới. Được mệnh danh là “quái vật đại dương” các tàu ngầm lớp Dolphin luôn sẵn sàng giáng đòn hạt nhân hủy diệt đối phương nếu Israel bị tấn công.
Israel lần đầu hoàn thiện vũ khí hạt nhân vào đầu những năm 1970, gắn trên bom thông thường và tên lửa đạn đạo Jericho. Việc các thành phố “hứng mưa tên lửa đạn đạo” của Iraq trong Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991 khiến Israel tin rằng họ cần sở hữu bộ ba hạt nhân trên bộ, trên biển và đất liền để tối đa hóa khả năng răn đe và đảm bảo sự sống còn.
Trong số bộ ba hạt nhân, các tàu ngầm trang bị tên lửa hạt nhân là thứ khó phát hiện và có khả năng sống sót cao nhất. Các tàu ngầm này có thể biến mất hàng tuần, thậm chí là hàng tháng, sẵn sàng chờ lệnh tấn công. Điều này khiến đối phương phải suy nghĩ kỹ trước khi tấn công, vì không thể xác định được vị trí tàu ngầm Israel.
Năm 1988, trước khi Chiến tranh Vùng Vịnh nổ ra, Israel đặt mua ba tàu ngầm từ Đức, nhưng không rõ các tàu này mang được vũ khí hạt nhân hay không. Tới đầu thập niên 1990, ba tàu Dolphin, Leviathan và Tekuma được hạ thủy và hoạt động cho đến năm 2000.
Binh sĩ Israel đứng trên tàu ngầm lớp Dolphin.
Các tàu ngầm lớp Dolphin dài 57m, có lượng giãn nước 1.720 tấn và độ sâu tối đa 350m. Chúng được trang bị tổ hợp định vị sonar (thủy âm) CSU-90-1, gồm sonar chủ động DBSQS-21D và thụ động AN 5039A1, cùng sonar đo xa thụ động PRS-3-15 và sonar mảng pha thụ động FAS-3-1.
Mỗi tàu ngầm Dolphin được trang bị 10 ống phóng ngư lôi, 6 cỡ 533mm tiêu chuẩn và 4 cỡ lớn 650mm, có thể khai hỏa ngư lôi hạng nặng của Mỹ hay chính Israel sản xuất.
4 ống phóng ngư lôi đóng vai trò quan trọng trong năng lực răn đe của Israel. Chúng có thể đóng vai trò rải mìn, phóng tên lửa hành trình hạt nhân, điển hình là dòng Popeye.
Popeye vốn là tên lửa không đối đất mang đầu đạn nặng 340 kg. Không quân Mỹ đã mua 154 tên lửa loại này và đổi tên thành AGM-142 Raptor để trang bị cho oanh tạc cơ B-52. Israel đã cải tiến tên lửa Popeye để có thể trang bị cho tàu ngầm, với động cơ phản lực giúp tăng tầm bắn.
Tàu ngầm lớp Dolphin có thể khai hỏa tên lửa hạt nhân tầm bắn 1.500km.
Israel cũng có thể trang bị đầu đạn hạt nhân cho tên lửa chống hạm Gabriel hoặc phiên bản Harpoon của Mỹ. Mỗi đầu đạn hạt nhân có sức công phá gấp 14 lần quả bom Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản.
Tuy vậy, tầm bắn của tên lửa khá hạn chế, chỉ vào khoảng 1.500km, tức là không bao trùm được toàn bộ thủ đô Tehran của Iran nếu phóng từ ngoài khơi Syria. Báo Mỹ đồn đoán rằng Israel đã bí mật cải thiện tầm bắn của tên lửa trong suốt gần hai thập kỷ qua.
Việc sở hữu ba tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân giúp Israel duy trì ít nhất một tàu thường trực trên biển. Tàu ngầm lớp Dolphin có thể mang 16 ngư lôi và tên lửa, bao gồm 8 quả mang đầu đạn hạt nhân.
Giữa thập niên 2000, Israel đặt mua thêm tàu ngầm lớp Dolphin II. Chúng khá giống lớp tàu trước đó, nhưng được bổ sung một khoang dài 11 m để chứa Hệ thống đẩy không khí độc lập (AIP). Hệ thống này cho phép tàu lặn lâu và hoạt động êm ái hơn nhiều.
Dolphin II là mẫu tàu ngầm lớn nhất Đức từng đóng kể từ Thế chiến 2. Ba tàu lớp Dolphin II dự kiến sẽ thay thế các tàu tiền nhiệm, giúp duy trì năng lực răn đe hạt nhân trước các đối thủ tiềm tàng như Iran.
Tàu ngầm hạt nhân mới nhất của Nga chuyên mang tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân, tầm bắn vươn đến khắp mọi nơi trên...