Uống rượu bia lái xe: Nước ngoài quy định nồng độ cồn và xử phạt thế nào?
Quy định mới về luật Phòng chống tác hại rượu bia có hiệu lực ngày 1/1/2020 đang khiến dư luận trong nước bàn tán xôn xao. Nhân dịp này, mời bạn đọc tham khảo quy định về giới hạn nồng độ cồn và mức xử phạt tài xế uống rượu bia khi lái xe ở một số nước trên thế giới.
Say xỉn khi lái xe bị xử phạt như thế nào ở các nước trên thế giới?
Hôm 1/1/2020, nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, chính thức có hiệu lực.
Theo đó, bất kể người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (ô tô, máy kéo, xe máy, xe máy điện, xe mô tô) và phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (xe đạp, xích lô, xe lăn, xe súc vật kéo...) nào cũng đều không được phép uống rượu bia khi lưu thông trên đường. Nếu vi phạm, dù chỉ có nồng độ cồn nhẹ trong máu, tài xế sẽ phải nhận mức xử phạt cao hơn nhiều so với trước đây.
Đối với người điều khiển ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất, phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg /1l khí thở.
Đối với người điều khiển xe mô tô từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng. Người điều khiển xe đạp, xe thô sơ từ 400-600 nghìn đồng.
Theo quy định mới, người điều khiển ô tô, xe máy, xe đạp nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn dù chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg /1l khí thở, vẫn bị xử phạt.
Một số quốc gia khác trên thế giới cũng áp dụng nhiều hình phạt nghiêm khắc để ngăn chặn tình trạng say xỉn khi tham gia giao thông.
Mỹ
Tài xế có nồng độ cồn vượt mức cho phép khi tham gia giao thông ở Mỹ sẽ bị xử phạt nặng
Chính phủ Mỹ giới hạn nồng độ cồn trong máu cho phép với người từ 21 tuổi trở lên là 80 mg/100 ml. Trong khi đó, với những người dưới 21 tuổi, nồng độ cồn trong máu cho phép sẽ dao động ở mức dưới 20 mg/100 ml hoặc bằng 0 (tức là người dưới 21 tuổi không được phép uống rượu bia rồi lái xe), tùy theo quy định của các bang.
Tiền phạt, đình chỉ giấy phép lái xe và án tù có thể được áp dụng tùy vào tần suất của hành vi phạm tội. Ví dụ, tại bang Washington, tài xế có nồng độ cồn trong máu vượt mức cho phép, nếu vi phạm lần đầu, sẽ có thể bị phạt tù một năm và phạt tiền từ 350 USD tới 5.000 USD, theo trang Edgar Snyder.
Tài xế nếu phạm tội lần 2 trong vòng 7 năm kể từ lần vi phạm đầu tiên có thể bị phạt tù một năm và 2 tháng quản thúc tại gia. Mức phạt tiền sẽ tăng từ 500 USD tới 5.000 USD.
Nếu tái phạm lần 3, người vi phạm có thể phải ngồi tù từ 3 tháng đến một năm và 120 ngày quản thúc tại gia. Mức tiền phạt sẽ tăng từ 1.500 USD đến 5.000 USD.
Đặc biệt, nếu 5 lần vi phạm chỉ trong vòng 10 năm, tài xế có thể phải ngồi tù tới 8 năm và bị phạt khoản tiền lên tới 10.000 USD.
Nga
Cảnh sát giao thông Nga kiểm tra nồng độ cồn một tài xế
Trong những kỳ nghỉ dài, giới chức Nga vô cùng đau đầu với số người thương vong trong các vụ tai nạn giao thông liên quan tới tài xế say xỉn.
Để ngăn tình trạng này, hồi tháng 5/2019, Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga đã thông qua dự luật về tăng cường hình phạt đối với lái xe sử dụng rượu bia gây hậu quả nghiêm trọng, Tass đưa tin.
Theo dự luật mới, nồng độ cồn trong máu cho phép là 0,3g trên mỗi lít máu, The Moscow Times cho hay. Tài xế bị phát hiện say xỉn sẽ bị phạt 475 USD và tịch thu bằng tới 2 năm.
Nếu gây tai nạn giao thông trong tình trạng say xỉn, nồng độ cồn vượt mức cho phép và hậu quả vụ va chạm khiến người khác bị thương hoặc tử vong, tài xế có thể phải đối mặt với án tù cao nhất là 15 năm. Các mức phạt nặng sẽ được áp dụng nếu vụ tai nạn khiến ít nhất 2 người thiệt mạng. Trước đó, mức xử phạt cao nhất chỉ là 9 năm tù.
Ngoài ra, dự luật cũng đề xuất tăng hình phạt với các hành vi phạm tội tương tự trong tình trạng say rượu ở đường sắt, đường hàng không, đường biển, đường thủy nội địa và tàu điện ngầm.
Vương quốc Anh
Vương quốc Anh là một trong những nước đầu tiên trên thế giới có luật về cấm lái xe khi uống rượu bia
Đây là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới có luật về cấm điều khiển phương tiện giao thông khi đã sử dụng bia rượu (năm 1872).
Mỗi vùng tại vương quốc Anh lại có quy định khác nhau về nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở khi lái xe. Tại Anh và xứ Wales, giới hạn nồng độ cồn cho tài xế là 80mg/100ml máu, 35mg/100ml hơi thở hoặc 107mg/100ml nước tiểu. Trong khi đó, tại Scotland, tiêu chuẩn này cao hơn, ở mức 50 mg/100 ml máu, tương đương với hầu hết các nước châu Âu cũng như trên thế giới.
Một số nước châu Á
Ở châu Á, một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc... đều áp dụng mức phạt cao.
Tại Trung Quốc, giới hạn nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông là dưới 80 mg/100 ml máu. Tài xế bị phát hiện trong máu có nồng độ cồn từ 80 mg/100 ml trở lên sẽ bị tạm giữ 15 ngày, tước bằng lái xe và trong 5 năm sau đó không được cấp bằng trở lại. Nếu say rượu gây thương tích nghiêm trọng hoặc tử vong, tài xế sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và tước bằng vĩnh viễn.
Cảnh sát giao thông Hàn Quốc làm nhiệm vụ
Tại Hàn Quốc, theo luật giao thông sửa đổi có hiệu lực từ tháng 6/2019, nếu phát hiện tài xế với nồng độ cồn vượt mức 30 mg/100 ml máu (quy định trước đó là 50 mg/100 ml), tài xế sẽ bị đình chỉ bằng lái. Người vi phạm sẽ bị thu giữ bằng lái nếu bị phát hiện nồng độ cồn trong máu vượt mức 80 mg/100 ml máu (quy định trước đó là 100 mg/100 ml).
Hình phạt tối thiểu cho hành vi uống rượu bia gây tai nạn giao thông dẫn tới tử vong được nâng lên ít nhất 3 năm tù (quy định trước đó là một năm).
Ngoài ra, hành vi chống đối yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn cũng bị coi là tội hình sự. Nếu không có lý do chính đáng, tài xế có thể bị bắt ngay lập tức hoặc truy nã nếu bỏ trốn.
Một chuyên gia tư vấn tài chính đi uống rượu với bạn bè ở Anh đã tỉnh dậy cách nhà hơn 1.400km tại Tây Ban Nha mà không...
Nguồn: [Link nguồn]