Ứng viên thủ tướng Anh tuyên bố 'sẵn sàng dùng vũ khí hạt nhân'
Keir Starmer, ứng viên đang tranh cử ghế thủ tướng Anh, tuyên bố chính sách "sẵn sàng dùng vũ khí hạt nhân nếu cần thiết", khi căng thẳng gia tăng với Nga.
"Răn đe hạt nhân rất quan trọng và là một phần cốt lõi trong năng lực phòng thủ của Anh, nên đương nhiên chúng tôi phải sẵn sàng sử dụng", Keir Starmer, lãnh đạo Công đảng đối lập ở Anh, nói hôm 3/6, khi được hỏi nếu trở thành thủ tướng, liệu ông có cho phép khai hỏa vũ khí hạt nhân trong trường hợp cần thiết hay không.
Starmer đưa ra phát biểu tại buổi vận động tranh cử ở viện bảo tàng Fusilier tại thị trấn Bury. Ông là đối thủ chính của Thủ tướng Anh Rishi Sunak trong cuộc tổng tuyển cử tổ chức vào ngày 4/7, cả hai đang vượt xa các ứng viên khác trong những cuộc thăm dò gần đây.
Ông Starmer từ chối nêu rõ hoàn cảnh nào sẽ buộc ông ra lệnh khai hỏa vũ khí hạt nhân nếu trở thành người lãnh đạo chính phủ, cho biết việc tiết lộ nó khi đang tranh cử thủ tướng là điều "vô trách nhiệm", đồng thời khẳng định đây là "thông tin tuyệt mật".
Ông Starmer tại buổi vận động tranh cử gần Glasgow hôm 31/5. Ảnh: AFP
Dù vậy, phát biểu được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng Nga và các nước phương Tây, trong đó có Anh, liên quan việc Mỹ và đồng minh cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ để tập kích lãnh thổ Nga.
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev hôm 10/5 cho biết cuộc diễn tập hạt nhân đang diễn ra khi đó của Moskva là để chuẩn bị sẵn sàng trả đũa những cuộc tấn công của Ukraine bằng tên lửa Anh.
Vũ khí hạt nhân là vấn đề gây chia rẽ Công đảng dưới thời cựu lãnh đạo Jeremy Corbyn, người phản đối gay gắt việc sử dụng loại vũ khí hủy diệt này. Ông Corbyn từng nhấn mạnh rằng vũ khí nguyên tử "đã không giúp ích gì cho Mỹ trong vụ khủng bố 11/9" và khẳng định "sẽ không nhấn nút" khai hỏa nó.
Trong lần gần nhất Anh bỏ phiếu về việc gia hạn hệ thống vũ khí hạt nhân Trident hồi năm 2016, 140 trên tổng số 230 nghị sĩ của Công đảng tại Hạ viện Anh đã bỏ phiếu thuận, bất chấp quan điểm của lãnh đạo Corbyn.
Anh sở hữu hạm đội tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân Trident tầm bắn 12.000 km, cho phép London có thể tấn công gần như mọi khu vực trên thế giới. Đây là biện pháp răn đe chiến lược duy nhất đang được Anh duy trì.
Tại sự kiện tranh cử hôm 3/6, ông Starmer khẳng định Công đảng dưới sự lãnh đạo của ông đã "thay đổi" so với thời của Corbyn, đặc biệt là trong vấn đề vũ khí hạt nhân. "Tôi biết rõ an ninh quốc gia và phòng thủ đất nước là vấn đề số một", ông nhấn mạnh.
Tàu HMS Vanguard Anh khai hỏa tên lửa Trident trong bức ảnh đăng năm 2023. Ảnh: BQP Anh
Ông Starmer cho biết nếu thắng cử, Công đảng sẽ duy trì năng lực răn đe trên biển của Anh, cấp ngân sách cho mọi hoạt động nâng cấp quân sự trong tương lai và giám sát việc chế tạo 4 tàu ngầm hạt nhân mới ở cảng Barrow-in-Furness.
Lãnh đạo Công đảng cũng tái khẳng định cam kết tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 2,5% GDP "sớm nhất có thể", song không đề cập thời điểm chính xác.
Sau bài phát biểu của ông Starmer, ông Corbyn viết trên mạng xã hội X rằng vũ khí hạt nhân là "mối đe dọa sâu sắc và hiện hữu" với loài người, kêu gọi chính phủ Anh nên đầu tư vào trường học, bệnh viện thay vì "vũ khí hủy diệt hàng loạt".
Đảng Quốc gia Scotland (SNP) chỉ trích bình luận của ông Starmer, gọi chiến lược răn đe hạt nhân là "ghê tởm về mặt đạo đức". Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps nói bài phát biểu của lãnh đạo Công đảng "rỗng tuếch" và chỉ trích ông đã không đưa ra mốc thời gian cụ thể cho việc tăng chi tiêu quốc phòng.
Nguồn: [Link nguồn]
Nga cảnh báo việc Mỹ triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn phóng từ mặt đất đến châu Âu hoặc châu Á-Thái Bình Dương sẽ buộc Moscow có "biện pháp răn đe bổ sung trong lĩnh vực hạt nhân".