Ukraine viết “tâm thư” cho NATO

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Trong thư, Ukraine bày tỏ mong muốn nhận được lời mời gia nhập liên minh quân sự NATO ngay vào tuần tới khi xung đột với Nga có bước leo thang mới.

Bức thư được viết bằng tiếng Anh do Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Andrii Sybiha chấp bút gửi tới những người đồng cấp NATO và được Reuters tiếp cận hôm 29-11.

"Tôi kêu gọi các vị ủng hộ quyết định mời Ukraine gia nhập liên minh tại Hội nghị Ngoại trưởng NATO diễn ra trong ngày 3 và 4-12 tới" – nội dung bức thư viết.

Hội nghị Ngoại trưởng NATO sắp tới được tổ chức ở Brussels - Bỉ.

Bức thư phản ánh nỗ lực mới của Kiev nhằm tìm kiếm lời mời gia nhập NATO và đây là một phần trong "kế hoạch chiến thắng" được Tổng thống Volodymyr Zelensky vạch ra vào tháng 10 nhằm chấm dứt cuộc xung đột với Nga.

Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Andrii Sybiha. Ảnh: EPA-EFE

Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Andrii Sybiha. Ảnh: EPA-EFE

Xung đột Nga – Ukraine kéo dài hơn 1.000 ngày qua nhưng chưa có hồi kết, thậm chí đang có những bước leo thang mới nguy hiểm.

Reuters mô tả trong "tâm thư", Bộ trưởng Ngoại giao Sybiha lập luận rằng đây là thời điểm thích hợp để NATO đưa ra lời mời Ukraine gia nhập khối.

Ông Sybiha nói thêm: "Đây sẽ là phản ứng tương xứng của các đồng minh trước việc Nga không ngừng leo thang xung đột, bằng chứng mới nhất là sự tham gia của hàng chục ngàn quân Triều Tiên và việc biến Ukraine thành nơi thử nghiệm vũ khí mới". 

Ukraine bày tỏ họ chấp nhận việc không thể gia nhập NATO trước khi xung đột kết thúc, song việc nhận được lời mời lúc này sẽ cho Tổng thống Nga Vladimir Putin thấy một trong những mục tiêu chính của ông - ngăn chặn Kiev trở thành thành viên NATO - sẽ không thể đạt được.

NATO từng tuyên bố Ukraine sẽ gia nhập liên minh và con đường để Kiev tiến tới tư cách thành viên là "không thể đảo ngược". Tuy nhiên, hiện tại NATO vẫn chưa đưa ra lời mời chính thức hay đặt ra khung thời gian cụ thể cho quốc gia Đông Âu này.

Các nhà ngoại giao NATO khẳng định thời điểm này chưa có sự đồng thuận giữa các thành viên trong việc mời Ukraine gia nhập khối. Bất kỳ quyết định nào như vậy đều cần sự đồng ý từ tất cả 32 quốc gia thành viên của khối quân sự do Mỹ dẫn dắt.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết vụ Nga phóng tên lửa siêu thanh Oreshnik sẽ không thay đổi tiến trình của cuộc xung đột cũng như...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hải Hưng ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN