Ukraine trên bờ vực vỡ nợ 22 tỷ USD

Khi cuộc xung đột với Nga chưa có hồi kết, Ukraine lại phải đau đầu với vấn đề tài chính khi hạn chót trả nợ sắp đến.

Chính quyền của ông Zelensky đang gặp những khó khăn nhất định về tài chính. Ảnh: EPA

Chính quyền của ông Zelensky đang gặp những khó khăn nhất định về tài chính. Ảnh: EPA

The Conversation ngày 1/7 đưa tin, với nền kinh tế bị tàn phá bởi xung đột và chi phí quốc phòng trong năm ước tính lên tới 35 tỷ bảng (44 tỷ USD), Ukraine đang trên bờ vực vỡ nợ với khoảng 18 tỷ bảng (hơn 22 tỷ USD).

Khi xung đột Nga - Ukraine bắt đầu, các nhà đầu tư tư nhân do công ty JP Morgan dẫn đầu đã đồng ý tạm dừng yêu cầu Ukraine trả nợ trong một khoảng thời gian nhất định. Và thời hạn đó sẽ hết vào tháng 8 năm nay. Cả Ukraine và những người cho vay đều đang chạy đua để đạt được thỏa thuận mới vào phút cuối, nhằm tránh tình trạng vỡ nợ.

Những cuộc đàm phán tái cơ cấu nợ giữa các quốc gia và nhà đầu tư là chuyện thường thấy, nhưng thường kéo dài nhiều năm và hiếm khi xảy ra trong bối cảnh xung đột. Hiện tại, hai bên vẫn còn xa mới tới điểm đồng thuận trong đàm phán. Trong khi Ukraine đề nghị giảm 40% nghĩa vụ trả nợ (nghĩa là Kiev chỉ muốn trả 60% tổng số tiền nợ), các nhà đầu tư chỉ chịu mất 20% (nghĩa là họ muốn Kiev phải trả 80% tổng số tiền nợ).

Theo The Conversation, Ukraine phải đối mặt với sự đánh đổi trong đàm phán nợ. Nếu Ukraine thuyết phục được các chủ nợ giảm bớt một phần lớn số tiền nợ phải trả, hoặc nếu Kiev tuyên bố không thể trả nợ (vỡ nợ), điều này sẽ giúp họ không phải trả số tiền nợ đó trong thời gian ngắn hạn.

Khi không phải trả các khoản nợ ngay lập tức, Ukraine có thể sử dụng số tiền đó để chi trả cho các nhu cầu cấp bách khác liên quan đến cuộc xung đột với Nga như mua vũ khí, cung cấp hậu cần, hay hỗ trợ quân đội.

Tuy nhiên, hậu quả lâu dài của quyết định trên có thể rất nghiêm trọng, với chi phí vay cao hơn và thời gian bị cấm tham gia thị trường vay vốn sẽ dài hơn.

Kết quả của các cuộc đàm phán giữa Ukraine và các nhà đầu tư sẽ ảnh hưởng không chỉ đến khả năng phòng thủ ngay lập tức mà còn đến khả năng phục hồi kinh tế dài hạn của quốc gia này.

Khả năng tiếp cận thị trường tín dụng của một quốc gia đóng vai trò quan trọng xác định kết quả một cuộc xung đột. Nợ cho phép các quốc gia huy động nhiều nguồn lực hơn, nhanh hơn mức thông thường. Nợ càng rẻ và càng dễ tiếp cận thì quốc gia đó càng có thể huy động nhiều nguồn lực hơn cho cuộc xung đột mà nước đó tham gia.

Do tầm quan trọng của việc nợ đối với xung đột, các quốc gia tham gia xung đột thường hiếm khi để vỡ nợ xảy ra. Nếu không, nguy cơ mất khả năng tiếp cận thị trường tín dụng là rất cao.

Theo The Conversation, nợ cho phép các nhà lãnh đạo quốc gia dân chủ huy động tài nguyên mà không cần áp dụng các biện pháp tài chính không được lòng dân như tăng thuế hoặc cắt giảm chi tiêu. Tuy nhiên, do khó khăn trong việc vay nợ thêm, Ukraine đã phải quay lại các biện pháp tài chính đó: tăng thuế đối với cá nhân và cắt giảm chi tiêu cho các dịch vụ xã hội. Điều này dẫn đến sự chia rẽ và bất mãn trong xã hội.

Thuế rất quan trọng trong các cuộc xung đột, nhưng nó cũng dễ gây nguy cơ làm mất sự ủng hộ cần thiết trong nước để tiếp tục cuộc xung đột.

Tương lai tài chính của Ukraine

Có một số tín hiệu mà người Ukraine xem là tích cực. Sau nhiều ngày trì hoãn, quốc hội Mỹ đã thông qua gói viện trợ quân sự trị giá 60 tỷ USD. London cũng cung cấp gói viện trợ lớn nhất trị giá hơn 3 tỷ bảng cho Kiev.

Gần đây, các nước thuộc G7 đã chấp thuận sử dụng tài sản đóng băng của Nga để tài trợ khoản vay 50 tỷ USD cho Ukraine.

Tuy nhiên, theo The Conversation, các nguồn tài chính bổ sung trên không giải quyết được vấn đề nợ của Ukraine. Các gói viện trợ của Anh và Mỹ chỉ dành cho trang thiết bị quân sự, không dùng cho ngân sách. Khoản vay từ G7 sẽ linh hoạt hơn nhưng không có sẵn để dùng ngay mà phải chờ tới cuối năm nay.

Nguồn: [Link nguồn]

Trong bối cảnh F-16 sắp xuất hiện trên bầu trời Ukraine, giới quan sát cho rằng Moscow đã có kế hoạch đối phó, còn Kiev lại đau đầu với một bài toán khác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Thái - The Conversation ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN