Ukraine tổn thất lớn trong phản công vì chủ quan trước sức mạnh không quân Nga?
Kể từ khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, Nga chưa thực sự huy động sức mạnh không quân cho đến khi Ukraine bắt đầu phản công và điều này có thể đã khiến Kiev bất ngờ.
Trực thăng tấn công Ka-52 của Nga nã hỏa lực.
Báo Mỹ Insider ngày 23/6 đăng bài phân tích cho biết, khi Ukraine mở cuộc phản công với số lượng lớn khi tài do phương Tây cung cấp, Nga đã đối phó bằng cách sử dụng sức mạnh không quân vượt trội theo cách chưa từng áp dụng cho đến nay.
Một binh sĩ Ukraine nói trên báo Anh Financial Times (FT) hồi tuần này rằng, trực thăng tấn công Nga nã hỏa lực phá hủy các đoàn xe bọc thép Ukraine là "kỹ thuật chiến đấu rất mạnh" mà Kiev không có năng lực tương tự.
Theo báo Mỹ, trong gần 3 tuần phản công, các lực lượng Ukraine đã tiến công vượt quá tầm bảo vệ của các hệ thống phòng không cố định, tạo khoảng trống để các trực thăng tấn công như Ka-52 của Nga tự do phô diễn sức mạnh bằng pháo cỡ 30mm hoặc tên lửa chống tăng.
"Đây là vấn đề lỗ hổng trong cách Ukraine xây dựng mạng lưới phòng không", Riley Bailey, nhà nghiên cứu am hiểu về Nga tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở ở Mỹ, nói trên tờ Insider.
"Trong khi đối phó đợt phản công của quân đội Ukraine, Nga vẫn nã tên lửa tầm xa vào các mục tiêu quân sự của Kiev ở cách xa tiền tuyến", chuyên gia Bailey nói, cho rằng Ukraine chưa thực sự tập trung đẩy mạnh năng lực phòng không trên chiến trường.
Để đối phó cuộc phản công của Ukraine, Nga đã sử dụng các trực thăng tấn công như Ka-52 với tần suất và quy mô chưa từng có.
"Ukraine vẫn bố trí hệ phòng không dày đặc tại các thành phố, các cơ sở quân sự rải rác trên lãnh thổ, không nghĩ rằng Nga sẽ huy động sức mạnh không quân, do đó không có phương án đối phó các máy bay Nga ở tiền tuyến", chuyên gia Bailey nhận định.
"Nga huy động lực lượng không quân Nga tham gia chiến đấu ở tiền tuyến theo cách chưa từng làm trước đây và có thể nói là phía Nga đã đạt được thành công", chuyên gia Mỹ cho biết.
Cũng cần phải lưu ý rằng, Nga mới chỉ sử dụng một phần sức mạnh không quân do các chiến đấu cơ như Su-35, MiG-29 hay Su-30 vẫn giữ khoảng cách, chưa trực tiếp tham gia chiến đấu ở cự ly gần.
Hôm 6/5, một chuyên gia quân sự Mỹ từng cảnh báo, không quân Nga đủ sức đè bẹp cuộc phản công của Ukraine.
Dale Buckner, cựu sĩ quan quân đội Mỹ, người đứng đầu tổ chức an ninh quốc tế Global Guardian, nói: "Nga có ưu thế trên không gần như là áp đảo và họ chưa đưa sức mạnh này vào cuộc chiến".
Ông Buckner nói các chiến đấu cơ Nga đủ sức đánh tan đội hình phản công của Ukraine nếu được huy động. "Ukraine sẽ đối mặt thách thức thực sự nếu lực lượng phản công của họ không được trang bị hệ thống phòng không phù hợp và không có nhiều lớp phòng không bảo vệ", ông Buckner nói.
Theo chuyên Bailey, "quân đội Ukraine sẽ phải thích ứng với cách Nga sử dụng sức mạnh không quân trong giao tranh ở miền nam".
Chuyên gia Mỹ nêu ví dụ rằng Kiev đang chuyển sang nhắm tới mục tiêu là các trực thăng Nga. Hôm 21/6, Ukraine thông báo bắn rơi trực thăng Mi-24 của Nga. Một ngày sau, Kiev cũng tuyên bố bắn rơi một trực thăng Ka-52.
Các chiến đấu cơ Nga chưa trực tiếp chiến đấu mà chỉ giới hạn ở vai trò hỗ trợ.
Nhưng vấn đề không chỉ là đối phó thách thức trên không, Ukraine cũng chưa tìm ra phương án đối phó lực lượng Nga hiệu quả trên mặt đất.
Nga duy trì tuyến phòng thủ rất mạnh nhờ lực lượng giàu kinh nghiệm ở tuyến đầu và được pháo binh yểm trợ. Ở tuyến 2, Nga cũng bố trí sĩ sẵn lực lượng sẵn sàng hỗ trợ nếu các đơn vị tiến công của Ukraine tiếp cận phòng tuyến đầu tiên.
Một thách thức khác nằm ở môi trường tác chiến điện tử. Nga sử dụng các hệ thống tác chiến điện tử mạnh mẽ làm gián đoạn việc điều hướng, xác định mục tiêu và trinh sát của Ukraine. Cuối cùng, lớp mìn dày đặc sẽ khiến công binh Ukraine mất thời gian để mở lối đi cho các đoàn xe bọc thép, theo Insider.
Nguồn: [Link nguồn]
Ở giai đoạn đầu, chiến dịch phản công quy mô lớn của quân đội Ukraine không đạt thành công như kì vọng, trong khi các lực lượng Nga đã kháng cự quyết liệt hơn dự đoán,...